Giải quyết nợ tạm ứng kéo dài

NHẬT PHONG 30/09/2015 09:35

Ngày 23.9.2015, UBND tỉnh ra thông báo gửi các sở, ban, ngành, hội đoàn thể, các thành phố, thị xã, huyện và chủ đầu tư các công trình thuộc cấp tỉnh về việc tạm dừng tính lãi đối với vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ tạm ứng cho nhà thầu chậm thanh toán theo Công văn số 194/UBND-KTTH ngày 16.1.2013.

Ngoài việc thống nhất tạm dừng tính lãi, thông báo này còn yêu cầu gia tăng việc quản lý vốn đầu tư, tránh tình trạng số dư quá thời hạn thanh toán kéo dài, các chủ đầu tư khi ký kết hợp đồng với nhà thầu phải nêu rõ các nội dung quy định về hành vi vi phạm thời hạn thanh toán tạm ứng chi đầu tư xây dựng cơ bản, chi sự nghiệp có tính chất đầu tư theo các thông tư, nghị định, công văn của Bộ Tài chính. Liên ngành tài chính, kế hoạch và đầu tư, kho bạc nhà nước ban hành văn bản việc tính lãi này và theo dõi, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện thu hồi số dư nợ vốn đầu tư xây dựng tạm ứng cho các nhà thầu đã quá thời hạn thanh toán, thực hiện các biện pháp chế tài theo quy định.

Thông báo này phát đi đã gây nhiều thắc mắc, phân vân. Dư luận đặt câu hỏi liệu không biết có phải “lệnh” tính lãi trên số dư tạm ứng của chính quyền đã bị vô hiệu trước “con nợ”? Theo ông Nguyễn Quốc Tùng - Trưởng phòng Kiểm soát chi (Kho bạc Nhà nước Quảng Nam) thì công văn tính lãi nợ tạm ứng của UBND tỉnh  không thể song hành với thông tư của Bộ Tài chính về xử lý hành chính vi phạm lĩnh vực kho bạc. Theo thông tư này, Giám đốc Kho bạc Nhà nước toàn quyền xử lý, chế tài, xử phạt các chủ đầu tư, nhà thầu nợ tạm ứng kéo dài. Nếu nhà thầu chậm hoàn ứng sẽ chịu phạt, còn nếu nhà thầu gửi hồ sơ tới chủ đầu tư đúng quy định, nhưng chủ đầu tư “ngâm” quá lâu, vượt thời gian quy định thì chính chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm và chịu phạt tiền. Toàn bộ tiền bị phạt này sẽ được lấy từ tiền cá nhân của những người vi phạm. Ai vi phạm sẽ bị nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước Quảng Nam.

Sự dừng tính lãi hay chế tài trách nhiệm cá nhân vi phạm (lấy tiền túi bỏ ra nộp phạt) có thể được xem là một phương cách mới trong việc chấm dứt nạn tạm ứng kéo dài nhiều năm không giải quyết được. Thực tế, tuyên bố giám sát chặt chẽ của các chủ đầu tư hay sự kiên quyết của cơ quan quản lý khi tính lãi trên số dư nợ đọng chỉ có tác động đến những nhà thầu thiện chí, còn các doanh nghiệp cố tình lảng tránh hay chây ì hiện vẫn chưa thể có cách giải quyết hữu hiệu. Thậm chí không ít cơ quan quản lý còn tuyên bố nhà thầu không hợp tác sẽ chuyển đến các cơ quan chức năng xử lý. Thế nhưng, cho dù ngày càng nhiều con số dự án, nhà thầu không hợp tác, đã được chuyển đến cơ quan chức năng xử lý theo pháp luật, nhưng các chủ đầu tư, cơ quan quản lý vẫn không thể làm gì được với các “con nợ” này. Nhiều chủ đầu tư đã gửi đơn xin xóa nợ các nhà thầu, tư vấn đã giải thể… Hiện số dư tạm ứng khoảng 1.259,1 tỷ đồng (hơn 1.003,6 tỷ đồng chi đầu tư xây dựng cơ bản). Lo ngại nhất là tạm ứng xây dựng cơ bản từ ngân sách tỉnh. Các chủ đầu tư và kho bạc nhà nước đã tạm ứng thực hiện hợp đồng xây dựng cơ bản cho nhà thầu nhưng đến hết năm 2014, nhiều công trình chưa có khối lượng để thanh toán còn khá lớn (khoảng 138,7 tỷ đồng). Trong đó có một số khoản tạm ứng năm 2010 về trước đến nay vẫn chưa thể thu hồi được (khoảng 71 tỷ đồng). Tất cả khoản tiền tạm ứng này chưa biết bao giờ mới hoàn ứng xong. Hiệu lệnh của chính quyền đã không phát huy tác dụng thì liệu sự toàn quyền quyết định việc xử phạt của Giám đốc Kho bạc Nhà nước địa phương có đủ uy lực để giải quyết tình trạng này hay không vẫn là câu hỏi chờ câu trả lời từ thực tế đầu tư?

NHẬT PHONG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giải quyết nợ tạm ứng kéo dài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO