Văn học - Nghệ thuật

Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần IV: Những ghi nhận bước đầu

BẢO ANH 19/05/2024 12:18

Bước vào vòng chấm sơ khảo Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Đất Quảng lần thứ IV, qua “lý lịch” của các tác phẩm dự giải, có thể thấy mặt bằng chất lượng của giải thưởng lần này khá tốt.

di-thuc-te-2.jpg
Đa số tác phẩm tham gia Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần thứ IV bám rất sát chủ đề truyền thống lịch sử, văn hóa, khát vọng phát triển của Quảng Nam; thể hiện sự gắn bó máu thịt của văn nghệ sĩ xứ Quảng với quê nhà. Trong ảnh: Một chuyến đi thực tế sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng của văn nghệ sĩ Quảng Nam. Ảnh: B.A

Nhiều “hạt gạo trên sàng”

Từ đầu tháng 5 này, Giải thưởng Văn học Nghệ thuật (VHNT) Đất Quảng lần thứ IV chính thức bước vào giai đoạn thứ 2 - giai đoạn chấm giải. Những ngày này, một số tiểu ban sơ khảo các chuyên ngành đã bắt đầu làm việc, và vòng chấm này dự kiến sẽ kéo dài trong vòng một tháng.

Theo một thành viên Ban Tổ chức Giải thưởng, hãy còn quá sớm để đưa ra những nhận định cụ thể về chất lượng các tác phẩm dự giải, song vẫn có thể nhận thấy mặt bằng chất lượng nhìn chung khá cao.

Hầu hết trong số 160 tác giả, nhóm tác giả dự giải thưởng lần này đã có động thái tự sàng lọc khá kỹ lưỡng trước khi gửi tác phẩm dự giải. Thay vì gửi đại trà theo kiểu được chăng hay chớ, nhiều người chỉ chọn gửi những tác phẩm được dư luận đánh giá tốt, từng được cọ xát ở một số diễn đàn, cuộc thi VHNT trước đó...

Thậm chí, một nghệ sĩ nhiếp ảnh cho biết, tại Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần này, anh chỉ chọn gửi 2 trong số 5 tác phẩm từng đoạt giải tại các kỳ Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên và các cuộc thi ảnh nghệ thuật chuyên đề được tổ chức trong vòng 5 năm trở lại đây.

“Tôi tự chọn lọc, tham khảo thêm một số ý kiến và quyết định chỉ gửi dự giải 2 tác phẩm mà mình cảm thấy có chất lượng nghệ thuật tốt nhất và phù hợp nhất với yêu cầu về chủ đề, nội dung giải thưởng đặt ra. Quyết định đó vừa là sự tự trọng vừa thể hiện sự tôn trọng của cá nhân tôi đối với một giải thưởng lớn 5 năm mới có một lần này” - nghệ sĩ nhiếp ảnh này cho biết thêm.

Cũng từ sự lựa chọn, sàng lọc khá kỹ lưỡng ấy, số tác phẩm tham dự Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần thứ IV từng đoạt giải tại các cuộc thi, liên hoan, triển lãm cấp khu vực, quốc gia, quốc tế... chiếm tỷ lệ khá lớn.

Như với nhiếp ảnh, có tới 28 trong số 51 tác phẩm tham dự từng đoạt giải ở các cuộc thi trong và ngoài nước; trong đó có một số tác phẩm từng đoạt 2 giải thưởng trở lên. Với âm nhạc, tỷ lệ tác phẩm thuộc diện “hạt gạo trên sàng” là 17/30; với điện ảnh là 5/8; văn nghệ dân gian là 4/8; mỹ thuật 12/26 và văn học là 17/50...

Theo một thành viên Ban Tổ chức giải thưởng, với tình hình này, việc thẩm định, chấm chọn, xếp giải sẽ khó khăn và “kịch tính” hơn, đây cũng chính là yếu tố làm cho giải thưởng thêm hấp dẫn.

Đậm đà “vị Quảng”

So với 3 lần tổ chức Giải thưởng VHNT Đất Quảng trước đây, số tác giả, nhóm tác giả là người ngoài tỉnh gửi tác phẩm giải thưởng lần này tương đối ít - chỉ hơn 20 người. Đây là điều đã được dự báo trước, bởi lẽ giải thưởng lần này đặt ra những yêu cầu có tính khu biệt cao hơn; trong đó đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu tác phẩm phải phản ảnh được những giá trị đặc sắc, riêng có của đất và người xứ Quảng.

di-thuc-te-1.jpg
Đa số tác phẩm tham gia Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần thứ IV bám rất sát chủ đề truyền thống lịch sử, văn hóa, khát vọng phát triển của Quảng Nam; thể hiện sự gắn bó máu thịt của văn nghệ sĩ xứ Quảng với quê nhà. Trong ảnh: Một chuyến đi thực tế sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng của văn nghệ sĩ Quảng Nam. Ảnh: B.A

Cũng vì vậy, trong tổng thể tác phẩm gửi về tham dự giải thưởng, “chất Quảng”, “vị Quảng” trở nên nổi bật, đậm đà. Rất nhiều tác phẩm - dù có ngôn ngữ nghệ thuật đặc trưng riêng theo từng thể loại, dù được thể hiện bởi những phong cách không giống nhau của từng tác giả khác nhau - song lại có điểm chung là đều bám rất sát, đều khởi đi từ truyền thống lịch sử, văn hóa, khát vọng phát triển... của Quảng Nam.

Trong khi các tác phẩm, công trình văn nghệ dân gian tìm kiếm, khai thác, đánh thức các trầm tích văn hóa của quê hương thì mỹ thuật, nhiếp ảnh tập trung tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hóa đang hiển hiện, đang được bảo tồn và phát huy trong đời sống.

Trong khi nhiều tác phẩm âm nhạc hướng đến việc ngợi ca vẻ đẹp quê hương và tình yêu xứ sở thì nhiều tác phẩm văn học đi sâu khai thác, tái hiện những sự kiện, những câu chuyện lịch sử “chỉ có ở Quảng Nam”, góp thêm nhiều góc nhìn tinh tế, độc đáo về chiều sâu trí tuệ và tâm hồn của con người xứ Quảng...

Nhìn từ một hướng khác, với những gì mà các tác giả trong và ngoài tỉnh gửi về tham gia Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần thứ IV, còn có thể nhận ra được những nét cơ bản trong quá trình chuyển dịch, phát triển của đời sống VHNT Quảng Nam trong 5 năm trở lại đây. Đồng thời thấy được rõ hơn tình yêu, tâm huyết, sự gắn bó máu thịt của văn nghệ sĩ xứ Quảng với vùng đất mà họ đang sinh sống và những nỗ lực sáng tạo, cống hiến không ngừng...

Ban Tổ chức Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần thứ IV cho biết, Giải thưởng lần này thu hút sự tham gia của 160 tác giả, nhóm tác giả trong và ngoài tỉnh Quảng Nam với 211 tác phẩm, công trình thuộc 9 chuyên ngành.

Trong đó, nhiều nhất là chuyên ngành nhiếp ảnh với 21 tác giả/ 51 tác phẩm; văn học với 37 tác giả/ 50 tác phẩm; VHNT các dân tộc thiểu số - miền núi có 20 tác giả/ 32 tác phẩm và âm nhạc có 18 tác giả/ 30 tác phẩm.

Việc chấm chọn các tác phẩm, công trình tham dự giải thưởng sẽ được tiến hành qua 2 vòng; trong đó vòng sơ khảo từ ngày 1/5 đến 30/5/2024 và vòng chung khảo từ ngày 1/6 đến 30/7/2024.
Tại Giải thưởng này, mỗi chuyên ngành có một bộ giải gồm 1 giải A, 2 giải B, 3 giải C và 3 giải khuyến khích; riêng chuyên ngành văn học có 1 giải A, 3 giải B, 4 giải C và 7 giải khuyến khích.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần IV: Những ghi nhận bước đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO