(QNO) - Mặc dù báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết số ca nhiễm Covid-19 mới trên thế giới đang giảm, tuy nhiên chúng ta cần hành động mạnh mẽ hơn nữa mới có thể chấm dứt đại dịch corona.
Tổng Giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, trong 5 tuần qua, số ca nhiễm vi rút corona mới được báo cáo trên toàn cầu giảm gần một nửa, từ khoảng 5 triệu ca xuống còn khoảng 2,7 triệu ca.
Theo WHO, trên toàn thế giới, tổng số ca bệnh hằng ngày hiện thấp nhất kể từ tháng 10 năm ngoái; trong khi số ca tử vong mới cũng giảm 10% trong tuần qua so với tuần trước đó, với 81.000 người. Tại châu Phi và Tây Thái Bình Dương, số ca nhiễm mới giảm 20% trong tuần trước, châu Âu giảm 18%, châu Mỹ giảm 16% và Đông Nam Á giảm 13%.
Ví như giai đoạn đỉnh của dịch, Ấn Độ ghi nhận gần 100.000 ca bệnh Covid-19 mới mỗi ngày thì con số này hiện giảm còn 11.000 ca mỗi ngày.
Các nhà quan sát cho biết, các biện pháp y tế công cộng mạnh mẽ hơn, tuân thủ nghiêm ngặt hơn các quy tắc như giãn cách, đặc biệt trước lo ngại về các biến thể lây lan nhanh hơn và tính chất theo mùa tự nhiên của vi rút corona đều có thể đóng góp một phần cho việc sụt giảm số ca nhiễm Covid-19.
Cạnh đó, ở những nước có tỷ lệ lây nhiễm cao nhưng cũng nhờ tỷ lệ tiêm chủng tương đối cao, chẳng hạn như Mỹ và Anh nên khả năng miễn dịch cũng có thể bắt đầu làm chậm sự lây lan.
Chiến dịch tiêm phòng vắc xin Covid-19 của Israel mang lại dấu hiệu thành công rõ rệt khi số ca nhiễm giảm mạnh. Theo phân tích sơ bộ của Viện Weizmann (Israel), sau khi tiêm liều vắc xin thứ hai, trong nhóm dân số hơn 60 tuổi, số ca mới giảm 56%, số ca nhập viện giảm 42% và số trường hợp tử vong vì Covid-19 giảm 35%.
Còn theo thông báo của Bộ Y tế Việt Nam, hơn 200.000 liều vắc xin AstraZeneca sẽ về tới Việt Nam vào tuần tới, sử dụng cho nhu cầu cấp bách phòng chống dịch Covid-19.
Mặc dù ghi nhận số ca nhiễm mới Covid-19 giảm trên toàn cầu nói chung, nhà lãnh đạo WHO nhấn mạnh: “Ngọn lửa chưa được dập tắt, mà chúng ta chỉ mới bớt đi số ca nhiễm mới thôi. Nếu chúng ta ngừng chống lại nó (vi rút corona mới) ở bất cứ mặt trận nào, nó sẽ bùng lên mạnh trở lại”.
Ngoài ra, biến chủng của vi rút SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Dữ liệu mới nhất của WHO cho thấy, các ca nhiễm biến thể vi rút phát hiện đầu tiên tại nước Anh nay được ghi nhận tại 94 quốc gia trong tuần qua, tức là tăng thêm 8 quốc gia trong vòng một tuần. Còn biến thể vi rút Nam Phi nay có mặt ở 46 quốc gia và có 21 quốc gia đã phát hiện các ca nhiễm biến thể vi rút Brazil.
Đáng chú ý khi các nhà khoa học thừa nhận rằng, trong quá trình sao chép của vi rút, những đột biến dễ lây lan hoặc những đột biến vượt qua được hệ miễn dịch của con người này sẽ có nhiều khả năng sống sót hơn.
Tính đến ngày 18.2, thế giới ghi nhận hơn 110,3 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có khoảng 2,4 triệu trường hợp tử vong. Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 quốc gia có số ca mắc và tử vong nhiều nhất thế giới.
Các chuyên gia y tế nhắc lại, ngoài việc hướng tới miễn dịch cộng đồng, đồng thời thực hiện các biện pháp như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, thì việc lây lan vi rút corona sẽ chậm hơn.