Ngày 6.12, tại Hà Nội, Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm (Bộ VH-TT&DL) ra mắt Trung tâm Giám định và triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh (gọi tắt là Trung tâm) với mong muốn chấm dứt tình trạng thật - giả lẫn lộn như hiện nay...
Tác phẩm ảnh “Dáng lụa” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vấn bị Công ty Bảo hành Electrolux tại Việt Nam đã tự ý sử dụng trên trang web của công ty. ẢNH: H.A |
Quy chế
Trung tâm công bố Quy chế thực hiện giám định tác phẩm; Danh sách các hội đồng giám định tác phẩm và bảng giá dịch vụ giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh. Để thực hiện quá trình giám định tác phẩm, quy chế mới đề ra yêu cầu hội đồng thẩm định gồm các chuyên gia chuyên ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh, có kinh nghiệm hoạt động mỹ thuật - nhiếp ảnh từ 10 năm trở lên, có uy tín, có khả năng giám định tác phẩm nghệ thuật. Trung tâm với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cùng sự phối hợp của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), được ví như “trọng tài” trong công tác giám định, thẩm định tác phẩm mỹ thuật. Người yêu cầu được thẩm định sẽ phải trả thêm một khoản phí nữa, bên cạnh mức phí phải trả cho hội đồng nghệ thuật. Để đi tới quyết định cuối cùng về tranh giả, tranh thật cần đạt tới sự đồng thuận của 100% hội đồng.
Hoạt động giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh được xác định là dịch vụ công, theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân và được thực hiện dựa trên nguyên tắc: tuân thủ pháp luật; trung thực, khách quan, chính xác. Giám định tác phẩm là việc xác định đó là bản gốc hay bản sao chép, xác định tên, chữ ký, xác định phong cách sáng tác, bút pháp, xác định việc sao chép, sử dụng toàn phần hoặc một phần tác phẩm gốc. Kết quả giám định là kết luận về chuyên môn, về tác giả của tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh trong phạm vi nội dung được yêu cầu giám định... Quy chế cũng nêu rõ những khái niệm cũng như các thuộc tính của tác phẩm gốc, bản sao chép, bản nhái phong cách sáng tác, bản mạo danh... Về thực hiện giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh, nội dung quy chế quy định rõ về hồ sơ đề nghị giám định, hội đồng giám định...
Những băn khoăn
Việc ra đời Trung tâm là điều cấp thiết, nhưng còn nhiều điều băn khoăn. Những năm trước đây, tác phẩm của anh em nghệ sĩ nhiếp ảnh Quảng Nam đã rất nhiều lần bị xâm phạm bản quyền, nhiều tác phẩm bị người khác tự ý xuất bản, in ấn, sửa chữa cắt xén, sử dụng không trả nhuận ảnh cho tác giả. Gần đây nhất, tác phẩm “Dáng lụa” của NSNA Lê Vấn được Công ty Bảo hành Electrolux tại Việt Nam tự ý sử dụng trên trang web của công ty. Tác giả đã điện thoại tới Công ty Bảo hành Electrolux tại Việt Nam, công ty hứa sẽ hồi âm nhưng hơn tháng nay, bặt vô âm tín. NSNA Lê Trọng Khang cười như khóc: “Chỉ cần lấy tấm ảnh của mình đưa lên Google tra, có tấm nào giống tương tự là Google phát hiện ra hết. Có rất nhiều, nhiều tác phẩm của mình được sử dụng “chùa” như vậy! Khi mình có thắc mắc thì họ không dùng nữa, kiện tụng thì phiền hà, coi như cho không, biếu không”.
Việc quy định mức giá trả cho hội đồng thẩm định trong việc giám định 1 đến 3 tác phẩm là 35 triệu đồng; từ 4 đến 10 tác phẩm là 70 triệu đồng, từ 11 đến 20 tác phẩm là 140 triệu đồng; từ 21 đến 50 tác phẩm là 140 triệu đồng, từ hơn 50 tác phẩm là 281 triệu đồng. NSNA Đặng Kế Đông cũng băn khoăn: “Đối với tác phẩm nhiếp ảnh, quy định mức giá thẩm định như vậy quá cao khiến các tác giả e ngại khởi kiện khi bị xâm phạm bản quyền tác giả”. Nhà điêu khắc Nguyễn Văn Hàm - Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh kiêm Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật, cho rằng, Trung tâm ra đời là yếu tố cần thiết cho mỹ thuật, nhiếp ảnh Việt Nam phát triển, đây là tín hiệu vui đối với các nghệ sĩ sáng tác. Một biện pháp mạnh để “răn đe” những người cố tình vi phạm, là sự tuân thủ pháp luật của cả giới sáng tác và kinh doanh nghệ thuật; đạo đức, tự trọng của người nghệ sĩ cần được đề cao, nhưng mỗi nghệ sĩ phải tự bảo vệ những thành quả sáng tạo của mình.
HÀ AN