Giải quyết tranh chấp địa giới hành chính: Những việc cần làm ngay

ĐĂNG KHOA 06/11/2018 02:15

Tình trạng đường ranh giới hành chính chồng lấn và xảy ra tranh chấp giữa các địa phương trên địa bàn tỉnh và giữa tỉnh Quảng Nam với các tỉnh, thành phố giáp ranh chậm được xử lý, giải quyết; một số nơi có nguy cơ xảy ra điểm nóng về tranh chấp đất đai…

Tại cuộc làm việc bàn các nội dung hợp tác, hỗ trợ nhau phát triển tổ chức vào cuối năm 2017, lãnh đạo hai tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi thống nhất chủ trương không gây xáo trộn công tác quản lý địa giới hành chính giữa 2 tỉnh. Ảnh: H.GIANG
Tại cuộc làm việc bàn các nội dung hợp tác, hỗ trợ nhau phát triển tổ chức vào cuối năm 2017, lãnh đạo hai tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi thống nhất chủ trương không gây xáo trộn công tác quản lý địa giới hành chính giữa 2 tỉnh. Ảnh: H.GIANG

Đâu là nguyên nhân?

Địa giới hành chính là đường ranh giới phân chia các đơn vị hành chính được đánh dấu bằng các mốc địa giới, là cơ sở pháp lý phân định phạm vi trách nhiệm của bộ máy hành chính nhà nước các cấp trong việc quản lý dân cư, đất đai, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ở địa phương.

Từ năm 1996, hệ thống hồ sơ, bản đồ, mốc, đường địa giới hành chính các cấp của tỉnh Quảng Nam đã được lập theo Chỉ thị 364-CT ngày 6 tháng 11 năm 1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) và đã đưa vào khai thác, sử dụng có hiệu quả, tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý đất đai theo lãnh thổ, giải quyết các tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính. Tuy nhiên, do quá trình thực hiện Chỉ thị 364, các đơn vị thi công thực hiện dự án đã chuyển vẽ bản đồ địa giới hành chính cũ sang bản đồ mới bằng phương pháp chuyển vẽ nội nghiệp trong phòng, không trùng khớp với thực tế sản xuất, canh tác lâu đời của nhân dân, trong khi đó các địa phương lại không tiến hành kiểm tra tại thực địa. Các mốc địa giới hành chính được cắm đến nay phần lớn đã bị hư hỏng, quá trình phát triển kinh tế - xã hội, việc san lấp mặt bằng, xây dựng các công trình lớn đã làm mất dấu, phá vỡ, biến dạng đường ranh giới hành chính giữa các địa phương.

Ông Thái Văn Chương - Trưởng phòng Xây dựng chính quyền (Sở Nội vụ) cho biết, quá trình thành lập mới, chia tách, sáp nhập các huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn đã làm thay đổi địa giới hành chính nhưng công tác lập hồ sơ địa giới hành chính để quản lý chưa được các ngành chức năng và chính quyền địa phương quan tâm thực hiện. “Nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, việc phân chia địa giới hành chính theo tim sông, mốc giới gửi trên bờ nhưng dòng chảy thay đổi hằng năm, tình trạng sạt lở, bồi lấp thường xuyên diễn ra nên công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn. Kinh phí đầu tư cho công tác quản lý địa giới hành chính còn hạn chế, trang thiết bị còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu địa giới hành chính các cấp…” - ông Chương nói.

Đừng để nước tới chân mới nhảy!

Hiện nay, tình trạng đường ranh giới hành chính chồng lấn và xảy ra tranh chấp giữa các địa phương trên địa bàn tỉnh và giữa Quảng Nam với các tỉnh, thành phố giáp ranh chậm được xử lý, giải quyết; một số nơi có nguy cơ xảy ra điểm nóng về tranh chấp đất đai. Trong đó, ranh giới giữa Quảng Nam với các tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum có 5 điểm xảy ra tranh chấp, chưa có sự thống nhất giữa chính quyền và nhân dân 2 bên. Cụ thể, thôn 1 (xã Trà Giáp, huyện Bắc Trà My) nằm trên đất của xã Trà Thanh và xã Trà Khê (huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi) với diện tích tự nhiên là 1.071ha và 73 hộ dân. Tranh chấp đất đai giữa thôn 3 (xã Trà Ka, Bắc Trà My) với xã Trà Xinh (huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi) với diện tích tự nhiên 250ha. Nhân dân thôn 3, xã Trà Vân (huyện Nam Trà My) sinh sống, canh tác, chôn cất mồ mả ông bà trên phần đất thuộc quản lý của xã Sơn Bua (huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) với diện tích tự nhiên 503ha và 41 hộ. Nhân dân xã Trà Vinh (huyện Nam Trà My) sản xuất trên đất có truyền thống lâu đời với diện tích 55ha, nhưng theo bản đồ được lập theo Chỉ thị 364 thì diện tích này thuộc quản lý của xã Sơn Bua và 235 hộ dân thuộc xã Trà Vinh đang sinh sống, canh tác trên đất của xã Đắk Nên (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum). Đối với ranh giới giữa các địa phương trong tỉnh có 15 tuyến ranh giới cấp huyện, liên quan đến 12 huyện, thị xã, thành phố và có 36 tuyến ranh giới hành chính cấp xã, liên quan đến 51 đơn vị hành chính cấp xã tại 9 huyện, thị xã, thành phố có đường ranh giới hành chính chồng lấn, tranh chấp.

Để giải quyết tốt việc tranh chấp địa giới hành chính nêu trên, UBND tỉnh đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan tổ chức rà soát, điều chỉnh những bất cập, hạn chế trong việc lập, quản lý hồ sơ địa giới hành chính các cấp, nhất là xử lý tình trạng sai lệch giữa bản đồ và thực địa; giải quyết dứt điểm tình trạng đường ranh giới chồng lấn, xảy ra tranh chấp, khiếu kiện giữa các địa phương, tránh làm phát sinh điểm nóng về tranh chấp địa giới hành chính theo nguyên tắc tôn trọng các yếu tố về lịch sử sinh sống, sản xuất, đất đai, ranh giới truyền thống; đối với những nơi phức tạp, còn có ý kiến khác nhau phải tổ chức lấy ý kiến của nhân dân và chính quyền địa phương hai bên vùng giáp ranh để tạo sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện. Tỉnh cần sớm bố trí vốn để triển khai thực hiện dự án hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính của tỉnh; chỉ đạo quyết liệt các cấp chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý địa giới hành chính; tập trung xử lý, giải quyết dứt điểm tình trạng chồng lấn, tranh chấp liên quan đến địa giới hành chính trên địa bàn theo thẩm quyền đã được phân cấp, tránh để xảy ra tranh chấp lâu dài, mất đoàn kết trong nội bộ nhân dân.

ĐĂNG KHOA

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giải quyết tranh chấp địa giới hành chính: Những việc cần làm ngay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO