Dư luận thời gian qua có những ý kiến trái chiều chung quanh việc điều động giáo viên (GV) hằng năm giữa các trường THPT trên địa bàn tỉnh. Ông Hà Thanh Quốc – Giám đốc Sở GD-ĐT đã có cuộc trao đổi thẳng thắn, cởi mở với PV Báo Quảng Nam chung quanh vấn đề này.
Phóng viên: - Dư luận cho rằng, “mùa” luân chuyển GV trước thềm năm học mới hằng năm luôn diễn ra sôi động, gây nhiều tâm tư lo lắng trong các trường học và đội ngũ GV. Ông giải thích sao về chủ trương điều động GV hằng năm?
Ông Hà Thanh Quốc: Thừa - thiếu GV cục bộ theo từng bộ môn, từng vùng miền trong mỗi năm học đã diễn ra nhiều năm nay trên cả nước. Quảng Nam cũng không ngoại lệ, và cũng có đặc thù riêng do thực tế đội ngũ GV ở các vùng miền. Những năm gần đây, tỷ lệ tuyển sinh vào trường THPT giảm theo lộ trình đề ra tại Nghị quyết số 11 của Tỉnh ủy (đến năm 2020, có nhiều nhất 80% học sinh vào bậc THPT).
So với năm học 2019-2020, tổng số lớp hiện nay trong toàn tỉnh giảm 79 lớp; theo đó yêu cầu số GV phải giảm theo. Thêm nữa, sau khi thực hiện Nghị quyết số 146 của HĐND tỉnh về việc tạo điều kiện cho GV công tác lâu năm ở miền núi được trở về giảng dạy tại quê nhà (vùng đồng bằng), các trường THPT ở các huyện miền núi thiếu rất nhiều GV, bởi số về đồng bằng thì nhiều, nhưng số GV bổ sung cho miền núi rất ít, không đáp ứng nhu cầu.
Để giải bài toán cân đối GV giữa các trường, bảo đảm công tác giảng dạy trong từng năm học, không còn cách nào khác, ngành GD-ĐT phải thực hiện việc điều chuyển GV trước thềm năm học mới. Đây cũng là yêu cầu của Bộ GD-ĐT.
Phóng viên: - Quy trình điều động GV từ trường này sang trường khác thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Hà Thanh Quốc: Hàng năm, sau khi có kết quả tuyển sinh lớp 10, các trường sẽ xác định được nhu cầu thừa - thiếu GV ở từng bộ môn. Trên cơ sở tổng hợp yêu cầu từ các trường, Sở GD-ĐT sẽ lập kế hoạch cụ thể về việc điều động GV giữa các trường, thời hạn điều động là 1 năm học (9 tháng).
Cùng với đó, sở ban hành văn bản hướng dẫn rất chi tiết về thực hiện công tác này; trong đó quy định rõ trình tự, thủ tục, thẩm quyền trách nhiệm của từng cấp trong việc thực hiện. Cụ thể:
Căn cứ kế hoạch của Sở GD-ĐT, hiệu trưởng các trường học chỉ đạo từng tổ bộ môn (nơi thừa GV) họp bộ môn để bàn bạc, thảo luận, đề xuất cụ thể ai sẽ nằm trong diện tăng cường của từng bộ môn.
Trên cơ sở đó, hiệu trưởng chủ trì họp cán bộ chủ chốt (gồm lãnh đạo nhà trường, cấp ủy đảng, công đoàn, đoàn thanh niên, tổ chuyên môn) để xem xét và quyết định. Quá trình tổ chức thực hiện, sở luôn đặt ra yêu cầu đảm bảo nguyên tắc công khai, khách quan, công bằng, dân chủ, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh từng GV.
Sau các cuộc họp nói trên, toàn bộ biên bản phải ghi đầy đủ ý kiến, chữ ký của các thành phần dự họp, nhất là của GV được đề xuất điều động để báo cáo Sở GD-ĐT.
Căn cứ các biên bản, đề xuất của các trường, Sở GD-ĐT sẽ xem xét, ra quyết định điều chuyển. Ví dụ, Trường THPT Khâm Đức (Phước Sơn) thiếu 2 GV tiếng Anh trong khi Trường THPT Tiểu La (Thăng Bình) thừa 2 thì sở làm động tác điều chuyển nơi thừa sang nơi thiếu.
Phóng viên: -Như ông nói, ai đi, ai ở là do các trường thống nhất đề xuất. Sở không “can thiệp” cụ thể đối với từng trường hợp?
Ông Hà Thanh Quốc: Đúng vậy, lãnh đạo Sở GD-ĐT chỉ thực hiện điều chuyển GV từ trường này sang trường khác trên cơ sở đề xuất con người cụ thể của từng trường. Còn GV nào đi là do trường đề nghị cụ thể. Sở không quyết định bao nhiêu người hay cụ thể thầy giáo A hay cô giáo B phải đi tăng cường. Cần nói thêm, theo quy trình, GV nào thuộc diện tăng cường đều được biết trước nơi sẽ đến ngay khi các tổ, trường họp bàn.
Phóng viên: - Quy trình như ông nói là minh bạch, dân chủ; nhưng tại sao vẫn có dư luận không đồng tình? Theo ông, nguyên nhân từ đâu?
Ông Hà Thanh Quốc: Trong 3 năm (2019, 2020, 2021), Sở GD-ĐT đã điều động tăng cường lần lượt là 75, 38 và 63 GV cho mỗi năm học. Khi điều động, đương nhiên phải có người đi; có người đi gần, có người đi xa, chưa nói mỗi người có hoàn cảnh gia đình khác nhau. Tâm tư khi nằm trong diện phải điều động tăng cường hay băn khoăn, lo lắng trước mỗi đợt điều động, theo tôi cũng là điều dễ hiểu.
Tâm lý chung, có ai ưng mình phải đi đâu và nhất là đi xa? Mặc dù, khi luân chuyển, các trường đều chú trọng tìm hiểu tâm tư của GV, hoàn cảnh từng người và làm công tác tư tưởng cho đồng nghiệp.
Có nhiều GV hiểu rõ việc điều động tăng cường GV là yêu cầu khách quan, những đồng nghiệp đã đi luân chuyển rồi thì phải đến lượt mình. Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi tâm tư… Các năm trước, những thầy cô có điều kiện thuận lợi đã đi trước; đến năm học này số thầy cô còn lại có khó khăn hơn.
Tôi chia sẻ khó khăn với các thầy cô khi phải đi xa nhưng mong các thầy cô cũng phải chia sẻ khó khăn của ngành. Không tăng cường , lấy đâu GV giảng dạy ở những nơi đang thiếu hụt GV; và cả việc cân đối ngân sách ở những nơi thừa cục bộ GV nữa.
Vừa qua, sở mời gặp mặt tất cả GV điều động năm nay và 61/63 thầy cô có mặt. Có 8 ý kiến, trong đó 2 ý kiến cho biết nhà trường khoán hẳn cho tổ trưởng triển khai nên GV thiếu thông tin, không hiểu mục đích việc điều động. Ngoài ra, sở phát phiếu để tìm hiểu thêm tâm tư của GV, kết quả thu về 55 phiếu trong đó 53 phiếu đồng thuận, chia sẻ khó khăn của ngành.
Phóng viên: - Như vậy là vẫn có những GV cho rằng, do thiếu thông tin nên không hiểu rõ vấn đề?
Ông Hà Thanh Quốc: Chia sẻ của GV cho thấy, một số trường thực hiện chưa nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của sở về quy trình. Việc điều chuyển GV khoán trắng cho tổ bộ môn đề xuất; lãnh đạo trường, các đoàn thể chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải thích rõ cho GV, mặc dù sở đã hướng dẫn rất chi tiết. Vấn đề này, lãnh đạo Sở GD-ĐT sẽ rút kinh nghiệm chỉ đạo và giám sát chặt chẽ hơn trong thời gian tới.
Phóng viên: - Quảng Nam có 9 huyện miền núi và nguồn GV tại chỗ không đáp ứng. Vậy ngành có phương án gì về việc điều chuyển thời gian tới để giảm bớt khó khăn cho GV không phải đi xa? Vì sao không điều động lâu dài để khỏi phải thực hiện hàng năm gây xáo trộn, thưa ông?
Vấn đề điều động GV thừa sang thiếu sẽ phải thực hiện cho đến khi tuyển đủ người địa phương tại chỗ cho miền núi, song thực tế rất khó. Ngay cả Nghị quyết 146 HĐND tỉnh về luân chuyển GV trước đây rất nhân văn, giúp rất nhiều thầy cô giáo công tác ở miền núi 10 - 12, thậm chí 15 năm có cơ hội về đồng bằng. Nhưng về thì nhiều mà luân chuyển lên rất ít. Thật ra điều chuyển chỉ thời hạn 1 năm học mà đã khó khăn huống gì lâu dài.
Để giúp GV bớt khó khăn, trước mắt, ngành dự kiến tham mưu cho tỉnh thời gian tới điều động theo kiểu tịnh tiến và có chính sách hỗ trợ cho GV. Nhưng đây là điều cũng cân nhắc vì như vậy sẽ gây xáo trộn rất lớn đội ngũ. Về lâu dài, ngành sẽ tham mưu tuyển dụng đủ GV, ổn định cho các trường miền núi và vùng khó khăn.
Phóng viên: - Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.