Biết tiếng Việt nhưng phải nghe được tiếng Quảng để có thể chuyện trò cùng người lao động là tâm nguyện mà vị giám đốc người Hàn Quốc - Kim Byung Tae quyết tâm làm cho bằng được, kể từ khi đặt chân đến Quảng Nam.
Mở thư viện, học tiếng Việt
Lần đầu tôi hẹn phỏng vấn ông Kim Byung Tae - Giám đốc Công ty TNHH MTV Sedo Vinako (huyện Duy Xuyên) cách đây khoảng 7 năm. Tôi khá ngạc nhiên khi ông có thể nói tiếng Việt, nhưng nghe lại không hiểu lắm. Một vị giám đốc thân thiện, cởi mở và đặc biệt rất thích tiếng Quảng Nam cũng như cách người Quảng nói lái. Nói chuyện với ông, ông thường xưng tên là “Kim”.
Một lần trò chuyện bằng tiếng Việt, ông Kim dí dỏm: “Kim nói tiếng Việt còn chưa sành vì Kim mới học, qua đây một năm là Kim học tiếng Việt. Mà Kim nghe nhân viên nói thì không hiểu gì cả. Kim học hai năm vậy mới dám nói, hiểu mới nói được.
Kim có mua từ điển Tiếng Việt học để hiểu hơn về tiếng Việt. Tiếng Việt hay nhưng phong phú quá, khó học, mà tiếng Quảng thì khó học hơn vì nghe không hiểu. Kim phải học tiếng Quảng, tiếng địa phương người lao động nói Kim không hiểu”.
Nói rồi ông Kim ví dụ: “Chỉ một từ “đen” thôi mà tiếng Việt khiến tôi nghĩ đau cả đầu, con chó đen thì nói chó mực, ngựa đen bảo ngựa ô, mèo đen nói mèo mun. Rồi thành ngữ, tục ngữ nhiều lắm! Kim nghĩ học mãi cũng không hết được tiếng Việt”.
Cách học tiếng Việt của ông Kim khá thú vị. Yêu thích tiếng Việt, thích đọc sách báo, nên ủng hộ mở ngay một thư viện mini tại xưởng may dành cho người lao động. Ngày mở cửa thư viện mini, ông Kim có lời mời tôi tham gia.
Làm được việc theo tâm nguyện, ông rất vui, bảo: “Có câu nói “Một cuốn sách hay cho ta một điều tốt, một người bạn tốt cho ta một điều hay”. Chúng tôi muốn mang lại nhiều điều hay cho người lao động của chúng tôi. Thư viện sẽ đồng hành với người lao động và con em họ trên con đường phát triển văn hóa đọc tại công ty. Và nói thêm là thư viện cũng giúp cho Kim học tiếng Việt tốt hơn”.
Học cách nói lái của người Quảng
Tiếng Việt nói được thì đến học tiếng Quảng, bởi có việc gì ông Kim nói nhưng nhân viên chưa hiểu, hỏi lại bằng tiếng Quảng thì ông lại không hiểu. Nên phải học những “chi, mô, tê, răng, rứa”. Rồi như cách nói của ông Kim là ông “tham lam” lắm, học tiếng Quảng xong phải học cả cách nói lái của người Quảng. Thế là vị giám đốc này yêu cầu “bên lề” cho nhân viên của mình phải bày cách nói lái tiếng Quảng.
Ấn tượng về vị giám đốc thú vị của mình, chị Trần Thị Vân Thu - Trưởng phòng Nhân sự công ty và cũng là trợ lý của ông Kim vui vẻ cho biết: “Ông thích học nói lái lắm, nhưng tôi cũng sinh ra ở miền Bắc nên nói lái không rành. Thế là giới thiệu ông Kim với người khác để bày ông nói lái.
Ông Kim rất thích dùng tiếng Việt trong giao tiếp với nhân viên, công nhân lao động. Bởi ông nói có như vậy ông mới hiểu người lao động của mình hơn, và gần gũi, gắn bó, thân thiện với lao động để họ yêu thích, gắn bó với công ty, xem đây như ngôi nhà thứ hai của mình”.
Tích cực học hỏi, rồi ông Kim cũng nói lái được, nhưng như ông nói so với người Quảng thì chỉ mới là “trẻ con học nói thôi”. Ông Kim cho rằng, người Quảng nói lái là một lối chơi chữ độc đáo trong văn hóa. Nói lái như một cách để đùa vui, dí dỏm, xua tan bao mệt nhọc. Có những kiểu nói lái, mà người nghe không hiểu thì cứ như lạc vào hành tinh khác trong khi người xung quanh đều cười đùa vui vẻ.
Ông Kim chia sẻ: “Khi Kim học nói lái, Kim hay bị ăn “quả lừa” lắm! Nhiều chuyện vui lắm, họ nói xong họ cười vui vẻ rộn ràng, chỉ có Kim là ngớ người không hiểu chi. Nên Kim quyết phải học cho rành nói lái, để khỏi bị lừa nữa. Mà học được, nói lái được thì Kim cũng vui vẻ nữa, hòa đồng với mọi người mới vui”.