(QNO) - Ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Diễn đàn Toàn cầu Boston (BGF, Hoa Kỳ), nguyên Tổng Biên tập Báo VietNamNet vừa về Việt Nam thăm gia đình, và đang cách ly ở Palm Garden Resort Hội An theo quy định. Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc trao đổi online cùng ông với nhiều thông tin quan trọng.
Cuối năm 2005, khi đang là Tổng Biên tập Báo VietNamNet, ông Nguyễn Anh Tuấn đã đưa GS. John Quelch - Phó Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Harvard về thăm và góp ý chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Nam cho Bí thư Tỉnh ủy Vũ Ngọc Hoàng. Ngày ấy tôi dự các cuộc gặp và đưa tin chuyến làm việc này của GS. John Quelch trên báo Thanh Niên, với những ý kiến sắc sảo về quy hoạch và phát triển cũng như quảng bá du lịch.
Không vào thăm ông Nguyễn Anh Tuấn được, chúng tôi thống nhất thực hiện một cuộc trao đổi online và mong rằng sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin thú vị.
- Hai tuần cách ly sau khi về Việt Nam, chắc có nhiều điều bất tiện với ông?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Năm nay mùa yên biển lặng hơn, tôi có thời gian thư thả để ngắm cảnh đẹp của biển Cửa Đại từ phòng tôi ở. Tôi gắn bó với biển miền Trung, nên những ngày này như... cá về với nước. Nhân viên phục vụ ở đây rất tốt, rất chất Hội An. Những người bạn quý ở Quảng Nam, Đà Nẵng gửi đồ ăn xứ Quảng và nhiệt tình trò chuyện qua online nên 2 tuần ở đây rất thích.
Đây cũng là quãng thời gian yên tĩnh để tôi tranh thủ làm việc với các đồng nghiệp ở Boston (Hoa Kỳ) hoàn thiện cuốn sách “Xây lại thế giới, tạo dựng kỷ nguyên ánh sáng toàn cầu”. Và cuốn sách này chính thức được đưa lên mạng, đến với bạn đọc vào ngày 15.7.2021. Cũng trong những ngày cách ly ở Hội An, tôi cùng đồng nghiệp xây dựng Liên minh Toàn cầu về quản trị số, đó là một phần của Sáng kiến Hiệp định thế giới về trí tuệ nhân tạo.
- Ông có thể chia sẻ thêm về cuốn sách “Xây lại thế giới, tạo dựng kỷ nguyên ánh sáng toàn cầu”?
Chúng tôi sẽ có những phiên thảo luận với các nhà lãnh đạo, các học giả về cuốn sách này tại các hội nghị của Liên minh Lãnh đạo thế giới qua online, và ở Washington DC, các hội nghị ở các thành phố châu Âu, Nhật Bản vào mùa thu này.
Cuốn sách là tâm huyết, trí tuệ của những nhà lãnh đạo, những nhà tư tưởng, hy vọng cuốn sách sẽ mở ra con đường mới để xây dựng thế giới tốt đẹp, văn minh, nhân ái hơn trong thời đại số và trí tuệ nhân tạo. Chúng tôi cũng sẽ thảo luận với lãnh đạo một số chính phủ để bàn việc tiên phong thử nghiệm các mô hình mới, đồng thời là sự đồng hành của các thành viên Mạng sáng tạo xã hội trí tuệ nhân tạo (AIWS.net), của các học viên Chương trình thạc sĩ lãnh đạo xã hội trí tuệ nhân tạo.
Cuốn sách sẽ bổ ích cho những nhà lãnh đạo chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp, các học giả. Các sinh viên và những người quan tâm đến thời đại mới cũng sẽ tìm thấy những vấn đề hữu ích cho mình.
- Từ những ý tưởng mới cho thế giới, khi hoàn thành nội dung cuốn sách ngay trên biển Cửa Đại, chắc là biển Việt Nam và biển miền Trung cũng có những gợi ý trong cuốn sách? Dù sao thì biển cũng là nơi ông có nhiều gắn bó?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Biển Việt Nam là thế mạnh và là ưu thế của Việt Nam với thế giới, biển rất đẹp. Chúng ta đã phát triển kinh tế biển, nhất là du lịch ở các thành phố biển, nhưng chưa tạo ra giá trị cao, chưa xứng với tiềm năng và lợi thế đã có. Cần có tư duy mới, cao hơn để phát triển kinh tế biển, nhất là vùng biển miền Trung.
Hy vọng là chúng tôi sẽ nói kỹ hơn qua bàn luận chuyên sâu của mình, còn cuốn sách có những gợi ý để Việt Nam cùng đi tiên phong với một số nước trong công cuộc xây dựng kỷ nguyên ánh sáng toàn cầu.
- Còn dịch dã hiện nay thì sao? Việt Nam đang căng mình chống dịch Covid-19. Để chống dịch có hiệu quả, ông có những gợi ý gì từ kinh nghiệm ở Mỹ trong 2 năm qua?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Việt Nam đã làm rất tốt trong năm 2020, khi còn có ít ca nhiễm. Nay thì tình thế đã khác, cho nên cách làm, giải pháp cũng cần khác. Tôi tin là Việt Nam sẽ kiểm soát được tình hình.
Tôi thấy cần góp thêm một số ý kiến như sau: Không tạo tâm lý hoảng sợ quá, hiện xã hội Việt Nam đang bị tâm lý này đè nặng. Cần tư duy và nhận thức đúng về dịch, từ đó có giải pháp hợp lý, thông minh, có tinh thần lạc quan, không hoang mang, không lo sợ. Đối xử với những người bị nhiễm một cách nhân văn, không kỳ thị, bởi họ là nạn nhân chứ không phải là tội đồ. Khi toàn xã hội lạc quan, bình thản thì sẽ có những giải pháp tốt cùng nhau vượt qua nó.
Cần tập trung vào việc giới thiệu cách trị bệnh, cách tăng cường sức khỏe để toàn dân cùng chủ động chống dịch, chủ động gìn giữ sức khỏe. Tập trung các nguồn lực cho các trung tâm chữa các ca nặng, tập trung nguồn nhân lực vào triển khai ngay việc tiêm vắc xin, không nên mất nguồn lực vào cách ly tập trung, truy vết nữa. Tôi thấy Chính phủ đã bắt đầu có chỉ đạo theo hướng này nhưng các địa phương vẫn chưa thay đổi kịp. Việc lockdown (đóng cửa) cũng cần cân nhắc kỹ đến hệ lụy của nó trước khi ra quyết định.
Ngoài ra, trong khó khăn, thách thức này sẽ giúp nhìn ra những cán bộ yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Đây là lúc bộc lộ rõ nhất năng lực của bộ máy, từ đó loại bỏ những người không đủ năng lực, những người chỉ đưa ra các quyết định để bảo đảm an toàn cho bản thân mà không quan tâm đến hậu quả, các hệ lụy cho xã hội, cho người dân. Có những người chỉ đạo nước đôi, chung chung, thậm chí mệnh đề trước mâu thuẫn với mệnh đề sau, mà không có giải pháp đột phá, không có giải pháp thông minh, sáng tạo. Có những người tổ chức triển khai làm rối thêm tình hình và tạo ra môi trường dễ lây lan dịch hơn nữa thì cần phải bị xử lý.
Tôi nghĩ rằng, đồng thời với loại bỏ cán bộ không đủ năng lực là nên kêu gọi mọi công dân hiến kế, tham gia nêu các giải pháp, nếu có giải pháp tốt thì mời tham gia chỉ đạo, điều hành công việc. Đây chính là lúc tập hợp, khơi dậy và phát huy năng lực của mọi công dân, để từ đó tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để vượt qua khó khăn, thách thức lớn này. Trong nguy cần nhìn thấy cơ, và tận dụng cơ.
Tôi tin rằng Việt Nam sẽ vượt qua thách thức lớn này nếu các nhà lãnh đạo biết lắng nghe và tập hợp được trí tuệ, tâm huyết của toàn xã hội.