Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang yêu cầu kiến nghị của 4 doanh nghiệp tại cuộc tiếp xúc doanh nghiệp định kỳ vào hôm qua 10.12 phải được giải quyết dứt điểm trong năm nay. Không thể đi được quan điểm, chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh.
Kiến nghị đất đai
Đã từng có nhiều buổi họp của chính quyền tỉnh liên quan đến cuộc hợp tác đầu tư dự án Trung tâm thương mại Vinastartup Quảng Nam tại khu đất 189 Huỳnh Thúc Kháng (Tam Kỳ) giữa Công ty CP Đầu tư và khởi nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam tại Đà Nẵng (DATC Đà Nẵng) và Công ty CP Lương thực và dịch vụ Quảng Nam (QNF), nhưng vẫn chưa có kết quả cuối cùng.
Ông Hoàng Công Đoàn - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và khởi nghiệp Việt Nam cho hay doanh nghiệp (DN) đã nộp hộ gần 2,5 tỷ đồng thuế nợ, khôi phục tình trạng pháp lý của QNF. Chính quyền tỉnh đã ra rất nhiều công văn giao các cơ quan quản lý tham mưu, nhưng đến nay chưa được giải quyết để DN có thể hoàn thiện các thủ tục góp vốn, đầu tư, đất đai, xây dựng, tiến hành dự án Vinastartup Quảng Nam.
Trong khi đó, Công ty CP Khu du lịch sinh thái Hang Gợp (chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang) cho rằng đã hoàn thành đầy đủ các thủ tục, nghĩa vụ tài chính và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đã điều chỉnh quy hoạch cục bộ nhưng gặp khó, không được cấp phép xây dựng 5 hạng mục công trình còn lại chỉ vì “một con suối”, nên không thể tiếp tục dự án.
Còn Khu dịch vụ tổng hợp và nghỉ dưỡng Bình Minh (xã Bình Đào và Bình Minh, Thăng Bình) của Công ty CP Đầu tư và phát triển Cửa Đại mất 3 năm vẫn không thể tiến hành dự án. Cho dù đã hoàn tất mua đất của 4 hộ dân, nhưng DN không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với lý do chồng lấn. Bà Huỳnh Thị Liễu - cổ đông lớn của DN cho biết đã đi lại rất nhiều lần. Vụ việc đã bị các cơ quan, địa phương đẩy qua đẩy lại, không giải quyết dứt điểm.
“Đất đã mua, bìa đỏ có trong tay rồi. Niêm yết, thông báo cả tháng, không ai tranh chấp. Nếu có tranh chấp hay chồng lấn gì thì khu vực đó cũng của DN. Chúng tôi đã nói chính quyền, cơ quan quản lý là muốn đo vẽ, ghi bao nhiêu diện tích thì ghi, không yêu cầu phải đúng như trên bìa đỏ của các hộ dân. Ít diện tích lại cũng được. Nhưng họ không làm, không hướng dẫn. Không hiểu chính quyền và cơ quan quản lý như thế nào? Muốn gì? Còn chuyện ký quỹ, DN sẵn sàng. Nhưng thủ tục đất đai trì trệ đến 4 năm không gỡ được thì làm sao ký quỹ. Chỉ cần hoàn thành thủ tục đất đai thì chỉ mấy giây sau là DN chuyển tiền ký quỹ ngay” – bà Liễu nói.
Một trường hợp khác, chính quyền Thăng Bình không thể thu hồi lại đất Công ty CP Thương mại và dịch vụ Thăng Bình đã sử dụng, nhưng cũng không muốn cho DN này tiếp tục xin thuê đất đầu tư mà vin vào lý do đã thống nhất sử dụng thửa 512, tờ bản đồ số 30 (748,7m2) tại ngã tư Hà Lam để làm công viên cây xanh.
Ông Lê Văn Được – luật sư đại diện Công ty CP Thương mại và dịch vụ Thăng Bình nói không nên đẩy DN vào đường cùng, đẩy người lao động mất việc làm khi 5 năm qua đất bỏ không, không người quản lý, khai thác, thiệt hại ngân quỹ nhà nước…
Đồng hành cùng DN
Ông Nguyễn Tấn Văn – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT nói toàn bộ tài sản khu đất 189 của QNF đã thế chấp cho DATC thì làm gì có quyền nữa. Chỉ khi nào DATC thống nhất cho góp vốn bằng tài sản, xóa thế chấp thì QNF mới có quyền được góp vốn bằng tài sản này vào Công ty CP Đầu tư và khởi nghiệp Việt Nam và công ty này mới được nhà nước tiếp tục cho thuê đất (còn lại 12 năm). Không đầu tư xây dựng mới, chỉ có thể kinh doanh trên tài sản của QNF.
Không thừa nhận ý kiến Sở Xây dựng rằng lý do không cấp phép cho Hang Gợp vì 5 hạng mục đầu tư không phù hợp trích lục bản đồ (xác định là suối), ông Nguyễn Ngọc Nam – Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh nói phải tính toán cho DN. Chỉ cần căn cứ theo quy hoạch và giấy phép đầu tư được duyệt để cấp phép cho DN xây dựng.
Những cuộc tranh biện giữa các bên không thể kết thúc. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang đi đến kết luận sơ bộ rằng DN đã tìm đến Quảng Nam đầu tư, nhưng thủ tục hành chính rườm rà, ì ạch khiến họ nản lòng. Điều này đi ngược với quan điểm thu hút đầu tư của chính quyền tỉnh là “đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư, mở rộng dự án…”.
Theo ông Quang, trong vòng 7 ngày, các sở liên quan phải có văn bản cụ thể hướng dẫn, phải tìm mọi cách để DN có thể tiến hành đầu tư dự án trên khu đất 189 Huỳnh Thúc Kháng (Tam Kỳ) một cách hợp lý. Các sở và chính quyền huyện Đông Giang rà soát, kiểm tra cấp phép xây dựng cho Hang Gợp tiến hành dự án theo quy hoạch được duyệt và giấy phép đầu tư. Không thể để vì những vướng mắc nhỏ bé này mà DN lại phải “khăn gói” tìm đến chính quyền tỉnh. Trong vòng 10 ngày, Sở TN&MT phải rà soát, hướng dẫn và cấp phép theo thực tế đất đai để bàn giao cho DN. Chậm nhất đến ngày 31.12.2020, UBND huyện Thăng Bình phải mời 4 hộ dân của dự án này lên xác nhận, thống nhất việc cấp đất. Không cầu toàn giải quyết hết 1 lần. Ổn hộ nào cấp giấy hộ nấy, hỗ trợ tối đa cho DN.
Riêng vụ Công ty CP Thương mại và dịch vụ Thăng Bình, ông Quang cho rằng UBND huyện Thăng Bình cần phải đối xử bình đẳng, sòng phẳng, cởi mở với DN. Tất cả phải dựa trên định hướng phát triển lâu dài và căn cơ, đừng ép DN! “Thủ tục hành chính chậm, giải quyết kiến nghị DN phải rốt ráo trên tinh thần đồng hành. Sai sẽ phải sửa. Nói đồng hành cùng DN thì phải tạo điều kiện, chứ tranh chấp miết thì đồng hành như thế nào. UBND tỉnh sẽ theo dõi, giám sát, kiểm tra. Không thể tiếp DN xong, DN chờ giải quyết rồi lại tiếp tục đăng ký các cuộc tiếp xúc để trình bày ý kiến. Mất hết ý nghĩa của công cuộc cải thiện môi trường đầu tư” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang nói.