Việc vận động các sở ban ngành, doanh nghiệp, địa phương ở đồng bằng kết nghĩa với các xã, huyện miền núi là chương trình đặc biệt ý nghĩa nhân văn. Bởi khu vực miền núi có hơn 100 xã, khoảng 450 nghìn dân, trong đó có gần 130 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm hơn hai phần ba số hộ nghèo của Quảng Nam, đời sống còn rất nhiều khó khăn.
Thông qua chương trình kết nghĩa, trong mỗi giai đoạn 5 năm tổng kết, thấy nhiều số liệu được báo cáo cho biết có hàng trăm tỷ đồng được hỗ trợ phát triển giao thông nông thôn, xóa nhà tạm, làm nhà đại đoàn kết, xây dựng các mô hình trao tặng sinh kế chăn nuôi và trồng trọt… Tuy nhiên, so với một núi chồng chất gian nan do địa hình hiểm trở, ngăn sông cách chợ về giao thương, thiên tai vây bủa, thì việc hỗ trợ giúp đỡ cũng như hạt muối, chưa góp phần căn bản thay đổi đời sống đồng bào.
Cũng có những trường hợp giúp đỡ trao tặng giống cây trồng, vật nuôi để góp phần giảm nghèo, nhưng qua mấy mùa mưa gió, bà con không giữ không nhân giống ra, thì đâu lại hoàn đó. Cho nên, bây giờ giả thử làm một cuộc khảo sát thì chưa ai dám chắc còn được bao nhiêu giá trị đã sinh ra từ quà tặng của các sở, ban ngành trong 5 năm trước như 95 con bò giống sinh sản; mô hình nuôi ngan địa phương (quy mô 600 con), mô hình nuôi heo đen bản địa (quy mô 52 con),... Hay những thứ như số ti vi, vi tính được tặng cho các trường, xã, hàng ngàn bộ sách, vở, dụng cụ học tập cho học sinh, trị giá cả chục tỷ đồng, hẳn cũng hư hỏng hay cũ nát rồi.
Từ những vấn đề trên, cần tính toán lại phương thức hỗ trợ giúp đỡ cho miền núi thế nào cho hiệu quả? Rất mừng là giữa những ngày tháng 4.2020 đang căng thẳng lo phòng chống dịch Covid-19, UBND tỉnh vẫn quan tâm tiếp tục chỉ đạo việc tăng cường công tác kết nghĩa, giúp đỡ các huyện, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn khó khăn, xã biên giới đất liền của tỉnh.
Với Quyết định số1100/QĐ-UBND, tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2025, trong đó một điểm đáng lưu ý là GIẢM DẦN TẶNG QUÀ. Như vậy, kế hoạch 5 năm này được kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi về chất lượng để sự hỗ trợ giúp đỡ có chiều sâu bền vững hơn, theo đó thì “nguồn lực hỗ trợ, đầu tư được quản lý, sử dụng có trọng tâm, trọng điểm đạt hiệu quả thiết thực”, hướng đến “tạo điều kiện thuận lợi cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi phát triển về mọi mặt, nhất là vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới đất liền, hộ nghèo, nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sinh kế, tăng thu nhập, tự vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Kế hoạch cũng nêu rõ 4 nhóm hỗ trợ về: phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; tuyên truyền vận động thực hiện chính sách pháp luật và văn hóa; hỗ trợ về an sinh xã hội. Trong giai đoạn mới này, ngoài việc phân công và giao chỉ tiêu cụ thể với các cơ quan, đơn vị giúp cho các hộ nghèo (cơ quan 10 biên chế giúp ít nhất 2 hộ nghèo; huyện, thị xã, thành phố giúp ít nhất 10 hộ nghèo); tỉnh còn giao 9 huyện, thị xã, thành phố đồng bằng mời, phân công nhận kết nghĩa giúp đỡ các huyện miền núi và 14 xã biên giới đất liền. Đồng thời 89 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận kết nghĩa, giúp đỡ 65 xã của các huyện miền núi (Bắc Trà My, Nam Trà My, Tây Giang: mỗi huyện 10 xã; Đông Giang, Phước Sơn, Nam Giang: mỗi huyện 11 xã; Hiệp Đức: 2 xã).
Giảm tặng quà mà chú trọng về việc hỗ trợ khoa học kỹ thuật, hướng dẫn bà con xây dựng các mô hình sinh kế, đặc biệt nên chú trọng gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển vùng dược liệu, giữ rừng và trồng rừng… Không nên tạo ra sự ỷ lại bằng cách tặng quà. Không ai làm thay mãi cho đồng bào và miền núi nỗ lực thoát nghèo, đó mới là con đường bền vững.