Giảm áp lực cho vùng biển ven bờ

VIỆT NGUYỄN 02/11/2021 06:12

Để giảm áp lực cho vùng biển ven bờ, giải pháp khả thi là giảm cường lực khai thác hải sản đi đôi với phát triển nguồn lợi.

Ngư dân khai thác hải sản trái phép bằng lờ Trung Quốc ở ven biển Cửa Đại, Hội An.Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Ngư dân khai thác hải sản trái phép bằng lờ Trung Quốc ở ven biển Cửa Đại, Hội An.Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Tác động xấu do khai thác trái phép

Quảng Nam hiện có 1.338 phương tiện đánh bắt hải sản ven bờ nhưng Chi cục Thủy sản Quảng Nam mới chỉ cấp 94 giấy phép khai thác hải sản cho ngư dân. Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, phương tiện sản xuất ven bờ chủ yếu là tàu thuyền có công suất dưới 20CV, trước đây được 6 địa phương có nghề cá quản lý nhưng “thả nổi”.

Theo tính toán của Bộ NN&PTNT, tổng nhu cầu vốn cho “Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” là 15.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương là 11.225 tỷ đồng (74,7%), ngân sách địa phương là 2.300 tỷ đồng (15,3%), huy động thêm 1.475 tỷ đồng (9,8%). Giai đoạn 2021 - 2025, cần nguồn vốn 4.563 tỷ đồng (30%), giai đoạn 2026 - 2030 là 10.437 tỷ đồng (70%).

Sau khi có Luật Thủy sản, từ năm 2019 đến nay, việc cấp giấy phép khai thác hải sản cho tàu thuyền hoạt động ven bờ chuyển về ngành thủy sản. Do buông lỏng quản lý nên phương tiện nghề cá ven bờ thường khai thác tận diệt nguồn lợi với các nghề pha xúc, giã cào, châm điện, thuốc nổ, lờ Trung Quốc... 

Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, mật độ, tần suất khai thác hải sản ven bờ ngày càng tăng lên, đáng báo động. Trong năm 2020, ngành biên phòng xử phạt 275 triệu đồng với 43 vụ khai thác hải sản trái phép ven bờ.

Trong 10 tháng của năm 2021, đã xử phạt 547 triệu đồng với 70 vụ sai phạm. Thống kê cho thấy có đến 137 tàu thuyền lớn đăng ký các nghề lưới vây, lưới rê, lưới chụp nhưng lại đánh bắt hải sản ven bờ bằng nghề giã cào.

“Ngành thủy sản cần cấp nhiều hơn giấy phép khai thác hải sản cho tàu thuyền đánh bắt hải sản ven bờ, quản lý chặt sẽ góp phần giảm thiểu tác động xấu đến nguồn lợi. Các cơ quan truyền thông, các hội, đoàn thể, nghiệp đoàn nghề cá, địa phương ven biển, cơ quan quản lý nghề cá cần tuyên truyền, vận động ngư dân hiệu quả hơn. Tuần tra, kiểm soát, xử phạt cần được thực hiện gắt gao hơn” - Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Tại hội nghị trực tuyến góp ý “Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, do áp lực khai thác quá lớn, nhất là ở vùng biển ven bờ nên nguồn lợi hải sản giảm mạnh.

Từ nay đến năm 2030, các địa phương có nghề cá cần đặt trọng tâm bảo tồn, phát triển nguồn lợi, giảm cường lực khai thác hải sản. Phải giảm các phương tiện khai thác ven bờ, nhất là các nghề gây nguy hại và bị cấm. 

Bảo vệ, phát triển nguồn lợi

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, phải giảm áp lực cho vùng biển ven bờ bằng cách thành lập mới, nâng cao hiệu quả hoạt động ở các khu bảo tồn biển. Trong bảo vệ nguồn lợi hải sản, nhất thiết thành lập các khu vực bảo vệ, khu vực cấm khai thác hải sản có thời hạn, khu vực cư trú nhân tạo để bảo vệ nguồn lợi các loài hải sản có giá trị kinh tế cao (cá hồng, cá mú...), các loài nguy cấp quý hiếm (cá cớ, cá kiếm, cá lượng...).

Quảng Nam cần giảm tàu thuyền nhỏ, giảm cường lực khai thác hải sản ven bờ để bảo vệ nguồn lợi. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Quảng Nam cần giảm tàu thuyền nhỏ, giảm cường lực khai thác hải sản ven bờ để bảo vệ nguồn lợi. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Các địa phương cần chú trọng lưu giữ nguồn gen hải sản nguy cấp, quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng, đầu tư nghiên cứu sản xuất giống để chủ động bảo vệ, tái tạo, phát triển nguồn lợi. Nghiên cứu xác định đường di cư sinh sản tự nhiên của các loài hải sản nguy cấp, quý hiếm, các loài nhạy cảm được ưu tiên bảo vệ.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác hải sản thân thiện để bảo vệ nguồn lợi và chú ý quản lý nghề cá dựa vào cộng đồng, giao quyền quản lý, vừa khai thác vừa bảo vệ nguồn lợi cho cộng đồng.

Cái khó trong quản lý các phương tiện khai thác hải sản ven bờ ở Quảng Nam là chưa xác định rõ để phân bổ hạn ngạch giấy phép khai thác hải sản ven bờ cho 6 địa phương có nghề cá. Bởi vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đề xuất Bộ NN&PTNT triển khai dự án điều tra nguồn lợi hải sản ven bờ, hỗ trợ tỉnh phân bổ hạn ngạch giấy phép khai thác ven bờ phù hợp với từng địa phương.

Để bảo vệ, phát triển nguồn lợi hải sản, Quảng Nam sẽ cấm khai thác hải sản từ ngày 1.4 đến 30.6 ở vùng ven biển Cửa Đại (Hội An) với diện tích 67km2, khu vực vùng biển phía nam Hòn Ông (Cù Lao Chàm, Hội An) với diện tích 76km2.

Ngành thủy sản tỉnh lên kế hoạch thả rạn nhân tạo, tạo “nhà ở” cho các loài sinh vật biển, hải sản ở các khu vực Tam Thanh (Tam Kỳ), Tam Tiến, Tam Hải (Núi Thành). Đề xuất Bộ NN&PTNT điều tra, khảo sát, thu thập dữ liệu, đánh giá tiềm năng bảo tồn biển ở vùng biển Tam Hải, tiến tới thành lập khu bảo tồn biển. 

Ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, điều cốt yếu là các địa phương cần xây dựng chính sách hỗ trợ ngư dân trong thời gian cấm khai thác hải sản có thời hạn để bảo vệ, phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Một vấn đề khác là hỗ trợ chi phí cho việc chuyển đổi nghề của ngư dân nhằm giảm áp lực khai thác, bảo vệ nguồn lợi hải sản ở vùng ven bờ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giảm áp lực cho vùng biển ven bờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO