Nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) dường như đã trở thành “căn bệnh nan y” khó tìm được thuốc chữa, khi số nợ ngày càng tăng. Từ đầu năm 2012 đến nay, BHXH các cấp đã phải khởi kiện 17 đơn vị ra tòa để giải quyết sự vụ liên quan đến nợ đọng BHXH.
Doanh nghiệp nợ BHXH, chịu thiệt thòi chính là người lao động, vì quyền lợi bị “treo”. Ảnh: D.L |
“Nóng” chuyện đã cũ
Nợ BHXH không còn là câu chuyện mới, nhưng luôn là câu chuyện được hàng nghìn người lao động (NLĐ) quan tâm, bởi lẽ điều này liên quan đến những quyền lợi thiết thân của họ. Đến ngày 30.6.2013, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 400 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị có sử dụng lao động nợ tiền BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ 3 tháng trở lên, với tổng số tiền hơn 68,6 tỷ đồng. Nền kinh tế khó khăn trong thời gian qua khiến không ít doanh nghiệp lao đao, nhưng không vì thế mà đổ lỗi hoàn toàn cho nguyên nhân này. Có những doanh nghiệp vì làm ăn thua lỗ không có khả năng trả nợ, để kéo dài dây dưa mãi đến tận thời điểm này không thể giải quyết nổi. Như Công ty TNHH TM&DV Lê Dung (Tam Kỳ) đến nay đã đổi chủ, nhưng chủ mới chỉ tiếp nhận lại NLĐ, còn số nợ BHXH gần 325 triệu đồng (tiền đóng BHXH 25 tháng) của NLĐ thì chủ cũ không chịu giải quyết. Tính ra mỗi tháng, số tiền chẳng là bao nhiêu, nhưng chỉ vì chây ỳ mà số nợ tăng lên vài trăm triệu đồng. Một NLĐ đang làm việc tại doanh nghiệp này nói: “Chẳng lẽ bây giờ quyền lợi của chúng tôi bị treo lơ lửng mãi thế này hay sao? Chúng tôi đến hỏi ngành chức năng thì được bảo là do doanh nghiệp còn nợ BHXH nên quyền lợi không được giải quyết. Giờ biết tìm nơi đâu mà đòi quyền lợi, chẳng lẽ bỏ hết khoảng thời gian đóng BHXH cũ để tham gia lại từ đầu mới được hưởng mọi quyền lợi. Tiền lương thì đã bị trích đóng, mà chế độ chẳng được giải quyết, cuối cùng chỉ có chúng tôi, những NLĐ là bị thiệt”.
Một số đơn vị nợ BHXH Đến cuối tháng 6.2013, còn rất nhiều doanh nghiệp nợ BHXH káo dài như: Công ty CP Giao thông công chính Tam Kỳ nợ hơn 636 triệu đồng (tiền đóng BHXH của 19 tháng); Công ty TNHH Chế biến mây - tre - gỗ Nam Phước (Duy Xuyên) hơn 522 triệu đồng (27 tháng); Công ty Liên doanh công trình Miền Trung (Núi Thành) hơn 2,1 tỷ đồng (61 tháng)... Nhiều doanh nghiệp thậm chí ngưng hoạt động, phá sản như Công ty CP Đồng Xanh- Nhà máy cồn Đại Tân (huyện Đại Lộc) nợ đến thời điểm này hơn 3,9 tỷ đồng (22 tháng); Công ty TNHH Hải Hà (Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, Điện Bàn) nợ hơn 510 triệu đồng (29 tháng); Công ty CP Xây dựng giao thông 502 (Tam Kỳ) hơn 3,4 tỷ đồng (66 tháng), Công ty TNHH L.K Quảng Nam (Tam Kỳ) 2,1 tỷ đồng (19 tháng); Công ty TNHH MTV Sông Đà 903 (Nam Giang) hơn 1,8 tỷ đồng (8 tháng); Công ty CP Giao thông vận tải Quảng Nam (Tam Kỳ) hơn 1,4 tỷ đồng (23 tháng); Công ty CP Đất Quảng (Đà Nẵng) hơn 898 triệu đồng (10 tháng)... |
Ông Võ Thanh Hùng - Trưởng phòng Thu (BHXH tỉnh) cho biết: “Các doanh nghiệp nợ BHXH, còn hoạt động hay đã ngưng hoạt động, đều đã thu phần tiền của NLĐ, nhưng cố tình chiếm dụng để làm các việc khác mà không nộp về cho cơ quan BHXH. Hành vi này khiến mọi quyền lợi liên quan của NLĐ như nghỉ ốm đau, thai sản, mất sức, hưu trí, tử tuất... đều bị ngưng lại, không thể chốt sổ cho họ hưởng”. Chỉ vì những doanh nghiệp, đơn vị để nợ BHXH kéo dài mà quyền lợi thiết thân của hơn 5.000 NLĐ bị bỏ ngỏ, chẳng có cách nào giải quyết khi mà chủ doanh nghiệp cứ để nợ kéo dài.
Cần thuốc đặc trị
Năm 2012, BHXH Núi Thành khởi kiện Công ty CP Gạch men Anh & Em DIC (Khu công nghiệp Bắc Chu Lai, Tam Hiệp, Núi Thành). “Liều thuốc ra tòa” có vẻ hữu hiệu khi công ty này đã xin hòa giải, cam kết trả nợ. Nợ hơn 4 tỷ đồng, tính đến tháng 9.2012 công ty trả được hơn 1 tỷ đồng rồi ngưng không thực hiện đúng cam kết trả nợ. Không trả nợ cũ, công ty còn mang luôn nợ mới kéo dài đến 30.6.2013 thành tổng nợ hơn 4,3 tỷ đồng (nợ 19 tháng).
Không riêng gì Công ty CP Gạch men Anh & Em DIC bị khởi kiện, trong năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, cơ quan BHXH tỉnh và các huyện, thành phố đã khởi kiện 17 đơn vị. Khi bị khởi kiện, các đơn vị này mới chịu thực hiện việc trả nợ BHXH, nhưng cũng có đơn vị tiếp tục để nợ như thách thức cơ quan chức năng. Bà Trương Thị Minh Tâm - Giám đốc BHXH TP.Hội An, cho biết: “Quý IV năm 2012, chúng tôi đưa đơn khởi kiện 3 đơn vị gồm Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Quảng Nam, Công ty TNHH An Phú, Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Tân Đông An. Đến quý I năm 2013 các công ty xin hòa giải, và đến tháng 4.2013 đã trả hết nợ, thu hồi được số tiền nợ hơn 1,93 tỷ đồng. Trong quý II năm 2013, chúng tôi tiếp tục khởi kiện Công ty TNHH Thành Công, nợ hơn 232 triệu đồng (nợ 42 tháng), Công ty TNHH Xây dựng & thương mại Tân An nợ hơn 112 triệu đồng (nợ 22 tháng). Tình hình khó khăn có thể thông cảm cho doanh nghiệp, nhưng chỉ cần mỗi tháng họ trả mỗi ít, hoặc có động thái tích cực là đến cơ quan BHXH để cam kết trả nợ thì chúng tôi không phải kiện làm gì. Nhưng đơn vị nào có khả năng trả nợ mà không trả, chây ỳ, chúng tôi kiên quyết khởi kiện để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ”.
Ông Võ Thanh Hùng cho biết thêm, BHXH tỉnh đã báo cáo UBND tỉnh về tình hình nợ đọng BHXH và đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp với ngành tiến hành thanh kiểm tra, thu hồi nợ. Ngày 25.7, Sở LĐ-TB&XH đã có công văn gửi các doanh nghiệp, đơn vị nợ BHXH, đề nghị thanh toán tiền nợ, hoặc có văn bản cam kết trả nợ gửi về cơ quan BHXH trước ngày 15.8.2013. Nếu sau thời gian này, các doanh nghiệp, đơn vị nợ BHXH không có động thái tích cực, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh sẽ kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
DIỄM LỆ