Để giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn, bán hàng rong gây mất mỹ quan đô thị trên địa bàn, TP.Tam Kỳ đã triển khai nhiều biện pháp nhằm chấn chỉnh.
Phường An Sơn là địa bàn có nhiều tuyến đường kinh doanh các loại dịch vụ ăn uống, giải trí phục vụ người dân địa phương và khách du lịch như Hùng Vương, Trần Cao Vân, Tôn Đức Thắng, Đỗ Thế Chấp..., từ đó phát sinh tình trạng bán hàng rong, chèo kéo khách, ăn xin biến tướng làm mất an ninh trật tự, mỹ quan đô thị. Trong năm qua, lực lượng chức năng phường An Sơn đã tổ chức nhiều đợt ra quân xử lý các trường hợp người lang thang xin ăn, bán hàng rong trên địa bàn. Riêng trong tháng 12.2016, lực lượng chức năng địa phương vận động hơn 10 đối tượng hồi gia. Đa số đối tượng này đều là người từ các nơi khác đến nên việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn. “Để tránh tình trạng các đối tượng chuyển qua địa bàn khác hoạt động, ngay sau khi xử lý, UBND phường đã vận động các đối tượng ký cam kết không tái phạm. Đồng thời trực tiếp đưa đối tượng trở về gia đình để quản lý” - ông Đoàn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND phường An Sơn nói.
Phường Tân Thạnh hiện có gần 70 cơ sở kinh doanh ăn uống, dịch vụ giải trí lớn nhỏ. Đây cũng là nơi hoạt động thường xuyên của các đối tượng xin ăn, bán hàng rong chèo kéo khách. Trước tình hình đó, UBND phường đã vận động các chủ nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống ký cam kết không để các đối tượng lang thang xin ăn, bán hàng rong trên địa phận khu vực kinh doanh, buôn bán. Bên cạnh đó, lực lượng Công an phường phối hợp với ban nhân dân các khối phố tăng cường quản lý hành chính tại các khu nhà trọ tại địa bàn. Ông Phan Văn Ngọc - Phó Chủ tịch UBND phường Tân Thạnh cho biết: “Chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh của địa phương. Đồng thời công bố số điện thoại đường dây nóng đến tất cả khối phố để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về đối tượng lang thang xin ăn, bán hàng rong, nhằm kịp thời xử lý”.
Theo báo cáo của Phòng LĐ-TB&XH TP.Tam Kỳ, số người lang thang ăn xin, bán hàng rong, trẻ em bán vé số, đánh giày trên địa bàn có khoảng 30 người, tập trung chủ yếu tại các phường nội thị. Ngoài ra, còn có khoảng 50 người đến từ các địa phương khác như Thăng Bình, Núi Thành, Tiên Phước. Đa số người lang thang ăn xin, bán hàng rong là do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, bố mẹ ly hôn, con cái thiếu sự chăm sóc dạy dỗ. Trong số họ chủ yếu là những người xuất thân từ các vùng nông thôn có mức thu nhập thấp, phần lớn thuộc diện đói nghèo. Ngược lại, với những đối tượng “lười lao động” thì xem đây là một nghề dễ kiếm sống và thu nhập cao. Trong 4 năm qua, lực lượng chức năng thành phố đã tuyên truyền, vận động hơn 80 đối tượng hồi gia. Trong đó trẻ em bán vé số đánh giày là 36 đối tượng, lang thang xin ăn, bán hàng rong 80 đối tượng. Ngoài ra, thành phố đưa 20 đối tượng lang thang xin ăn có biểu hiện tâm thần vào các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Trinh - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP.Tam Kỳ cho biết, giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn, bán hàng rong được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cấp chính quyền thành phố. Chính vì vậy, Tam Kỳ đang tiến hành nhiều chính sách an sinh xã hội như dạy nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ nhân đạo nhằm giúp đỡ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống. “Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền thì chính quyền thành phố cũng xây dựng kế hoạch ra quân cao điểm xử lý các đối tượng bán hàng rong, vận động các đối tượng lang thang xin ăn hồi gia trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2017 nhằm góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự, đảm bảo mỹ quan đô thị trong dịp tết” - Bà Trinh nói.
VÕ LY