Như Báo Quảng Nam điện tử đã thông tin, cuối tuần qua Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang ký ban hành thông báo số 98/TB-UBND về việc giải tỏa dịch tai xanh tại huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Quế Sơn, Tiên Phước, Duy Xuyên, Nông Sơn. Việc dỡ bỏ lệnh cấm vận chuyển, mua bán, giết mổ, tiêu thụ heo và các sản phẩm từ heo trên địa bàn 6 địa phương vừa nêu khiến người dân hết sức phấn khởi...
|
Cảnh mua bán heo tập nập tại chợ heo Bà Rén vào sáng qua 17.3. Ảnh: M.NHI |
Ào ạt xuất bán heo
Sau khi UBND tỉnh dỡ bỏ lệnh cấm vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ heo và các sản phẩm từ heo, bà Ngô Thị Thu Thủy (thôn 13, xã Quế Phú, huyện Quế Sơn) liền xuống chợ Mộc Bài kêu một chủ lò mổ lên bán toàn bộ 5 con heo thịt. Cầm hơn 11 triệu đồng trên tay, bà Thủy nói: “Hồi giữa tháng 2 dương lịch, khi đàn heo thịt của tui đến kỳ xuất chuồng thì dịch tai xanh bùng phát mạnh tại nhiều địa phương, trong đó có xã Quế Phú. Không bán được, buộc lòng tui phải tốn rau, tốn cám nuôi bầy heo ấy thêm 1 tháng nữa. Chừ tỉnh cho phép tiêu thụ nên tui quyết định bán đi càng sớm càng tốt, bởi nếu cứ dây dưa thì sẽ thua lỗ nặng hơn”.
“Tuy bệnh tai xanh đã cơ bản được dập tắt nhưng nếu thời gian tới các ngành, địa phương và người chăn nuôi tỏ ra lơ là trong công tác phòng dịch thì vi rút gây bệnh tai xanh rất dễ bùng phát lại vì nó tồn tại trên heo nhiễm bệnh 2-3 tháng. Do vậy, bên cạnh việc duy trì thường xuyên khâu vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc, khử trùng trên diện rộng, cần phải tiếp tục thắt chặt công tác quản lý địa bàn, kiểm soát, kiểm dịch, nhất là tại các ổ dịch cũ và vùng có nguy cơ cao bị dịch đe dọa”. (Ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT) |
Chiều qua 17.3, có mặt tại nhiều nơi ở huyện Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc..., chúng tôi nhận thấy hàng trăm hộ dân gọi thương lái tới nhà để bán những bầy heo thịt mạnh khỏe bị ứ đọng lại vì lệnh cấm từ hôm mùng 9 tháng giêng đến nay. Ông Nguyễn Hoa – một người dân ở thôn Mậu Hòa (xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên) chia sẻ: “So với thời điểm trước Tết Quý Tỵ thì hiện nay trên thị trường giá 1kg heo hơi giảm xuống 4 - 5 nghìn đồng. Vì thế, bây giờ xuất chuồng đồng loạt đàn heo thịt 7 con ni họa may là hòa vốn nhưng được vậy là quá mừng rồi. Lúc dịch tai xanh hoành hành, nếu bầy heo này bị nhiễm bệnh chết thì vợ chồng tui sẽ phải ôm nợ vì 8 triệu đồng tiền mua chịu bột cho nó ăn chưa trả được một xu nào”.
Kinh doanh thịt heo “hồi sinh”
Hai ngày nay chợ heo Bà Rén được phép đông lại, không chỉ thương lái phấn khởi mà hàng chục người làm nghề lao công ở đây cũng hết sức vui mừng. Chồng mất sớm, hơn 10 năm qua bà Trần Thị Thảo (xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn) kiếm sống bằng nghề “bồng heo thuê” tại ngôi chợ heo được xem là lớn nhất khu vực miền Trung này. Bà Thảo nói, tuy cái nghề này nặng nhọc, vất vả nhưng bình quân mỗi tháng bà cũng dành dụm được hơn 4 triệu đồng để lo nuôi đứa con nhỏ và người cha già yếu, bệnh tật. Từ sau tết đến nay, dịch tai xanh hoành hành, chợ heo bị cấm cửa nên bất đắc dĩ bà phải chuyển sang nấu bắp đi bán dạo để kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình. “Suốt cả tháng qua ngày mô cũng bưng bắp trái đi rao khắp chợ, khắp làng nhưng thu nhập chỉ đủ mua mắm muối chứ chẳng dư ra được đồng nào. Bây giờ, chợ đông trở lại tui mừng lắm, hy vọng số tiền kiếm được từ nghề bồng heo ni sẽ khá hơn” – bà tâm sự.
Từ ngày 18.2 đến nay, hàng nghìn chủ quầy kinh doanh thịt heo lớn nhỏ tại khắp các chợ trên địa bàn tỉnh phải chấp nhận “treo dao” vì lệnh cấm. Bà Lê Thị Bích - một người bán thịt heo ở “chợ cóc” thuộc xã Điện Phương (huyện Điện Bàn) cho biết: “Khi dịch tai xanh chưa bùng phát, mỗi phiên chợ tui kiếm cũng được 120 nghìn đồng tiền lãi từ bàn thịt heo này. Thế nhưng, từ lúc tỉnh ban bố lệnh cấm, chuyển sang bán thịt bò và gà vịt làm sẵn, thu nhập của tui giảm hơn một nửa. Nguyên nhân là có quá nhiều người kinh doanh thịt heo nhảy qua bán 3 loại thực phẩm ấy, trong khi đó sức mua của người dân thì lại không lớn. Cung vượt cầu, ế ẩm là lẽ đương nhiên. Chừ nghe thông báo tỉnh giải tỏa dịch, tui và mấy chủ quầy thịt heo ở đây rất phấn khởi”. Không chỉ những chủ hàng thịt heo tươi sống, nhiều chủ quán cơm, bún, mỳ, cháo... tại hàng loạt nơi trên địa bàn tỉnh (trừ huyện Thăng Bình) cũng rất vui trước thông tin lệnh cấm thịt heo đã chính thức dỡ bỏ.
Kiên quyết tịch thu tiêu hủy thịt heo không có dấu kiểm soát giết mổ Trong thông báo số 98/TB-UBND (ngày 15.3.2013) về giải tỏa dịch tai xanh tại huyện Đại Lộc, Quế Sơn, Duy Xuyên, Tiên Phước, Điện Bàn, Nông Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang yêu cầu việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ heo và các sản phẩm từ heo phải thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, không làm lây lan dịch bệnh, không gây ô nhiễm môi trường, không ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Heo vận chuyển trái phép hoặc các sản phẩm của heo không có dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y của cơ quan chức năng thì sẽ bị tịch thu, tiêu hủy. Ông Nguyễn Thành Nam – Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết, do chưa đủ điều kiện giải tỏa dịch nên tất cả địa phương thuộc huyện Thăng Bình vẫn phải thực hiện nghiêm lệnh cấm vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ heo và các sản phẩm từ heo theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Quyết định số 550/QĐ-UBND ngày 18.2.2013. |
MAI NHI