Giải tỏa áp lực giải ngân vốn đầu tư công

TRỊNH DŨNG 16/01/2023 09:11

Mục tiêu, nguyên tắc phân bổ vốn không có gì thay đổi. Tuy nhiên, áp lực giải ngân năm 2023 rất lớn khi lượng vốn đầu tư tăng, cộng thêm phần vốn của năm 2022 chuyển sang, nhất là việc giải ngân 3 nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia (chưa kể lượng vốn từ Trung ương có thể sẽ phân bổ vào những tháng cuối năm 2023). Điểm mới là chính quyền đã sớm ban hành quy định, kế hoạch cụ thể về phân giao vốn, với mong muốn chấm dứt chuyện không xài hết vốn đầu tư.

Các dự án đầu tư chuyển tiếp năm 2022 như kè khẩn cấp bảo vệ bờ biển Hội An sẽ tiếp tục được đầu tư, giải ngân trong năm 2023. Ảnh: T.D
Các dự án đầu tư chuyển tiếp năm 2022 như kè khẩn cấp bảo vệ bờ biển Hội An sẽ tiếp tục được đầu tư, giải ngân trong năm 2023. Ảnh: T.D

Nguồn vốn

Chưa kể lượng vốn đầu tư sẽ được Trung ương phân bổ thêm trong quá trình đầu tư như thường diễn ra trong lịch sử đầu tư công của địa phương, HĐND tỉnh ấn định tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2023 gần 7.778,8 tỷ đồng. Số vốn này bằng tổng kế hoạch vốn thực hiện năm 2022 (bao gồm cả vốn ngân sách trung ương 3.021,67 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương hơn 4.757 tỷ đồng).

Theo Sở KH&ĐT, mức vốn bố trí cho từng dự án phù hợp với năng lực thực hiện và giải ngân trong năm 2023. Thống kê cho thấy, biên độ đầu tư đã được mở rộng trên hầu hết lĩnh vực, chương trình. Mục tiêu, nguyên tắc phân bổ vốn không có gì thay đổi.

Tuy nhiên, điểm mới dễ nhìn thấy nhất là việc phân bổ và giao chi tiết toàn bộ kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2023 đã hoàn tất trước ngày 31/12/2022. Phương án phân bổ, giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023, danh mục, mức vốn chi tiết bố trí của từng nhiệm vụ, chương trình, dự án cho các cơ quan, đơn vị đã được tích hợp trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công trước ngày 10/1/2023.

 

Quảng Nam cũng ban hành kế hoạch giải ngân và phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện cho từng dự án ngay từ đầu năm, nhất là các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án trọng điểm, kết nối, có tác động liên vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững...

Công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án được tăng cường; tính sẵn sàng, tính khả thi và khả năng triển khai thực hiện dự án được nâng cao. Chính quyền buộc cơ quan quản lý, địa phương tiến hành nghiên cứu, đưa ra các giải pháp căn cơ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công đã tồn tại nhiều năm.

Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH&ĐT cho hay, đã loại bỏ những dự án chưa thực sự cần thiết. Cắt giảm tối đa số lượng dự án khởi công mới. Kiểm soát chặt chẽ về sự cần thiết, quy mô từng dự án theo đúng quy hoạch, bảo đảm hiệu quả đầu tư của dự án. Hạn chế tình trạng bố trí vốn dàn trải; tạo quyền chủ động cho cấp huyện, xã...

Không để giải ngân ì ạch

Áp lực giải ngân ngày càng tăng khi lượng vốn gia tăng. Không thể để tình trạng giải ngân ì ạch như lâu nay, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở chuyên ngành rà soát, rút ngắn đối đa thời gian thẩm định chủ trương đầu tư, thẩm định dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật dự án.

Các chủ đầu tư lựa chọn đơn vị tư vấn đảm bảo năng lực, uy tín, có kinh nghiệm để nâng cao chất lượng lập hồ sơ, để không phải bổ sung, điều chỉnh nhiều lần, không khoán trắng công việc cho đơn vị tư vấn. Rà soát kỹ ngay từ khâu chuẩn bị dự án, lựa chọn dự án giao vốn đến công tác thiết kế, đấu thầu, thi công, thủ tục thanh quyết toán… đối với từng dự án.

Ngoài việc triển khai hiệu quả các giải pháp về quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư công, chính quyền yêu cầu các cơ quan quản lý tiếp cận, tìm kiếm nguyên nhân của những điểm nghẽn đang cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.

Chủ động chấm dứt đầu tư các dự án kém hiệu quả, thiếu tính khả thi để tập trung đầu tư cho các công trình, dự án quan trọng khác. Tháo gỡ tình trạng thiếu các mỏ đất đắp, cát xây dựng; kiểm soát và quản lý nguồn nguyên vật liệu xây dựng để thực hiện đầu tư các dự án.

UBND tỉnh yêu cầu phải kiểm soát chặt quy trình, thời hạn thẩm định, tham gia ý kiến của các ngành chuyên môn. Sẽ quy trách nhiệm, có chế tài xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân nhũng nhiễu (nếu có), kéo dài thời hạn giải quyết hồ sơ, thực hiện sai quy trình, thủ tục đầu tư hoặc cho tạm ứng vốn nhưng không có khối lượng thanh toán làm phát sinh tăng nợ tạm ứng quá hạn. Tất cả chủ đầu tư phải tập trung đẩy nhanh tiến độ quyết toán các dự án hoàn thành, quyết toán chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Một động thái quyết liệt khác là sẽ kịp thời điều chuyển vốn các dự án chậm giải ngân, không có khối lượng cho các dự án khác có nhu cầu, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn. Theo dõi chặt chẽ tiến độ giải ngân của các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài để kịp thời có giải pháp xử lý nhằm giảm việc trả nợ lãi vay, các khoản phí liên quan khác. Việc quản lý dự án, chất lượng công trình, nghiệm thu công trình, đấu thầu sẽ được chặt chẽ, bảo đảm tính công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang, sẽ phân cấp triệt để trong quản lý đầu tư, giao cấp huyện chịu trách nhiệm xác định danh mục, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định dự án đầu tư đối với công trình, dự án do cấp huyện quản lý để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giải tỏa áp lực giải ngân vốn đầu tư công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO