Áp dụng phương thức sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu (CSA), thuộc Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư, đã giúp nông dân trên địa bàn tỉnh nâng cao năng suất và hiệu quả bền vững thông qua giảm chi phí sản xuất.
Mô hình triển khai theo phương pháp khuyến nông có sự tham gia của nông dân, trong đó nông hộ tham gia đối ứng về phần vật tư, công lao động trực tiếp. Dự án hỗ trợ kỹ thuật, 100% giống và công cụ gieo hạt (dụng cụ kéo sạ hàng lúa, công cụ gieo hạt như bắp, lạc, đậu xanh…), toàn bộ sản phẩm nông hộ được hưởng. Việc triển khai xây dựng mô hình cũng có sự tham gia của chính quyền, đoàn thể tại địa phương, thông qua công tác truyên tuyền vận động thực hiện chủ trương của dự án, giám sát kết quả thực hiện và tuyên truyền nhân rộng kết quả của mô hình.
Theo Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ (đơn vị tư vấn dự án), việc tiến hành xây dựng mô hình CSA được tiến hành qua các bước: Tiến hành tham vấn xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình trước khi thực hiện từng vụ. Công khai mục tiêu, nội dung và mức độ đầu tư của dự án và trách nhiệm vốn đối ứng của nông hộ tham gia đến các hộ nông dân và chính quyền sở tại.
Cán bộ hiện trường của trung tâm kỹ thuật nông nghiệp huyện tập huấn kỹ thuật, triển khai đầu vụ cho các hộ nông dân và cùng với họ lên kế hoạch triển khai và chăm sóc. Lịch chăm sóc mô hình dựa trên cơ sở các giai đoạn sinh trưởng, phát triển của từng đối tượng cây trồng (lúa, bắp, dưa hấu). Các hộ tham gia mô hình được nhận giống và công cụ gieo hạt (dụng cụ kéo sạ hàng lúa, công cụ gieo hạt như bắp) tương ứng theo định mức để thực hiện mô hình thông qua HTX, UBND xã, phường, thị trấn. Cán bộ kỹ thuật thường xuyên đi thăm đồng. Trên cơ sở kết quả thực hiện mô hình, cán bộ cùng với nông dân trực tiếp xây dựng mô hình đánh giá những ưu và khuyến điểm, cũng như kết quả đạt được của mô hình...
Mô hình CSA được triển khai tại 7 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh gồm Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Phú Ninh, Núi Thành và TP.Tam Kỳ, được đánh giá đạt hiệu quả và đang được nông dân triển khai nhân rộng. Đến nay đã xây dựng mô hình trình diễn các hoạt động CSA trong canh tác lúa đạt 1.425ha (vụ đông xuân năm 2018 - 2019 là 645ha, vụ hè thu năm 2019 là 780ha), xây dựng mô hình trình diễn các hoạt động CSA luân canh cây màu trên đất lúa 60ha (vụ đông xuân 50/49 ha, vụ hè thu 10ha), xây dựng mô hình trình diễn các hoạt động CSA đa dạng hóa cây màu đạt 80ha (vụ đông xuân 55ha, vụ hè thu 25ha).
Kết quả triển khai các hoạt động của mô hình CSA cho thấy thông qua hướng dẫn nông dân tăng cường sử dụng phân hữu cơ, quản lý dinh dưỡng tổng hợp, bình quân các điểm của mô hình đã giảm được 37,4kg ure/ha so với ruộng ngoài mô hình. Về tưới tiêu, thông qua hướng dẫn nông dân áp dụng phương pháp tưới ướt khô xen kẽ, đã cắt giảm được 2 - 3 lần tưới ở giai đoạn lúa sau gieo 25 - 40 ngày và 80 ngày đến thu hoạch. Theo tính toán, mô hình CSA trung bình giảm chi phí khoảng 2 triệu đồng/ha từ giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.
Ông Bùi Ngọc Thao (đại diện đơn vị tư vấn) cho biết, mô hình CSA đã giúp nông dân giảm chi phí, phân bón, thuốc trừ sâu, tiết kiệm nước tưới, bảo vệ môi trường và tăng năng suất, thu nhập cho người nông dân. Nhưng quan trọng hơn vẫn là thay đổi tư duy, nhận thức của người dân ở các địa phương về điều kiện sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu hiện nay.