Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Viết Tường: Tập trung đầu tư trường lớp, giải quyết bài toán thiếu giáo viên

NGỌC ÁNH (thực hiện) 29/08/2023 09:44

Trước thềm năm học mới 2023 - 2024, Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Viết Tường đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam về các giải pháp của ngành trong việc đầu tư cơ sở vật chất trường lớp học, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nâng cao chất lượng dạy - học.

Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Viết Tường trao quyết định tuyển dụng và phân công công tác đối với thí sinh trúng tuyển viên chức giáo viên THPT năm 2022. Ảnh: X.P
Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Viết Tường trao quyết định tuyển dụng và phân công công tác đối với thí sinh trúng tuyển viên chức giáo viên THPT năm 2022. Ảnh: X.P

* Thưa ông, hiện nay cơ sở vật chất nhiều trường xuống cấp, ảnh hưởng rất lớn đến nâng cao chất lượng, xây dựng trường chuẩn. Vậy ngành đã có kế hoạch tham mưu cho tỉnh đầu tư như thế nào?

Ông Thái Viết Tường: Thời gian qua, toàn ngành tập trung rà soát, có kế hoạch sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất, sắp xếp đội ngũ để bước vào năm học mới 2023 - 2024.

Đối với bậc THPT, đã đầu tư hơn 40 tỷ đồng sửa chữa 33 trường THPT, trong đó một số trường đầu tư nguồn kinh phí khá lớn như THPT Trần Cao Vân (Tam Kỳ) 9,6 tỷ đồng, Hùng Vương (Thăng Bình) 2,5 tỷ đồng. Một số trường THPT xây mới như THPT Quế Sơn, Trần Đại Nghĩa (Quế Sơn) nhưng đến nay chưa hoàn thành.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã đầu tư 14 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học lớp 10 năm học 2022 - 2023 và đang triển khai cho lớp 11. Có thể nói, đến nay, cơ sở vật chất trường lớp, đội ngũ giáo viên cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy học.

Tỷ lệ trường đạt chuẩn của tỉnh đến thời điểm này là gần 76%, trong đó mầm non 63%, tiểu học 82%, THCS 72%, còn trường THPT đạt chuẩn thấp nhất mới hơn 45%. Điều đó chứng tỏ việc đầu tư cơ sở vật chất cho trường THPT thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa.

Sở GD-ĐT đang xây dựng đề án nâng cấp, chuẩn hóa trường THPT giai đoạn 2024 - 2030 tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh để có kế hoạch đầu tư bài bản hơn. Đó là về lâu dài, còn trước mắt tập trung nguồn vốn sự nghiệp để sửa chữa, bảo dưỡng trường lớp đáp ứng yêu cầu dạy và học.

* Một trong những khó khăn của ngành hiện nay là thiếu đội ngũ giáo viên (GV). Để khắc phục tình trạng này, giải pháp của ngành là gì và sắp tới có chủ trương tuyển dụng không?

Ông Thái Viết Tường: Chuẩn bị cho năm học mới, ngành chỉ đạo các phòng GD-ĐT, trường học rà soát, sắp xếp đội ngũ. Đối với bậc THPT, sở cũng đang xây dựng kế hoạch điều chuyển khoảng 40 GV từ nơi thừa sang nơi thiếu.

Nếu vẫn còn thiếu, hiệu trưởng nhà trường phải xây dựng kế hoạch giảng dạy hợp lý nhất, phân công GV dạy thêm giờ. Trường hợp vẫn chưa đủ thì hợp đồng GV để giảng dạy, song với yêu cầu đủ chuẩn, GV được tập huấn chương trình mới.

Về việc có tuyển dụng hay không, sở đang tham mưu cho UBND tỉnh kế hoạch tuyển dụng GV trong năm nay để tuyển bổ sung chỉ tiêu biên chế chưa sử dụng hết.

UBND tỉnh đã phân cấp về cho các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyển dụng mầm non, tiểu học, THCS còn sở chỉ lo khối THPT và thời gian qua, đã có 3 địa phương là Điện Bàn, Tam Kỳ, Nam Trà My thực hiện tổ chức thi tuyển riêng. Sắp tới, địa phương nào cảm thấy khó quá, không làm được thì kiến nghị tỉnh sẽ tổ chức thi tuyển chung.

* Bộ GD-ĐT cho biết sẽ điều chỉnh Thông tư 16 quy định về định mức GV/lớp theo hướng tăng lên. Trong khi đó, Quảng Nam lại bố trí tỷ lệ GV/lớp thấp hơn Thông tư 16. Xử lý vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Ông Thái Viết Tường: Để có định hướng chung phát triển sự nghiệp GD-ĐT của tỉnh, sở dự định sẽ tập hợp ý kiến đóng góp và xin chủ trương của tỉnh về xây dựng chiến lược phát triển giáo dục Quảng Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cạnh đó, kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh Quyết định 2428 (4/9/2020) của UBND tỉnh theo hướng trung ương hướng dẫn, quy định thế nào thì địa phương thực hiện như vậy. Ví dụ như tỉ lệ GV/lớp, số lượng nhân viên giáo dục/trường mình thấp hơn quy định của Bộ GD-ĐT nên cần phải tăng lên mới đáp ứng yêu cầu.

* Như ông nhìn nhận, chất lượng đào tạo mũi nhọn của tỉnh có sự phát triển vượt bậc nhưng chất lượng đại trà chưa có sự đột phá. Vậy giải pháp trọng tâm của ngành trong năm học 2023 - 2024 là gì để nâng cao chất lượng giáo dục?

Ông Thái Viết Tường: Giải pháp về lâu dài là chuyển từ xét tuyển trong tuyển sinh lớp 10 sang thi tuyển. Còn trước mắt, tăng cường tập huấn xây dựng kế hoạch, chương trình giảng dạy theo đúng yêu cầu, mục tiêu; nâng chuẩn trình độ đội ngũ GV theo Nghị định 71.

Đồng thời tiếp tục phát động thi đua dạy tốt học tốt trong nhà trường, tạo động lực và môi trường lành mạnh cho các thầy cô phát huy hết năng lực, sở trường, tâm huyết, trách nhiệm.

Một giải pháp quan trọng nữa đó là tăng cường công tác quản lý nhà nước của sở và hiệu trưởng, các đơn vị trong xây dựng kế hoạch, giảng dạy.

Cám ơn ông về cuộc trao đổi này!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Viết Tường: Tập trung đầu tư trường lớp, giải quyết bài toán thiếu giáo viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO