Không cấp được bảo lãnh nào trong suốt thời gian tồn tại, Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa buộc phải giải thể là điều cần thiết. Câu trả lời cuối cùng sẽ phải chờ vào Kỳ họp thứ 22 của HĐND tỉnh, khai mạc hôm nay 16.3.
Không dự án nào được cấp bảo lãnh
Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, hiện cả nước có gần 30 Quỹ bảo lãnh tín dụng (1.300 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước/1.400 tỷ đồng vốn điều lệ). Nhưng đến nay các Quỹ chỉ mới bảo lãnh hơn 360 tỷ đồng (chủ yếu từ một số Quỹ có quy mô lớn như TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai). Quỹ này ở các tỉnh Kiên Giang, Ninh Thuận, Trà Vinh… lâm nợ xấu kéo dài, nguy cơ mất vốn cao. Trước đó, TP.Đà Nẵng, tỉnh Lạng Sơn đã giải thể Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa vì thiếu hiệu quả.
Công ty CP Công nghệ tái tạo (chủ đầu tư dự án nhà máy tái sử dụng nước tại Khu công nghiệp Tam Thăng, TP.Tam Kỳ), Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam (chủ dự án nhà máy chế biến gỗ MDF (giai đoạn 1) tại Nam An Sơn (xã Quế Thọ, Hiệp Đức) và dự án nhà máy sản xuất viên nén gỗ năng lượng (giai đoạn 2) của Công ty CP Giao thương Quảng Xưa đã từng trình hồ sơ xin được bảo lãnh để thực hiện các dự án đầu tư này nhưng không được Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa chấp nhận.
Ông Lưu Văn Xưa - Giám đốc Công ty CP Giao thương Quảng Xưa đã từng tìm đến các cuộc tiếp xúc doanh nghiệp định kỳ của UBND tỉnh xin “giải cứu” nhưng thất bại.
Đó là 3 hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh tín dụng đầu tiên, cũng là duy nhất, kể từ khi Quỹ trên ra đời (ngày 13.4.2016, thực hiện theo Nghị quyết 192 ngày 11.12.20215 của HĐND tỉnh), nhưng không có dự án nào đủ điều kiện được cấp bảo lãnh tín dụng để có thể mở rộng sản xuất, đầu tư.
Theo thống kê của Sở Tài chính, tính đến 31.12.2020, vốn hoạt động của Quỹ có đến hơn 108 tỷ đồng, bao gồm 30 tỷ đồng vốn điều lệ ngân sách tỉnh cấp, hơn 55 tỷ đồng vốn tạm cấp từ Quỹ Sắp xếp doanh nghiệp và hơn 23 tỷ đồng vốn bổ sung từ lợi nhuận sau thuế các năm. Không cấp được bảo lãnh tín dụng, toàn bộ vốn hoạt động của Quỹ kể từ khi thành lập đến nay được gửi tại các ngân hàng thương mại.
Một trong những lý do khiến chuyện bảo lãnh tín dụng không thể thực hiện được là do cơ chế của Quỹ không phù hợp thực tiễn. Doanh nghiệp muốn bảo lãnh phải có tài sản đảm bảo, nếu không sẽ không được xem xét (vì trái quy định, phát sinh rủi ro, tiềm ẩn nguy cơ mất vốn). Nhưng ai cũng hiểu rằng, doanh nghiệp nếu đáp ứng đủ yêu cầu về tài sản đảm bảo thì họ sẽ chọn tiếp cận vốn vay tại ngân hàng thương mại hoặc tổ chức tín dụng, không cần xin bảo lãnh từ quỹ này do phát sinh thêm hồ sơ, thủ tục và phải trả thêm khoản phí bảo lãnh. Tìm tới Quỹ này chỉ có doanh nghiệp đã “hết sức, thiếu đủ thứ” nên không đáp ứng điều kiện để được xem xét bảo lãnh tín dụng.
Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Tài chính nói, doanh nghiệp Quảng Nam ít quan tâm, không tha thiết tiếp cận hoặc không có nhu cầu cấp bảo lãnh tín dụng do phải thực hiện đúng các quy định về tài sản đảm bảo đồng thời phải chịu thêm khoản phí bảo lãnh. Chỉ nhận được 3 hồ sơ đề nghị, nhưng Quỹ chưa thực hiện cấp bảo lãnh tín dụng cho bất cứ trường hợp nào vì không đủ chuẩn. Do đó sẽ trình HĐND xem xét chuẩn y giải thể Quỹ này.
Giải thể, chờ đến bao giờ?
Kinh tế Quảng Nam tăng trưởng có sự đóng góp không ít của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Song, khu vực này luôn phải đối mặt với khó khăn, chịu nhiều sức ép khi triền miên “đói” vốn. Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh, đầu tư các dự án khả thi nhưng không đủ điều kiện tín chấp, thế chấp, cầm cố, không có bên thứ ba bảo lãnh nên việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng còn rất nhiều khó khăn. Họ không thể tìm đâu ra vốn để đầu tư, phát triển sản xuất, nói gì đến việc đổi mới công nghệ hay mở rộng quy mô sản xuất… Số doanh nghiệp yếu ớt, trụ không nổi, đành phải rời bỏ thị trường. Họ đã từng hy vọng với sự ra đời của Quỹ Bảo lãnh tín dụng sẽ có thêm cơ hội để tồn tại.
Theo ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh, sử dụng tài chính, tiền, tài sản của nhà nước phải tính đến hiệu quả. Do đó, cần sự có mặt của Quỹ này hay không là điều phải suy tính. Còn ông Nguyễn Tri Ấn - Bí thư Huyện ủy Núi Thành nói, doanh nghiệp thiếu vốn, sao lại để vốn tồn dư nhàn rỗi. Muốn hay không, ngân sách vẫn phân bổ tiền hàng năm nên loại bỏ những gì không thực tế cần một thái độ dứt khoát. Không thể không xử lý!
Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa tồn tại thời gian dài nhưng không doanh nghiệp nào tiếp cận được việc bảo lãnh tín dụng là minh chứng về việc không cần sự tồn tại đó nữa. Tiền ngân sách (dù gửi ngân hàng lấy lãi) phải bỏ ra để chi trả cho công tác quản lý (thù lao kiêm nhiệm của hội đồng quản lý, trưởng ban kiểm soát, giám đốc, kế toán trưởng và chi phí khác) là không cần thiết. Chỉ cần áp tiêu chí không đủ vốn điều lệ tối thiểu 100 tỷ đồng sau 3 năm (hiện chỉ hơn 53,3 tỷ đồng), hoặc không phát sinh dư nợ cấp bảo lãnh tín dụng thì Quỹ này của tỉnh thuộc trường hợp bắt buộc giải thể theo Nghị định 34 ngày 8.3.2018 của Chính phủ. Lẽ ra, không phải đợi đến năm thứ 5 mới đặt ra chuyện duy trì hay giải thể, nhưng muộn còn hơn không, khi DN vẫn là người ngoài cuộc với vốn ngân sách này.