Giai thoại thầy thuốc xưa

PHÚ BÌNH 24/02/2019 03:42

Ở Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng lưu hành nhiều giai thoại chữ nghĩa thú vị về thầy thuốc và nghề làm thuốc thời xưa.

Toa thuốc của lương y Trần Soa (1904 - 1994) - nguyên Chủ tịch hội Đông Y thị xã Tam Kỳ 1975- 1980.
Toa thuốc của lương y Trần Soa (1904 - 1994) - nguyên Chủ tịch hội Đông Y thị xã Tam Kỳ 1975- 1980. Ảnh: PHÚ BÌNH

Từ bài thơ cảm động của danh y Lê Hữu Trác

Chuyện tình duyên của vị danh y có ngoại hiệu Hải Thượng Lãn Ông này được chính ông kể trong cuốn Thượng kinh ký sự (Kể chuyện lên kinh đô chữa bệnh trong phủ Chúa Trịnh) tóm tắt như sau: Hồi nhỏ gia đình Lê Hữu Trác có dạm hỏi một cô gái - là con quan Thừa tự Tham chánh ở Sơn Nam - cho ông cưới làm vợ. Đã làm lễ vấn danh và ăn hỏi rồi, nhưng có việc trở ngại, khiến ông phải từ hôn, và về ở luôn Hương Sơn - Hà Tĩnh. Sáu năm sau, ông lên kinh thì nghe tin vị quan trên đã qua đời, còn cô gái đau khổ kia đã thề suốt đời không lấy ai nữa... Trong thời gian ở Thăng Long chữa bệnh cho cha con chúa Trịnh, tình cờ ông gặp lại người cũ, mà giờ đây đã thành một bà sư già, khổ sở và cô độc. Ông có ý muốn rước bà về ngôi chùa do anh ông xây dựng ở quê, nhưng bà đã sụt sùi từ chối, chỉ mong nhờ ông một việc là: Nghe nói trong Nghệ An có nhiều cỗ áo quan tốt, muốn nhờ người cũ mua cho một cỗ để chuẩn bị cho ngày xuất thế... (dẫn lại theo Wikipedia online).

Sau đoạn kể đó, vị danh y này có chép bài thơ của chính mình tâm sự về chuyện duyên tình lỡ làng quá khứ: Vô tâm sự xuất ngộ nhân đa! Kim nhật tương khan khổ tự ta/ Nhất tiếu tình đa lưu lãnh lệ/ Song mâu xuân tận hiện hình hoa/ Thử sinh nguyện tác càn huynh muội/ Tái thế ưng đồ tốn thất gia/ Ngã bất phụ nhân nhân phụ ngã/ Túng thiên như thử nại chi hà? (Vì vô tâm thành chuyện làm lầm lỡ cho người. Ngày nay nhìn nhau đắng cay than thở. Một nụ cười bao tình cảm, lệ tuôn chảy. Hai tròng mắt đã hết xuân bỗng hiện hình hoa. Kiếp này nguyện làm anh em kết nghĩa. Kiếp sau xin sẽ thành vợ chồng. Ta không phụ người mà người phụ ta. Nếu phỏng như thế thì làm thế nào đây?). Hai câu luận tha thiết nhất trong bài thơ, có người dịch như sau: “Kiếp này nguyện kết em anh/ Mộng chung chăn gối xin dành kiếp sau”.

Đến bài thơ thú vị của nữ sĩ Hồ Xuân Hương

Bà chúa thơ Nôm có bài thơ thác lời người vợ góa khóc chồng vốn làm nghề thầy thuốc đã qua đời. Trong đó, nữ hoàng thơ đa nghĩa đã dùng tên nhiều vị thuốc bắc đưa vào bài thơ với lối chơi chữ rất ý nhị - thanh mà khá tục. Nguyên văn như sau: “Văng vẳng bên tai tiếng khóc gì?/ Thương chồng nên mới tỉ tì ti/ Ngọt bùi thiếp nhớ mùi Cam thảo/ Cay đắng chàng ơi vị Quế chi/ Bạch, Nhũ, Trần bì sao để lại?/ Quy thân, Liên nhục tẩm mang đi/ Dao cầu thiếp biết trao ai nhỉ?/ Sinh ký chàng ơi, tử tắc quy”. Tên các vị thuốc bắc trong bài như Cam thảo, Quế chi, Bạch chỉ, Nhũ hương, Trần bì, Đương quy, Liên nhục, Tang ký sinh hầu như ai cũng biết; nhưng điều ít người biết là nếu viết khác tự dạng chữ Nho và hiểu khác nghĩa một số từ thì “bạch nhũ trần bì” có nghĩa đen là “ở trần lòi ngực trắng” và “quy thân liên nhục” không có nghĩa là “thân cây đương quy” và “thịt hạt sen” mà ám chỉ các phần “cái ấy” của đàn ông.

Hai trang sách thuốc chữ Quốc ngữ.
Hai trang sách thuốc chữ Quốc ngữ. Ảnh: PHÚ BÌNH

Khi đã hiểu nghĩa ấy rồi, mới thấy cái mất mát tính dục khó thể nói ra đã được người nữ sĩ tài hoa sống cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 thể hiện mạnh mẽ đến nhường nào! Đó là chưa kể hai từ “sao” và “tẩm” - vốn là hai cách bào chế của thuốc bắc đã ứng vào chuyện “người đi kẻ ở - cách biệt âm dương” rất tài tình. Và hình ảnh chuyển động của lưỡi “dao cầu” xắt thuốc gắn liền với liên tưởng về dụng cụ “thuyền tán” trong bào chế thuốc bắc đã được hoán dụ một cách vô cùng ý nhị!

Và mấy câu đối Nôm ở Quảng Nam

Chuyện kể: Có một thầy đồ ở Hội An đã cho học trò lén dán trước cửa hàng một thầy thuốc có tiếng một vế xuất câu đối trong đó ghép toàn thành ngữ để giễu cợt tài bốc thuốc của ông lang này như sau: “Chủ có phước thầy được may; đâu phải: Thầy hay thuốc giỏi!”. Ông lang chẳng phải tay vừa, liền viết ngay vế đối dán trên cây cột đối diện. “Bệnh không thuyên tiền trả lại; khỏi lo: Tiền mất tật còn!”. Vế đối thật xuất thần, ông lang vừa khẳng định tài chẩn bệnh và phục dược của mình vừa đưa ra một lời cam kết với bệnh nhân. Đồn rằng, sau chuyện đối đáp trên, ông thầy lang cùng ông thầy đồ phục tài nhau, kết tình đằm thắm.

Dân gian cũng kể giai thoại về một ông thầy thuốc ở Tam Kỳ. Chuyện thế này: Từng bị nhiều bệnh nhân quỵt tiền công lẫn tiền thuốc sau khi chữa cho họ lành bệnh, ông thầy này đã cho dán trước của nhà mình vế xuất đối như sau: “Đau tiếc thân lành tiếc của: Thói ở bạc đã quen”. Và để phòng hờ chuyện “mất công lẫn mất vốn”, ông lang tuyên bố rạch ròi trong vế đối: “Được lòng trước mất lòng sau: Ai có tiền thì hốt”! “Hốt” (thuốc) là tiếng miền Trung; miền Bắc gọi là “bốc”, chỉ tổng quát chuyện chẩn bệnh kê đơn và bán thuốc.

Giai thoại xứ Quảng xưa còn kể chuyện một thầy thuốc khẳng định nguyên tắc “kê đơn bán thuốc” như sau: “Lên xuống rạch ròi không áp giá/ Bán mua liều lượng có kê đơn”. Một giai thoại khác kể chuyện ông thầy lang ở huyện Diên Phước (sau đổi là Hòa Vang) xưa dán trước cửa câu đối nêu nguyên tắc của mình với con bệnh khách hàng: “Chẩn bệnh khách, khách mô cũng khách/ Lấy tiền ai, ai cũng như ai”.

PHÚ BÌNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giai thoại thầy thuốc xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO