Hôm nay, theo chương trình, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV tiếp tục làm việc với phần trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Một trong những nội dung liên quan đến vấn đề này, hồi tháng 4.2018, UBND tỉnh đã có báo cáo về lộ trình, tình hình cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp thuộc UBND tỉnh quản lý trong giai đoạn 2016 – 2020; đồng thời đề nghị Bộ Tài chính tháo gỡ khó khăn trong cổ phần hóa.
Riêng đối với việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Quảng Nam cũng đã có nhiều cuộc bàn thảo xoay quanh các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước.
Hiện Quảng Nam có 20 quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước đang hoạt động, trong đó nhóm các quỹ có tính chất hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội, bảo toàn và phát triển vốn (7 quỹ); nhóm các quỹ có tính chất phục vụ an sinh xã hội, không bảo toàn và phát triển vốn (13 quỹ). Các quỹ tài chính trên địa bàn tỉnh có quy định riêng về chế độ quản lý tài chính và hoạt động độc lập tương đối với ngân sách nhà nước.
Còn nhớ, tại Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa IX diễn ra cuối năm 2017, nhiều đại biểu cho rằng hiện có quá nhiều quỹ tương đồng nhau làm phân tán nguồn lực và thiếu thống nhất về cơ chế quản lý, cần một cuộc rà soát, sắp xếp phù hợp hơn. Trong phiên chất vấn của các đại biểu với giám đốc Sở Tài chính về việc quản lý các nguồn quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước, ông Phan Văn Chín đã đưa ra hạn định chậm nhất trong quý II.2018 sẽ sắp xếp kiện toàn bộ máy các quỹ.
Trên thực tế, vì nhiều lý do nên đến nay việc sắp xếp thực hiện khá chậm.
Cùng với sự “hối thúc” của Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 25.10.2017 của BCH Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; mọi thứ vẫn đang tiến hành một cách thận trọng.
Đối với các quỹ hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, như sử dụng vốn chưa hiệu quả, thu hồi ứng vốn khó khăn, chênh lệch thu chi vốn chủ yếu từ tiền lãi ngân hàng, huy động vốn ngoài ngân sách hạn chế...; tiến độ sắp xếp mới đến đoạn trình nhiều phương án khác nhau.
Được biết, các đơn vị liên quan đang tiến hành những thủ tục cần thiết để thực hiện việc sắp xếp các quỹ như Quỹ phát triển đất, Quỹ hỗ trợ ngư dân, Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ đầu tư phát triển thành 1 quỹ chung. Việc sắp xếp trên tinh thần những quỹ nào bảo toàn vốn, có chức năng tín dụng sẽ gom về một đầu mối.
Đối với các quỹ trùng lắp về mục tiêu, nguồn thu, nhiệm vụ chi và đối tượng phục vụ dẫn đến chồng chéo chức năng nhiệm vụ, phân tán nguồn lực, hạn chế hiệu quả (như: Quỹ khuyến học, Quỹ học bổng Chanchu, Quỹ học bổng Đất Quảng, Quỹ thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Quảng Nam hoặc như Quỹ vì người nghèo, Quỹ khám chữa bệnh người nghèo; Quỹ phòng chống thiên tai và Quỹ cứu trợ thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo hay Quỹ cho vay hộ nghèo, Quỹ hỗ trợ ngư dân, Quỹ hỗ trợ nông dân, Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh) việc sắp xếp cũng tương đối chậm chạp.
Ông Trần Đình Tùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, chưa thể nói điều gì về việc sắp xếp các quỹ và quỹ nào sẽ được sáp nhập hay giải thể. Tuy nhiên, vẫn thống nhất theo chủ trương chung là nơi nào thuận lợi và dễ thì làm trước; tiến độ hoàn thành là trong năm 2018 này.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, về cơ bản các quỹ tài chính thực hiện thu, chi theo đúng quy định và kế hoạch tài chính hằng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt; các quỹ hoạt động phù hợp theo mục tiêu đề ra, huy động thêm nguồn lực tài chính từ các tổ chức, cá nhân khác để cho vay, ứng vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, sửa chữa đóng mới tàu đánh bắt hải sản xa bờ... Đó là mặt tích cực. Nhưng, để nâng cao hơn nữa hiệu lực và hiệu quả hoạt động thì việc giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng trùng lắp và phân tán nguồn lực đối với 20 quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước phải tăng tốc hơn.
HOÀNG NGỌC