Giai thoại Hà Đông

PHÚ BÌNH 21/01/2023 07:46

(Xuân Quý Mão) - Huyện Hà Đông đến đầu thế kỷ 20 được nâng thành phủ Tam Kỳ. Nhiều chuyện kể dân gian thú vị từng được lưu hành rộng rãi, ít nhiều liên quan đến huyện lỵ rồi phủ lỵ ở địa phương này.

Sông Trường Giang đoạn chảy qua xã Tam Thanh - Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Sông Trường Giang đoạn chảy qua xã Tam Thanh - Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Xử kiện theo mái nhà

Anh chồng nhà kia có vợ là người buôn bán lại giỏi hát kiến tại; việc chi trước mắt cô đều kể được thành vần. Chồng ham đánh bạc, một hôm lén vợ rút một quan trong hai xâu tiền - mỗi xâu có bảy đồng quan; sau đó nhập hai xâu liền lại, giáp mối bằng đồng quan nằm giữa. Vợ phát hiện, anh ta đem ra đếm, bảo xâu nào cũng đủ bảy đồng và phán: “Hai lần bảy là mười ba”. Vợ thấy chồng đếm gian, sấn sổ lên thì bị dần cho một trận. Giận quá, vợ kiện lên quan. 

Anh chồng là họ hàng của vợ quan; vì thế, quan huyện nghĩ cách giúp: Quan chọn căn nhà chờ trước sân huyện - mỗi bên mái có sáu cây đòn tay - làm chỗ xử kiện. Nghe chị vợ tố chồng đếm gian, quan chỉ lên mái nhà, bảo người vợ đếm số đòn tay mái trước. Chị vợ đếm luôn cả cây đòn đông và xướng: bảy cây.

Đợi nha lại ghi xong, quan bảo chị đếm tiếp mái sau. Người vợ xác nhận cũng đủ bảy cây. Xong, quan lại bảo chị ta đếm từ mái trước đến mái sau. Chị ta đếm cả thảy được mười ba cây. Hóa ra cả hai lần, chị đều đếm cả cây đòn đông vào.

Quan vểnh râu vỗ đùi: “Chính ngươi cũng công nhận hai lần bảy là mười ba chứ đâu chỉ riêng chồng ngươi!”. Vợ biết mắc mưu quan đành tiu nghỉu ra về. Đến cổng huyện đường chị hát: “Nực cười ông huyện Hà Đông/ Xử vị lòng chồng hai bảy mười ba/ Không nghe hư cửa hại nhà/ Nghe thời (thì) hai bảy mười ba sao đành!”.

Bảng hiệu Mỹ Đồng

Bên đường thiên lý của phủ Tam Kỳ có bến xe, quanh bến xe có hàng quán; đặc biệt có một quán - vừa bán rượu vừa chứa gái - của thầy đề Tựu làm việc trên phủ. Cánh tài xế, thầy ký, thầy thông cả đến lính lệ trên phủ đường đều ghé lại đây thưởng thức rượu ngon, gái đẹp. Quán ngày càng đông khách; thầy đề muốn chọn một cái tên cho quán để tránh việc người ta gọi đích danh tên mình. Bữa nọ, có Học Hoàng - một nho sinh giỏi chữ ở làng Hòa Mỹ Tây ghé lại. Thầy đề đem rượu ngon ra đãi và xin chữ làm bảng hiệu.

Thấy mấy cô gái mỹ miều lượn lờ trong quán, Học Hoàng hứng chí đề nghị thầy đề Tựu đề tên bảng hiệu là “Mỹ Đồng” và nghiêm trang giải thích: “Ở đây rượu rất ngon mà người hầu rượu cũng rất đẹp. Cả hai đều ngon đều đẹp. Xem ra chữ “mỹ đồng” (đều ngon, đẹp) là phù hợp nhất. Quá ưng ý, thầy đề cho khắc chữ Nho và treo lên! Cắc cớ làm sao, từ đó, thấy nhiều người khăn đóng áo dài chỉ chỏ vào bảng và cười! Hỏi ra, thầy đề mới tá hỏa tam tinh vì tên Mỹ Đồng nói lái theo kiểu Quảng Nam vừa đúng thực tế lại vừa khó nghe hết sức!

Ông lý trưởng gan góc

Lý trưởng xã Hòa Thanh, tổng An Hòa, huyện Hà Đông, tỉnh Quảng Nam khoảng đầu thế kỷ 20 là ông Lê Khâm Duy. Ông này vừa giỏi làm kinh tế vừa có tiếng cương trực, không chịu nhún nhường trước các quan trên. Dân gian Hòa Thanh (nay là xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ) đến nay vẫn còn truyền câu chuyện về ông lý trưởng gan góc này như sau:

Một góc làng chài ở xã Tam Thanh - Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Một góc làng chài ở xã Tam Thanh - Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Làng Hòa Thanh trải dài theo bờ đông sông Trường Giang. Thời phong kiến, con sông này là thủy lộ chính cho bộ hành từ An Tân (Chu Lai bây giờ) ra và Hội An vào. Lòng sông đoạn qua làng Hòa Thanh cạn hơn nhiều chỗ khác; mỗi lần nước ròng, thuyền phải dừng lại mấy canh giờ chờ nước lớn mới lưu thông được. Nhưng với Tiễu phủ sứ Nguyễn Thân - người từng lập công lớn với Pháp về việc đánh dẹp Nghĩa hội Quảng Nam - ông ta không chịu dừng.

Mỗi lần từ triều đình Huế về quê mình, Nguyễn Thân vào Hội An, lên thuyền riêng vào An Tân rồi lên kiệu đi đường bộ về Quảng Ngãi. Trở ra cũng lộ trình như thế! Qua Hòa Thanh, mỗi lần gặp nước ròng, ông ta liền cho gọi lý trưởng sở tại huy động dân Hòa Thanh vừa kéo, đẩy vừa nâng thuyền qua quãng cạn gần cả cây số. Các lý trưởng trước đều tuân lệnh răm rắp. Dân kêu ca nhưng chẳng được gì!

Đến thời Lê Khâm Duy làm lý trưởng, một lần thuyền Nguyễn Thân mắc cạn, gọi dân khiêng thuyền, ông lý trưởng làm ngơ, lại còn cố ý bày tiệc rượu trước sân nhà sát bờ sông cùng hương lý trong làng nhâm nhi. Đợi mãi không thấy dân đến khiêng thuyền, Nguyễn Thân đích thân cầm roi lên bờ đến nhà lý trưởng. Đến nơi, thấy tiệc rượu, Nguyễn Thân nổi giận cầm roi quất túi bụi.

Lý trưởng Hòa Thanh giằng lấy roi trên tay quan lớn triều đình, mời ngồi rồi bảo: “Xin quan lớn nén giận, ngài đi công vụ thì phải có trát sức đến báo; ngài ngang qua làng tui lần ni không có trát báo trước chắc là đi việc nhà. Việc tư thì ngài tự xoay xở, mắc mớ gì huy động đến dân!”. Thấy lý trưởng vóc vạc to lớn, gan góc; lại biết không thể cãi lý, Nguyễn Thân nuốt giận về thuyền, đành đợi nước lớn mới đi tiếp.

Sau đó, Nguyễn Thân nhắn với tri phủ Tam Kỳ tìm cách hạch tội viên lý trưởng ngang ngạnh này. Dân gian Hòa Thanh kể: Khi con trai bị tri phủ Tam Kỳ khép tội, bà Bảy - mẹ ông Lê Khâm Duy - một nhà giàu có tiếng trong làng phải nhờ người mang vàng bạc ra tới Huế để lo lót với người nhà Nguyễn Thân, nhờ đó ông lý trưởng này mới được yên, nhưng phải mất chức!

Ông Lê Khâm Duy, do có hàm bát phẩm nên thường được gọi là Bát Kiện. Ông chuyên chế biến mắm và buôn bán mắm; nổi tiếng buôn bán khác người với câu “mua mười bán chín”. Khi biển được mùa, giá cá ở mức “chín” ông mua “mười”. Khi biển mất mùa, dân buôn mắm bán giá “mười” ông bán “chín”. Nhờ đó ngư dân quê ông được lợi rất nhiều!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giai thoại Hà Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO