Giám khảo cuộc thi…

AN DÂN 07/08/2015 09:18

Hầu như năm nào cũng vậy, các địa phương, ban ngành, đoàn thể… đều tổ chức các cuộc thi, tuy nhiên vai trò của ban giám khảo lại chưa được coi trọng nên xảy ra tình trạng lời ong tiếng ve…

Để có sự đánh giá khách quan và chính xác trong các cuộc thi, các thành viên ban giám khảo giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc “cầm cân nảy mực” và có tính quyết định sự thành công của cuộc thi. Nhiều cuộc thi vừa diễn ra đã có “lời ra tiếng vào” về ban giám khảo, về sự thiếu công bằng… Ít ai hiểu rằng, do tính chất của cuộc thi nên cơ cấu phòng ban, các đơn vị quản lý cuộc thi, dẫn đến giám khảo nhiều người không đúng chuyên môn nhưng lại phải chấm các nội dung thi mà họ chưa hiểu rộng biết sâu.  Ví dụ như cuộc thi về tuyên truyền pháp luật, có 3 nội dung thi (kiến thức, tài năng, ứng xử), các thành viên ban giám khảo căn cứ vào tiêu chí, đáp án sẽ chấm được hai phần thi kiến thức và ứng xử, nhưng đến phần thi tài năng, nếu thí sinh thi hát, thì các thành viên trong ban giám khảo sẽ khó chấm, bởi không phải ai cũng nắm được hết về kỹ thuật thanh nhạc…

Thiếu giám khảo có chuyên môn cũng là tình trạng phổ biến chung ở nhiều liên hoan, hội thi, hội diễn trên địa bàn tỉnh những năm qua. Bởi thành phần ban giám khảo thường được xây dựng cho đủ ban đủ bệ là chính. Có những giám khảo đang làm việc ở một ngành không liên quan và cũng không am hiểu gì về lĩnh vực hội thi, hội diễn nhưng vẫn ngồi chễm chệ chấm thi, dẫn đến chuyện chấm điểm theo “cảm tính”. Qua nhiều hoạt động thi tài trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ ở các cấp trong tỉnh, việc mời người tham gia ban giám khảo chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến việc chấm điểm khó chính xác như yêu cầu đặt ra. Chấm thi hát, múa mà ban giám khảo không có ai là nhạc sĩ, biên đạo múa, hoặc người có kiến thức về âm nhạc… thì làm sao chấm được? Vì vậy, cho dù kết quả có đúng, hay chưa đúng, nhưng nhìn vào thành phần ban giám khảo, khán giả sẽ đánh giá không tốt về kết quả cuộc thi.

Quảng Nam có 6 huyện miền núi, trong đó có 4 huyện miền núi cao, về phong tục tập quán, văn hóa văn nghệ, cũng như ngôn ngữ của người Cơ Tu, Ca Dong, Xê Đăng, Co… nào có mấy ai am hiểu tường tận? Khi tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan… hay giao lưu văn hóa văn nghệ với đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi, ban tổ chức nên có sự “cơ cấu” hợp lý hơn về thành phần ban giám khảo. Có nghĩa là, trong ban giám khảo  cần có sự tham gia của các nghệ nhân đồng bào dân tộc bản địa, hay các nhà nghiên cứu về văn nghệ, văn nghệ dân gian đồng bào dân tộc thiểu số, hoặc những cán bộ văn hóa có uy tín, sâu sát thực tế đời sống văn hóa đồng bào vùng cao. Như vậy, các hội thi, hội diễn, liên hoan mới đảm bảo được tính khách quan, công bằng, tạo động lực thúc đẩy phong trào ở các địa phương…

Ông bà ta có câu: “Liệu tài bố sức, liệu lực làm quan”. Những người được ban tổ chức mời tham gia ban giám khảo, nếu thấy mình không am hiểu về nội dung, lĩnh vực mà cuộc thi đề cập thì cũng nên từ chối thẳng thừng, đừng vì lý do nọ kia mà nhận lời để rồi tạo ra những dư luận chẳng mấy hay ho khi hội thi, hội diễn kết thúc…

AN DÂN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giám khảo cuộc thi…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO