Giảm dần nạn tảo hôn ở miền núi

ĐĂNG NGUYÊN 04/05/2018 09:20

Sau hơn 2 năm thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), giai đoạn 2015 - 2020”, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn miền núi của tỉnh đã có xu hướng giảm nhưng vẫn còn ở mức cao.

Huyện Nam Trà My tổ chức cho người dân xã Trà Vinh ký cam kết không vi phạm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ảnh: H.X.D
Huyện Nam Trà My tổ chức cho người dân xã Trà Vinh ký cam kết không vi phạm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ảnh: H.X.D

Chuyển biến từ cơ sở

Năm 2016, Phước Sơn là một trong số địa phương miền núi có tỷ lệ tảo hôn trong cộng đồng DTTS khá cao, với 63 trường hợp và 1 trường hợp thuộc diện hôn nhân cận huyết thống. Thế nhưng, chỉ sau 2 năm triển khai Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS, giai đoạn 2015-2020” theo Quyết định 498 của Thủ tướng Chính phủ, vấn nạn “khó nói” ở đồng bào vùng cao huyện Phước Sơn đã có xu hướng giảm dần. Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, cùng với đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS nâng cao nhận thức, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, những năm qua chính quyền địa phương còn trực tiếp chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, cũng như các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc đề án; đồng thời xây dựng kế hoạch và phối hợp có hiệu quả trong công tác tuyên truyền và ngăn ngừa, tránh để tình trạng này tiếp diễn. Nhờ vậy, năm 2017 tình trạng tảo hôn ở huyện Phước Sơn giảm còn 51 trường hợp; riêng hôn nhân cận huyết thống không xảy ra trường hợp nào như những năm trước đây.

Khi tình trạng tảo hôn giảm dần, điều kiện chăm sóc con cái ở đồng bào vùng cao ngày càng được chú trọng, nâng cao.  Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Khi tình trạng tảo hôn giảm dần, điều kiện chăm sóc con cái ở đồng bào vùng cao ngày càng được chú trọng, nâng cao. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Cũng như Phước Sơn, từ khi triển khai đề án, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các bản làng vùng cao huyện Tây Giang cũng đã giảm đi khá rõ nét, từ 5,85% năm 2016 xuống còn 3,28% năm 2017. Theo ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, trước khi Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS, giai đoạn 2015-2020” được triển khai, địa phương cũng đã duy trì các câu lạc bộ phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong cộng đồng vùng cao. Trong đó, vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín luôn được chú trọng và phát huy, tạo “điểm tựa” để đồng bào nghe theo. “Cùng với các hoạt động tuyên truyền, giáo dục cho người dân và các em học sinh, chúng tôi còn khuyến khích đồng bào thực hiện các hương ước chung tại cộng đồng, nhằm hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS ở địa phương. Những chuyển biến trong các năm gần đây là động lực để địa phương tiếp tục triển khai các hoạt động của đề án trong thời gian tới” - ông Blúi nói.

Triển khai đồng bộ

Ông Hồ Thanh Tân - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho hay, qua khảo sát, giai đoạn 2010 - 2015, toàn tỉnh có 1.534 trường hợp tảo hôn và 101 trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Nguyên nhân chủ yếu là ảnh hưởng của phong tục tập quán; những hạn chế trong việc tiếp cận về Luật Hôn nhân và gia đình; thiếu trang bị kỹ năng sống, thông tin về sức khỏe sinh sản đối với học sinh miền núi; sự can thiệp của chính quyền địa phương chưa mạnh mẽ, quyết liệt… Chính vì thế, tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá phổ biến và có chiều hướng tăng cao.

Trước thực trạng nêu trên, từ năm 2015, ngay sau khi có chủ trương của Chính phủ, Ban Dân tộc tỉnh đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện đề án với quyết tâm hạn chế tái diễn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào DTTS. Cùng với việc hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện theo điều kiện cụ thể và phù hợp, đơn vị còn phối hợp thành lập các ban chỉ đạo về mô hình điểm cấp tỉnh, cấp huyện nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống. Theo đó, các lớp tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức về vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho đội ngũ cán bộ xã, thôn, những người có uy tín, các thầy cô giáo ở các trường học,… được tổ chức, tạo những chuyển biến mạnh mẽ trong cộng đồng và các địa phương, đơn vị miền núi. Ban Dân tộc tỉnh cũng phối hợp biên soạn, in ấn và cấp phát hàng nghìn tờ rơi, tài liệu, pa nô tuyên truyền liên quan đến các nội dung của đề án nhằm cung cấp, phục vụ nhu cầu cho các địa phương, đơn vị và cộng đồng miền núi. “Sự đổi mới, linh hoạt trong cách triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, cộng với tinh thần trách nhiệm cao của các tổ chức cơ sở đã giúp đem lại hiệu quả bước đầu trong việc thực hiện đề án. Nhờ vậy, kết quả khảo sát năm 2017 cho thấy trên địa bàn miền núi của tỉnh, số trường hợp tảo hôn đã giảm xuống còn 183 trường hợp (năm 2016 có 203 trường hợp) và hôn nhân cận huyết thống là 4 trường hợp (năm 2016 có 6 trường hợp)” - ông Tân nói.

Trong thời gian tới, để việc thực hiện đề án đạt kết quả cao hơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng các huyện miền núi cần xây dựng kế hoạch hoạt động theo từng năm và giai đoạn. Trong đó, công tác tuyên truyền phải đổi mới phù hợp, lựa chọn nội dung trọng tâm và tập trung vào những hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Đồng thời hướng tuyên truyền vào những đối tượng có nguy cơ cao, dễ dẫn đến việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Về công tác quản lý nhà nước, các cấp chính quyền, ngành chức năng cần xử lý nghiêm các vi phạm về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống xảy ra trên địa bàn. Trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm, thiếu gương mẫu càng kịp thời xử nghiêm, không né tránh, không bao che, không ngại va chạm…

ĐĂNG NGUYÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giảm dần nạn tảo hôn ở miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO