Những năm gần đây, một số quốc gia châu Á nỗ lực giảm gánh nặng học tập lên học sinh cũng như tình trạng cạnh tranh không công bằng trong giáo dục.
Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc Lee Ju-ho vừa công bố các biện pháp của Chính phủ nhằm giảm sự phụ thuộc vào các lớp học thêm. Theo đó, những câu hỏi “siêu khó” sẽ bị loại khỏi trong kỳ thi tuyển sinh vào đại học tại Hàn Quốc.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cũng lên tiếng về đề thi tuyển sinh đại học có nhiều câu hỏi nằm ngoài chương trình giảng dạy ở các trường công lập, một số câu được liệt vào dạng “hóc búa”.
Nhiều chỉ trích cho rằng các kỳ thi tuyển sinh như thế bao gồm những câu hỏi khó không cần thiết, không có trong chương trình giáo dục công lập, học sinh chỉ có thể trả lời được nếu có tham gia các lớp học thêm.
Do đó, Hàn Quốc sẽ thiết lập một ủy ban độc lập để lọc ra những “câu hỏi hóc búa”, đánh giá mức độ công bằng của bài kiểm tra. Giáo viên tham gia ra đề thi bị cấm bán bộ câu hỏi hay cung cấp các bài giảng hoặc tư vấn thông tin liên quan đến kỳ thi đại học trong khoảng thời gian nhất định...
Tuy nhiên, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cũng lưu ý rằng điều này không có nghĩa là kỳ thi tuyển sinh đại học sẽ “dễ dàng hơn” mà nội dung các môn thi phải sát với những gì được dạy học ở trường.
Các lớp học thêm vốn nở rộ tại Hàn Quốc khi nhu cầu ngày càng tăng của phụ huynh mong muốn con em có thể vượt qua kỳ thi tuyển sinh đại học để có vị trí việc làm và tương lai tươi sáng hơn.
Theo thống kê, chi phí cho các lớp học thêm của học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông tại Hàn Quốc tăng kỷ lục lên 26 nghìn tỷ won (20 tỷ USD) năm 2022 so với 23,4 nghìn tỷ won vào năm 2021.
Trung Quốc kể từ tháng 7/2021 cấm tổ chức các lớp học thêm vào những ngày cuối tuần và ngày lễ cho học sinh dưới 16 tuổi. Ngoài ra, các trường học phải giảm bớt bài tập về nhà, cải thiện chất lượng giảng dạy trên lớp và tăng hoạt động ngoại khóa cho học sinh nhằm giảm bớt áp lực cho học sinh trong hệ thống giáo dục vốn nổi tiếng căng thẳng của Trung Quốc. Các công ty giáo dục không được phép mở trung tâm mới hoặc huy động vốn.
Năm ngoái, Trung Quốc sửa đổi luật giáo dục dạy nghề và tuyên bố giáo dục nghề nghiệp và giáo dục phổ thông đều quan trọng như nhau. Do đó, nước này khuyến khích phát triển các hình thức giáo dục nghề nghiệp khác nhau.
Mới đây, Trung Quốc ban hành hướng dẫn mới nhằm tăng cường giám sát các chương trình dạy thêm ngoài khuôn viên trường học, như cấm thí điểm dạy thêm trong kỳ nghỉ và hạn chế quảng cáo, hoạt động đào tạo trực tiếp phải được kết thúc trước 20h30 và các khóa học trực tuyến không được kéo dài quá 21h hằng ngày, không được thu phí quá 5.000 nhân dân tệ cho các khóa học...
Nhiều chuyên gia giáo dục tại châu Á thừa nhận, thực tế rất khó kiểm soát việc dạy thêm, học thêm khi nhu cầu xuất phát từ nguyện vọng của nhiều phụ huynh, học sinh và các cơ sở, lò dạy thêm. Cho dù lệnh cấm được ban hành nhưng thực trạng dạy thêm, học thêm vẫn diễn ra tràn lan dưới nhiều hình thức.
Nhiều nhà giáo dục tại Singapore đề xuất hãy để học sinh không phải làm bài tập về nhà ít nhất 2 ngày một tuần. Học sinh có thể hoàn thành bài tập về nhà trong giờ học, cũng giảm bớt khối lượng công việc cho giáo viên.
Cho phép học sinh dành nhiều thời gian vui chơi, đặc biệt trong dịp hè để rèn luyện và phát triển thiên hướng về kỹ năng mềm như: kỹ năng an toàn, tự giác, thích nghi môi trường sống, giải quyết một số sự cố có thể...