Ngày mai 28.8, UBND TP.Tam Kỳ tổ chức trao Giải thưởng Phan Châu Trinh lần thứ XII vinh danh các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu và công tác. Từ năm 2013 này, TP.Tam Kỳ quyết định lấy ngày 28.8 hằng năm làm ngày trao thưởng và gặp mặt.
Lãnh đạo UBND TP.Tam Kỳ trao thưởng cho các cá nhân nhận giải năm 2012. |
Giải thưởng Phan Châu Trinh của TP.Tam Kỳ được Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải - nguyên Bí thư Thị ủy Tam Kỳ (nay là TP.Tam Kỳ) khởi xướng và sáng lập vào năm 2001. Ngay sau khi thành lập, Giải thưởng Phan Châu Trinh đã được nguyên Thủ tướng Chính phủ - Phan Văn Khải tặng quỹ 50 triệu đồng; nguyên Chủ tịch nước - Võ Chí Công, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ - Lê Xuân Trinh; nguyên trợ lý Chủ tịch nước - Đinh Văn Niệm gửi thư khen ngợi và gửi tiền ủng hộ quỹ cùng các doanh nghiệp tích cực tài trợ với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng. Trải qua 12 năm đi vào hoạt động, giải thưởng đã tác động mạnh mẽ đến phong trào khuyến học - khuyến tài, góp phần tích cực vào việc đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước.
Mở rộng phạm vi
Qua từng năm, với sự hỗ trợ tích cực từ nhiều phía, Giải thưởng Phan Châu Trinh càng khẳng định giá trị. Để chất lượng ngày càng đi vào chiều sâu, quy chế của giải thưởng đã 3 lần được điều chỉnh, trong đó quy chế mới nhất nêu rõ: Tất cả con em Tam Kỳ đang sinh sống, công tác, học tập trên mọi miền đất nước hoặc đang học tập lao động tại nước ngoài nếu đạt tiêu chuẩn đều được xét khen thưởng. Ngoài ra, quy chế còn mở rộng đến những trường hợp không phải người địa phương nhưng có nhiều đóng góp to lớn cho công tác khuyến học - khuyến tài sẽ được Giải thưởng Phan Châu Trinh xét trao thưởng 5 năm một lần.
Giải thưởng Phan Châu Trinh TP.Tam Kỳ lần thứ XII - năm 2013 có 72 cá nhân và 2 tập thể được Hội đồng xét duyệt trao thưởng, trong đó có 3 tiến sĩ, 3 thạc sĩ đạt loại xuất sắc, 54 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và 12 học sinh phổ thông đạt giải nhất tỉnh và các giải cấp quốc gia. Tổng số tiền thưởng năm nay lên đến 254 triệu đồng (lần thứ XI năm 2012 có 51 cá nhân được trao thưởng với tổng số tiền 188 triệu đồng). Như vậy qua 12 năm, đã có 529 lượt cá nhân và 4 tập thể được nhận thưởng, trong đó có 18 tiến sĩ, 83 thạc sĩ, 157 học sinh và 184 sinh viên được trao thưởng với tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. |
Cụ thể, theo tiêu chuẩn được quy định, học sinh phổ thông thi đại học đỗ thủ khoa, thi Olympic Quốc tế đoạt giải ba trở lên, dự thi chung kết đường lên đỉnh Olympia, thi Tin học trẻ không chuyên đạt giải cấp quốc gia sẽ được xét khen thưởng hàng năm. Riêng đối với học sinh tiểu học, nếu đạt giải cấp quốc gia, quốc tế đối với tất cả các môn văn hóa tổ chức thi trong năm đều được xét khen thưởng. Với sinh viên các trường đại học hệ chính quy, tốt nghiệp loại giỏi trở lên; những sinh viên trong đội tuyển Robocon châu Á - Thái Bình Dương đoạt giải nhất, nhì; sinh viên dự thi sáng tạo phần mềm tin học đoạt giải nhất cấp quốc gia. Trường hợp là cán bộ, viên chức ngành giáo dục phải đoạt giải nhất hội thi ngành cấp tỉnh. Tuy nhiên, theo quy định, đối với thạc sĩ tốt nghiệp loại xuất sắc; tiến sĩ, nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân có hộ khẩu thường trú tại địa phương nếu đang công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc TP.Tam Kỳ sẽ được tặng giấy khen, biểu tượng giải thưởng Phan Châu Trinh và tiền thưởng; nếu công tác tại các cơ quan, đơn vị ngoài địa phương chỉ được nhận giấy khen và biểu tượng Phan Châu Trinh.
Động lực
Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Hồng Yên - Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Tam Kỳ - từng nhận Giải thưởng Phan Châu Trinh năm 2009 - tâm sự: “Tôi rất vinh dự khi được nhận Giải thưởng Phan Châu Trinh và càng thấy trách nhiệm lớn lao của mình. Bản thân tôi luôn đem hết khả năng, nhiệt huyết và những kiến thức được học để phục vụ người bệnh nhằm xứng đáng với giải thưởng và lòng tin của xã hội”. Còn với Nguyễn Hữu Hiệp (ở khối phố 7, phường An Sơn, TP.Tam Kỳ), năm nay là lần thứ 4 được trao Giải thưởng Phan Châu Trinh. Tuy nhiên, do điều kiện học tập ở xa, lần nào cha Hiệp - ông Nguyễn Hữu Nghị - cũng phải nhận thưởng thay con. Ông Nghị chia sẻ: “Con tôi có năng lực, nhưng không thể không kể đến sự tác động quý báu của Giải thưởng Phan Châu Trinh. Lần nhận thưởng đầu tiên vào năm 2003 đã tạo nên động lực rất lớn cho con tôi tiếp tục cố gắng vươn lên trong học tập để tiếp tục được xét trao thưởng trong 2 lần tiếp theo vào năm 2004 và 2009. Năm 2013 này, con tôi tiếp tục được trao thưởng với thành tích tốt nghiệp thạc sĩ ngành công nghệ thông tin trường Đại học PoHang - Hàn Quốc với số điểm trung bình gần 9,8”. Ông Nghị còn cho biết, Nguyễn Hữu Hiệp đã nhận được tài trợ nghiên cứu sinh tại Pháp với mức 1.500 euro mỗi tháng, từ ngày 15.10.2013 đến 14.10.2016. “Hiện nay Hiệp đang ở Hà Nội làm các thủ tục cần thiết cho ngày nhập học nên lần này tôi lại phải tiếp tục nhận giải thưởng thay” - ông Nghị nói.
Ông Dương Thanh Xuân - Chủ tịch Hội khuyến học TP.Tam Kỳ, nguyên Bí thư Huyện ủy Phú Ninh, thành viên Ban sáng lập Giải thưởng Phan Châu Trinh, cho biết: “Năm nay cũng là năm thứ hai, cùng với trao thưởng TP.Tam Kỳ tổ chức gặp mặt, khen thưởng con em trên địa bàn thi đỗ vào các trường đại học với điểm số cao. Thành phố quyết định lấy ngày 28.8 hằng năm để trao thưởng và gặp mặt, bởi đây là thời điểm cả nước lập thành tích chào mừng kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9; cũng là dịp chuẩn bị bước vào năm học mới. Điều này nhằm tạo động lực thúc đẩy các tập thể, cá nhân phát huy phẩm chất, tài năng để tiếp tục phấn đấu, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh”.
NGUYỄN ĐIỆN NGỌC
|