Trước kỳ Giỗ Tổ, kẻ thì chộn rộn lo tìm kiếm phẩm vật “khủng” dâng cúng vua Hùng, nhưng vẫn có người nghiền ngẫm từ trong thần thoại và thực tế cuộc sống để đưa ra ý kiến mang tính phản tỉnh.
Chiếc bánh chưng “khủng” nặng 2,5 tấn ở Sài Gòn được gần trăm người gói, nấu để làm lễ vật dâng lên Quốc Tổ Hùng Vương. Ảnh: Internet |
Vậy là chiếc bánh dày nặng hơn 2 tấn nhiều khả năng không được “gói” vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng Ba âm lịch sắp tới. Chính quyền thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa) xem ra cũng hụt mất “cơ hội” bày tỏ lòng thành kính với các vua Hùng. Bởi hồi đầu tuần này, đề xuất xin làm bánh dày “khủng” dâng lên đền Hùng ở Phú Thọ của Sầm Sơn đã không được lãnh đạo tỉnh đồng ý, thậm chí còn làm dấy lên các luồng ý kiến tranh luận xung quanh câu chuyện sính kỷ lục.
Đây không phải lần đầu tiên lễ vật bị dư luận xã hội bàn tán ra vào. Dịp giỗ tổ Hùng Vương năm ngoái, có chiếc bánh chưng nặng đến 2,5 tấn xuất hiện ở Công viên Văn hóa Đầm Sen (TP.Hồ Chí Minh). Xa hơn, năm 2010, có chai rượu dung tích lên đến 4.000 lít “rước” lên Phú Thọ. Thống kê cho thấy kể từ khi giỗ tổ Hùng Vương trở thành quốc lễ hồi năm 2007, rất nhiều kỷ lục về lễ vật được lập ra, trong đó có cả… ly cà phê lớn chứa 3.600 lít. Nhưng dường như các lễ vật ấy đặt mục tiêu ở chỗ kỷ lục được công nhận, chứ không phải thành tâm dâng cúng.
Thật hài hước khi Ban tổ chức Giỗ Tổ đã phải nhiều lần thông báo rộng rãi là không nhận bánh chưng bánh dày ngoại cỡ, chỉ chấp nhận những hiện vật đúng thuần phong mỹ tục. Ấy vậy mà đến nay, thi thoảng vẫn có địa phương, doanh nghiệp, đơn vị “kiên trì” đề xuất. Trở lại câu chuyện của Sầm Sơn. Một cách công bằng, địa phương này hiện vẫn lưu giữ phong tục truyền thống làm bánh dày, lễ hội đền Độc Cước (mở ngày 16.2 âm lịch) của họ có cả hội thi nấu bánh chưng bánh dày với những chiếc bánh cỡ lớn. Thậm chí ngành chức năng đang làm hồ sơ đề nghị công nhận lễ hội này là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia… Như vậy, nhìn ở góc độ bảo lưu các giá trị truyền thống, ý tưởng dâng cúng bánh dày có vẻ hợp lý.
Nhưng trong xu thế chung, khi xã hội đã quá ngán ngẩm với những chiếc bánh kỳ công làm cho thật to rồi… đổ bỏ (vì không sử dụng được), khi lễ vật chỉ mang tính phô trương, khi hàng loạt kỷ lục được chạy đua nhằm thỏa mãn nhu cầu của người đang sống… thì tổ tiên hẳn sẽ rất khó “ấn chứng” những lễ vật mà con cháu vất vả dâng cúng.
*
* *
Những chiếc bánh chưng, bánh dày ở đô thị thời hiện đại đã được “giải thiêng”, tức thuộc phạm trù hằng ngày. Cố giáo sư Trần Quốc Vượng đã từng bình luận như vậy. Theo ông, ngay ở vùng nông thôn Việt Nam, phẩm vật ấy không còn trang trọng và hoàn toàn chỉ thuộc phạm trù nghi lễ như trước nữa, tức chỉ làm và dùng (cúng, ăn, biếu tặng) vào dịp tết hay lễ hội.
Vậy mà, không chỉ không được “giải thiêng” ở vùng đô thị, những chiếc bánh tiến cúng hiện giờ được làm ra dưới hình hài càng kỳ dị càng… tốt. Đến hẹn lại lên, hễ đâu đó nảy ý định dâng lễ vật khủng là các nhà nghiên cứu văn hóa liền lên tiếng phản đối, nhưng sang kỳ lễ hội năm sau lại… đề xuất tiếp. Xem ra, đã đến lúc chúng ta phải làm một quy trình ngược – “giải thiêng” cho lễ vật – để gạn lọc bớt những ham hố thi thoảng lại xuất hiện trong các kỳ lễ hội. Cần phải nói thẳng: Đừng biến lễ vật thành trò đùa nữa!
Vì sao những thứ bình thường lại cứ phải làm cho… bất thường như vậy?
Hãy trở lại với nguyên ủy sự tích bánh chưng bánh dày. Cũng trong bài viết hồi năm 1988 có tựa “Triết lý bánh chưng – bánh dày”, giáo sư Trần Quốc Vượng kiến giải chuyện người con thứ Lang Liêu lọt vào mắt xanh vua cha vì dâng cúng hai loại bánh được làm từ nguyên liệu bình thường: Không chỉ có mỗi Lang Liêu giỏi, ngay cả vua cha cũng có con mắt tinh đời để cùng lập nên bảng giá trị văn hóa dân tộc dân gian. Họ tìm cái phi thường trong cái bình thường. Họ vượt qua tâm lý thường nghiệm, không chuộng thứ hay vật lạ. Họ nhìn ra, thưởng thức được và “biến đổi” thành công những cái quen thuộc hằng ngày để trở thành cái đặc biệt.
Nói cách khác, Lang Liêu có tài năng đặc biệt khi diễn tả cái phi thường bằng những cái thông thường. Khoác cho câu chuyện chiếc vỏ huyền bí khi cho rằng được thần báo mộng, 2 chiếc bánh gói ghém ý nghĩa thâm sâu của nền văn minh lúa nước ấy được lựa chọn, chàng Lang Liêu được truyền ngôi. Xong đâu đấy, phẩm vật ấy nhanh chóng lui về làm một món dân dã, hiện diện ở bất kỳ gian bếp nào… Để rồi đến nay, mọi thứ lại bị làm cho “rối rắm” cả lên.
Giỗ Tổ Hùng Vương là chốn tâm linh quay về cho triệu triệu con dân nước Việt, trải biết bao nhiêu đời, được ẩn giấu sau câu ca gọi mời “Dù ai đi ngược về xuôi…”. Đấy đôi khi chỉ là một chuyến hành hương trong tâm tưởng, chứ không nhất thiết phải “tiền hô hậu ủng” hay rầm rộ món này lễ vật kia.
HỨA XUYÊN HUỲNH