Giải thưởng Báo chí Huỳnh Thúc Kháng lần thứ VIII (2013 - 2014): Sức hút mạnh mẽ

PHƯƠNG GIANG - KIỀU LY 20/06/2014 09:21

Mùa giải năm nay, nhiều cây bút, tay máy chuyên và không chuyên lại có dịp thử sức ở giải thường niên dành riêng cho báo chí. Với hơn 65 tác giả cùng 154 tác phẩm ở 4 loại hình báo chí tham dự, Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng tiếp tục khẳng định uy tín và sự thu hút trong năm thứ 8 liên tiếp được tổ chức.

  • Tổng kết giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng lần thứ VIII: Trao thưởng cho 25 tác giả, nhóm tác giả đoạt giải
  • Chấm chọn 154 tác phẩm báo chí dự giải Báo chí Huỳnh Thúc Kháng
  • Thành lập Ban Giám khảo Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh - Trưởng ban Tổ chức giải trao thưởng cho các tác giả đoạt giải Nhất. Ảnh: PHƯƠNG GIANG
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh - Trưởng ban Tổ chức giải trao thưởng cho các tác giả đoạt giải Nhất. Ảnh: PHƯƠNG GIANG

Khẳng định uy tín

Theo đánh giá của Ban tổ chức, bức tranh về hoạt động của báo chí qua một năm cùng với một bức tranh toàn cảnh khác về đời sống xã hội của địa phương được phác họa khá sinh động và đầy đủ qua các tác phẩm dự giải thưởng. Không chỉ duy trì sức hút với những tác giả đã nhiều năm góp mặt, giải thưởng năm nay cho thấy đã có sự lan tỏa với nhiều gương mặt mới, khai thác những khía cạnh sinh động hơn của đời sống xã hội. Nhà báo Lê Văn Nhi - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, Phó Trưởng ban Tổ chức giải cho biết: “Tập hợp khá nhiều gương mặt báo chí chuyên và không chuyên, mùa giải năm nay quy tụ những tác phẩm chất lượng nhất qua một năm miệt mài lao động sáng tạo của đội ngũ người làm báo. Điều này đã vẽ nên sự phong phú, đa dạng trong hoạt động nghề nghiệp; thể hiện rõ nét tâm huyết, năng lực, ý thức nghề nghiệp, tâm tư tình cảm và kết quả lao động của người cầm bút, cầm máy”.

Nhà báo Nguyễn Mỹ Trà (Đài tiếng nói Việt Nam - VOV), giải Nhì thể loại báo in (không có giải nhất):“Báo chí phải đậm hơi thở hiện thực cuộc sống”

“Lần đầu tiên được góp mặt và may mắn đoạt giải, tôi vừa tự hào, vừa vui mừng vì đã đóng góp được chút gì đó cho quê hương Quảng Nam bằng công việc của người cầm bút. Đây chính là sân chơi kích thích sự sáng tạo, tôn vinh tâm huyết và cống hiến của những người làm báo như chúng tôi. Ở thời đại bùng nổ công nghệ, tôi cho rằng công việc của nhà báo không chỉ dừng lại ở việc phản ánh nhanh chóng nhất, mà cần có sự trăn trở với những vấn đề của đời sống xã hội. Đời sống báo chí phải gắn liền với đời sống xã hội, phải đậm hơi thở hiện thực cuộc sống mới phát huy được hết vai trò của người làm báo”.
Nhà báo Nguyên Khôi (Báo Sài Gòn giải phóng), giải Nhất thể loại ảnh báo chí: “Ảnh báo chí bù lấp những khoảng trống của ngôn ngữ”

“Trong báo chí, ảnh đóng một vai trò hết sức quan trọng vì dù nhà báo có “làm xiếc” với ngôn ngữ cũng không thể miêu tả được cái sinh động của cuộc sống, vì vậy ảnh báo chí sẽ làm nhiệm vụ bù lấp những khoảng trống mà ngôn ngữ không thể miêu tả được. Không chỉ vậy, ảnh báo chí kèm theo bài báo còn có nhiệm vụ như là một “minh chứng” cho những điều mà bài báo nêu ra. Người ta biết nhiều hơn về Quảng Nam và đến với Quảng Nam nhờ con đường báo chí và qua ảnh báo chí là phần lớn. Hay nói cách khác, cái hồn đất Quảng được báo chí, nhất là ảnh báo chí thể hiện một cách rất sinh động và phong phú”.

Tác phẩm tham dự giải lần thứ VIII là những nét chấm phá nổi bật về các sự kiện trong năm qua. Đáng chú ý là các điểm nóng mà báo chí đã có mặt kịp thời, phản ánh cái nhìn toàn diện, sâu sắc như nạn phá rừng, khai thác vàng trái phép, phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng tự phát bất chấp những nguy hại về môi trường và sự bấp bênh về đầu ra. Hay sự kiện diễn đàn Tăng trưởng xanh trong khuôn khổ Festival Di sản Quảng Nam năm 2013, các vấn đề trong xây dựng nông thôn mới, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng… Đội ngũ người làm báo tiếp tục là lực lượng đi đầu ở từng điểm nóng, ghi nhận, phản ánh, đưa ra những cái nhìn chân thực, toàn diện. Tiêu biểu như tác phẩm “Vàng, máu và nước mắt” của tác giả Trần Tân (Báo Công an Đà Nẵng), loạt bài “Luật rừng trên đất vàng” của tác giả Trần Hữu Phúc (Báo Quảng Nam), loạt bài “Nhảy theo con tôm” của nhóm tác giả Hữu Phúc - Quang Việt (Báo Quảng Nam)… Các tác phẩm dự giải lần này một lần nữa thể hiện những cống hiến, nỗ lực của đội ngũ người làm báo trên mặt trận truyền thông, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội, phản ánh chân thực đời sống, văn hóa của đất và người xứ Quảng.

Khoảng trống

Trong khi số lượng tác giả và tác phẩm tham dự phần nào thể hiện sự “xôm tụ”, đặc biệt là ở thể loại báo in với 112 (trong tổng số 154) tác phẩm tham gia giải, chất lượng tác phẩm năm nay có phần suy giảm so với những năm trước. Điều đó lý giải cho việc “khuyết” giải nhất ở thể loại báo in và giải nhì ở thể loại ảnh báo chí. Số tác phẩm thể hiện tư duy, góc nhìn sắc sảo, giàu tính phản biện còn khan hiếm mặc dù số lượng tác phẩm tham dự khá lớn ở mọi thể tài phóng sự, phóng sự điều tra, ghi chép, bài phản ánh… Tính “thông tấn” có phần lấn lướt trong các tác phẩm tham dự giải thưởng lần này cũng là một nốt trầm so với những năm trước. Nhà báo Lê Văn Nhi nhìn nhận: “Thể loại báo in có số lượng tác phẩm chiếm hai phần ba tổng số tác phẩm dự giải nhưng chưa có nhiều tác phẩm xuất sắc, giàu tính phản biện đối với các vấn đề lớn thu hút sự quan tâm của cả tỉnh. Dường như sức ép thông tin thời sự, yêu cầu cung cấp thông tin nhanh nhạy, kịp thời đến bạn đọc phần nào làm xu hướng thông tin mang tính thông tấn lấn lướt, nổi trội hơn trong hoạt động tác nghiệp của nhà báo”.

Không chỉ để lại khoảng trống đáng tiếc ở đặc trưng phản biện báo chí, loại hình ảnh báo chí và báo nói cũng khá nghèo nàn về đề tài phản ánh lẫn kỹ năng xử lý của người làm báo. Đây là thực trạng trong nhiều năm liền của giải khi số lượng tác phẩm ảnh báo chí và báo nói dự giải luôn khá khiêm tốn so với hai loại hình còn lại. Nhà báo Vũ Công Điền, thành viên ban giám khảo thể loại ảnh báo chí đã bày tỏ tiếc nuối vì điều đó, khi Quảng Nam được xem là mảnh đất màu mỡ cho báo chí với hàng loạt các sự kiện, hoạt động kinh tế - xã hội khá sôi động. “Xét trên phương diện các tác phẩm dự giải, có thể nói người làm báo ở Quảng Nam còn chưa thực sự quan tâm, coi trọng ảnh báo chí” - nhà báo Vũ Công Điền nói. Báo nói cũng được xem là “yếm thế” khi có rất ít tác phẩm dự giải cũng như sự nghèo nàn về đề tài, thể tài phản ánh. Sẽ là điều đáng tiếc cho đội ngũ người làm báo và bức tranh báo chí Quảng Nam khi những điểm yếu trên lặp lại ở mùa giải năm sau.

PHƯƠNG GIANG - KIỀU LY

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giải thưởng Báo chí Huỳnh Thúc Kháng lần thứ VIII (2013 - 2014): Sức hút mạnh mẽ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO