Những cuộc tiếp xúc doanh nghiệp định kỳ hàng tháng, mở từ tháng 10/2014 là một sáng kiến trong diễn trình cải thiện môi trường đầu tư của địa phương đã được doanh nghiệp cho điểm. Tuy nhiên, nếu như sau các cuộc tiếp xúc này không có nhiều vấn đề được giải quyết thì nỗ lực cải cách sẽ ít đi ý nghĩa.
“Phao cứu sinh” doanh nghiệp
Kể từ cuộc tiếp xúc doanh nghiệp đầu tiên (6/10/2014), đã có không biết bao nhiêu rất nhiều doanh nghiệp được “giải cứu”, tìm thấy ánh sáng từ các cơ hội đầu tư, kinh doanh.
Đơn cử, nếu không có những cuộc gặp gỡ này, không biết bao giờ Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam mới nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do sự “khó dễ” của cơ quan quản lý.
HTX Nông nghiệp sạch Quế Sơn cũng khó bề tiếp cận được đất đai hay vốn để mở rộng quy mô sản xuất. Công ty CP Giao Thương Quảng Xưa... sẽ không thể nào hỗ trợ vay vốn nếu không có tác động của UBND tỉnh để xây dựng nhà xưởng và mở L/C đưa thiết bị vào sản xuất… Những dự án như Cồn Bắp hay Bồ Bồ vẫn sẽ mãi là những dự án “đóng băng”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang nói, UBND tỉnh đã yêu cầu theo dõi, kiểm tra, giám sát các kết luận của lãnh đạo tỉnh sau các phiên tiếp xúc phải được thực thi. Các kiến nghị phải được xử lý dứt điểm trong thời gian sớm nhất có thể, có thời hạn ấn định cụ thể. Không để doanh nghiệp tốn thời gian đi lại, kiến nghị nhiều lần mà không ai giải quyết. Không thể tiếp doanh nghiệp xong, doanh nghiệp chờ giải quyết rồi lại tiếp tục đăng ký các cuộc tiếp doanh nghiệp để trình bày ý kiến. Điều này làm mất ý nghĩa của công cuộc cải thiện môi trường đầu tư.
Không có cuộc tiếp xúc doanh nghiệp, lãnh đạo Quảng Nam sẽ không thể biết nhiều hơn nỗi khổ doanh nghiệp từ sự tắc trách, quan liêu, vô cảm của cơ quan công quyền và địa phương.
Công ty CP Đầu tư Toàn Pháp (Cụm công nghiệp Đại Đồng 2, Đại Lộc) sau 5 năm không nhận được mặt bằng, nhưng đã gác lại ý định bỏ cuộc, tiếp tục dự án, khi UBND tỉnh buộc địa phương bàn giao mặt bằng cho doanh nghiệp. Quảng Cường sẽ không thể dễ dàng triển khai dự án Khu du lịch Bằng Am tại Đại Hồng (Đại Lộc)... nếu không tìm đến điều trần với lãnh đạo tỉnh tại các cuộc tiếp xúc.
Công ty Phước Hữu Duyên (Cụm công nghiệp Tây An, Duy Xuyên), chỉ cần cung cấp hồ sơ đầy đủ thì chỉ trong 10 ngày đã được giải quyết cho việc chuyển nhượng dự án sau cuộc gặp gỡ.
Thông qua các cuộc tiếp xúc này, những “tiếng kêu” của doanh nghiệp đã có người phản hồi. Đó là lý do dù có sự thay đổi về nhân sự hay chuyển cơ quan quản lý, sáng kiến này vẫn tiếp diễn. Song, trên thực tế, đã có nhiều bất ngờ xảy ra.
Cuộc họp ngày 7/11/2022 hay nhiều cuộc họp hàng tháng khác đã buộc phải hủy vì không có doanh nghiệp nào đăng ký gặp hay kiến nghị. Chưa có khảo sát nào để biết doanh nghiệp đã thôi gặp khó, họ có nhiều kênh tương tác với chính quyền nên không cần thông qua các cuộc tiếp xúc hay bất tín nhiệm trước các giải quyết của chính quyền... đã khiến họ ngày càng ít “tha thiết” với những cuộc tiếp xúc định kỳ?
Sở KH-ĐT, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho hay họ không có quyền quyết định hay dự đoán sẽ có bao nhiêu doanh nghiệp tìm đến kênh hữu ích này để bày tỏ khó khăn và tìm thấy câu trả lời từ các cuộc tiếp xúc hàng tháng. Chỉ cần một doanh nghiệp gửi kiến nghị hay có ý định thì sẵn sàng mở cuộc tiếp xúc để giải đáp.
Nâng chất những cuộc tiếp xúc
Có thể hiểu, không phải kiến nghị nào của doanh nghiệp nào cũng được xử lý thỏa đáng. Kết thúc mỗi phiên họp đều có kết luận của lãnh đạo tỉnh, giao cho các sở, ban, ngành, địa phương liên quan thực thi việc xử lý, giải quyết.
Việc rà soát lại kết quả giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp tại các thông báo kết luận của UBND tỉnh ở các buổi tiếp doanh nghiệp định kỳ hàng tháng là một trong những kế hoạch nâng chất cải thiện môi trường đầu tư địa phương.
UBND tỉnh thông báo những vấn đề, nội dung nào tồn tại, nhiều vướng mắc, chưa thể giải quyết được thì chủ động báo cáo ngay cho UBND tỉnh để giải quyết kịp thời cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Tuy nhiên, không thiếu kết luận đã được ban hành nhưng kết quả xử lý lại không dễ dàng trên thực tế. Khá nhiều doanh nghiệp phải đăng ký gặp gỡ rất nhiều lần, nhưng vẫn không có kết quả cuối cùng.
Như các doanh nghiệp Đạt Phương, Sông Tranh, Công ty CP Công nghiệp hỗ trợ miền Trung... kiến nghị về ách tắc giải phóng mặt bằng vẫn không được giải quyết. Bởi các kết luận của lãnh đạo tỉnh sau phiên tiếp xúc không được các cơ quan thừa hành thực hiện.
Sở KH-ĐT thừa nhận vẫn còn nhiều kết luận của UBND tỉnh chưa được các ngành, địa phương nhanh chóng thực hiện hoặc không thực hiện. Không có sự hợp tác, đồng lòng của các cơ quan quản lý, địa phương thì nỗ lực đến mấy, thì dù được giao trách nhiệm đầu mối tổng hợp, xử lý, Sở KH-ĐT cũng sẽ không thể giải quyết hết các yêu cầu của doanh nghiệp.
Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, Nguyễn Hồng Quang chủ trì những buổi tiếp đã nhiều lần than phiền tại sao có quá nhiều doanh nghiệp trở lại để trình bày các ý kiến đã cũ; đồng thời yêu cầu cơ quan quản lý, chính quyền địa phương phải giải quyết dứt điểm kiến nghị của doanh nghiệp. Không thể để doanh nghiệp cứ đi lòng vòng, chờ đợi hay kiến nghị quá lâu mà không ai giải quyết. Cơ quan quản lý phải trả lời dứt khoát, có thời hạn cụ thể.
Thành công của những cuộc tiếp xúc định kỳ nằm ở thái độ lắng nghe và chất lượng những câu trả lời thông qua việc giải quyết có đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp hay không, chứ không phải bằng những kết luận.
Không có một con số thống kê cụ thể về chuyện giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp đến đâu, như thế nào. Không có sự đánh giá hiệu quả hay không về hậu những cuộc đối thoại hay tiếp xúc.
Những giải quyết không rốt ráo, chưa tận lực vì doanh nghiệp thì nguy cơ dẫn đến sự “xói mòn” niềm tin vào hiệu lực chính quyền, cơ quan quản lý, dẫn đến những cuộc đối thoại chỉ là hình thức. Điều này có phải là lý do ngày càng thiếu vắng doanh nghiệp tìm đến các cuộc tiếp xúc mở định kỳ hàng tháng hay không?
Ông Trần Quốc Bảo - Chủ tịch HĐQT VN Đà Thành, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam nói chỉ thực sự khó khăn, doanh nghiệp mới tìm đến chính quyền, cơ quan quản lý “kêu cứu”. Một khi lãnh đạo tỉnh đã kết luận thì các sở, ngành, địa phương thừa hành cần ấn định thời gian giải quyết công việc cụ thể. Nếu kết luận xong, không ai thực hiện thì vô nghĩa.
Cần có sự giám sát việc thực thi của cấp dưới hậu các cuộc tiếp xúc doanh nghiệp. Khi có niềm tin về việc giải quyết kiến nghị thì doanh nghiệp sẽ tìm đến ngày càng nhiều hơn. Còn không thì chuyện thiếu vắng doanh nghiệp tìm đến, dù chính quyền cơ quan quản lý đã sắp xếp định kỳ hàng tháng một cuộc gặp gỡ là điều có thể hiểu được.