Giảm nghèo bền vững: Cơ hội và thách thức (bài 1)

DIỄM LỆ 07/07/2014 09:29

Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015 của Quảng Nam đã đi gần hết chặng đường. Hàng loạt chính sách giảm nghèo của các cấp đã tạo cơ hội lớn cho người nghèo vươn lên. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo hiện vẫn còn nhiều thách thức; trong đó, có cả tình trạng không ít hộ dân có tư tưởng dựa dẫm vào chính sách hỗ trợ nên không muốn thoát nghèo.

Cần đánh giá toàn diện để có tác động đúng vào nguyên nhân, giúp người nghèo thoát nghèo bền vững.  Trong ảnh: Trao phương tiện sản xuất cho hộ nghèo là cách làm hiệu quả đang được nhiều địa phương áp dụng. Ảnh: D.L
Cần đánh giá toàn diện để có tác động đúng vào nguyên nhân, giúp người nghèo thoát nghèo bền vững. Trong ảnh: Trao phương tiện sản xuất cho hộ nghèo là cách làm hiệu quả đang được nhiều địa phương áp dụng. Ảnh: D.L

BÀI 1: NHẬN DIỆN CÁI NGHÈO

Năm 2013, Quảng Nam có 14,91% số hộ nghèo, cao hơn mức bình quân của cả nước (7,6%). Tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 11 (khóa VIII), khai mạc vào ngày 9.7 tới, UBND tỉnh sẽ trình Đề án “Thực hiện chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững giai đoạn 2014 - 2015”.

Nghèo để được hưởng lợi!

Đi và nghe mới thấy rằng tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào chính sách của Nhà nước đã ăn sâu trong tiềm thức một bộ phận người dân. Nhiều trường hợp không muốn thoát nghèo vì sợ không còn được hưởng các chính sách hỗ trợ.

Theo khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đối với 89 hộ có điều kiện thoát nghèo, có 64 ý kiến (chiếm 74,4%) không muốn thoát nghèo do không muốn bị cắt các chính sách hỗ trợ lâu nay, nhất là các chính sách y tế, giáo dục.

Thôn 3, xã Phước Đức (huyện Phước Sơn) tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 là 97,73%, sang năm 2012 rồi 2013 vẫn giữ mức 96,23% với 49 hộ nghèo trong tổng số 51 hộ toàn thôn. Hộ bà Trần Thị Ly Em có 4 người, bà vẫn còn lao động được nhưng các con không có việc làm hoặc đi làm được vài bữa lại về nhà chơi, không thích lao động nên vẫn nằm trong diện hộ nghèo. Bà Em lý giải nguyên nhân “nghèo bền vững” của gia đình như sau: “Nghèo nên được Nhà nước hỗ trợ cây con giống, được cấp thẻ bảo hiểm, con đi học không tốn tiền, tết đến được nhận tiền, quà. Nhà nước cho nhiều nhưng mà nghèo mới cho. Hết nghèo hết được hỗ trợ, thôi thì nghèo sướng hơn!”.

Tâm lý “muốn nghèo” ở đồng bằng cũng lắm chuyện bi hài. Cuối năm 2013, gia đình bà Hồ Thị Loan (thôn 2, xã Quế Cường, huyện Quế Sơn) được bình xét thoát nghèo, chuyển qua diện cận nghèo. Tưởng bà Loan sẽ vui mừng vì đã thoát nghèo, ai ngờ bà không hề hài lòng. Khi chúng tôi đến thôn 2 gặp bà, ngỡ là cán bộ giảm nghèo đi bình xét lại, bà Loan phân bua: “Tôi thì đau ốm miết, con cái việc làm không ổn định, gia đình tôi sao mà thoát nghèo được. Mấy cô chú ở tỉnh coi cho tôi xin vô lại hộ nghèo, mà chắc nghèo miết chứ không thoát được đâu”. Ở cùng thôn 2, bà Nguyễn Thị Tấn cũng thoát nghèo qua cận nghèo nhưng xin vô lại hộ nghèo với lý giải: “Cho tôi vô lại hộ nghèo để con học xong đã. Ở hộ nghèo nó mới được miễn học phí. Khi nào con tôi học xong, có việc làm tôi sẽ cố gắng thoát nghèo”.

Tréo ngoe là, một bộ phận hộ nghèo có điều kiện nhưng không muốn thoát nghèo, trong khi đó có nhiều hộ nghèo mong muốn thoát nghèo lại không đủ khả năng. Như trường hợp ông Lý Văn Lựu ở thôn 1, xã Tiên Sơn (huyện Tiên Phước) bị tai nạn phải ngồi xe lăn. Dù vậy, vợ chồng ông luôn quyết tâm phải vươn lên thoát nghèo. Được hỗ trợ cặp bò từ chương trình “Lục lạc vàng”, đến nay bò đã sinh lứa thứ hai nhưng vẫn chưa thể giúp vợ chồng ông Lựu thoát nghèo. Hiểu được quyết tâm của vợ chồng ông Lựu, xã Tiên Sơn đã quyết định trợ sức thêm cho gia đình ông một lần nữa bằng số gà từ Chương trình hỗ trợ giảm nghèo của tỉnh. Đàn gà có hao hụt nhưng ông Lựu đã bán được gà và đầu tư lứa gà mới. Ông Lựu chia sẻ: “Bản thân bây giờ ngồi xe lăn nên tôi không thể làm gì được nhiều. May được hỗ trợ đàn gà, tôi có thể ở nhà chăm sóc, giúp vợ kiếm thêm thu nhập. Vợ chồng tôi sẽ cố gắng làm ăn để thoát nghèo, không phụ sự giúp đỡ tận tình của Nhà nước cũng như bà con hàng xóm”. Hay như hộ Đinh Tài (thôn 4, xã Quế Cường, huyện Quế Sơn) có 6 nhân khẩu, có sức lao động nhưng con cái không có việc làm ổn định, gia đình lại không có đất để canh tác nên chưa thể thoát nghèo. “Dĩ nhiên là tôi muốn thoát nghèo, chứ nghèo sướng chi, nhưng muốn mà không thoát được” - ông Tài nói.

Cần đánh giá toàn diện

Việc phân tích nguyên nhân nghèo trong điều tra hộ nghèo đã được triển khai trong toàn tỉnh, nhưng không phải xã nào cũng làm được điều này, vì phụ thuộc vào năng lực của cán bộ xã, cùng với ý thức phối hợp của người nghèo. Trong nhiều cuộc họp về giảm nghèo, các thành viên Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh sau khi khảo sát các địa phương đều cho rằng, cần phân tích nguyên nhân cụ thể, thiếu cái gì tác động đến cái đó để giúp người dân thoát nghèo. Nếu người dân nghèo vì lý do giáo dục thì tác động cho con cái họ đi học; nghèo vì thiếu việc làm sẽ cố gắng tạo việc làm; nghèo vì thiếu đất, vốn sản xuất hay không biết phương thức làm ăn, sẽ giúp theo từng nguyên nhân cụ thể. Nghĩa là muốn tác động giảm nghèo, phải tác động toàn diện và thực chất, và điều này chỉ cán bộ ở cơ sở, trực tiếp gặp dân, gần dân mới hiểu được nguyên nhân nào, thực chất của vấn đề nghèo ra sao.

Khó từ tiêu chí bình xét hộ nghèo

Tiêu chí bình xét hộ nghèo tính theo thu nhập như hiện nay đang gây khó cho người làm công tác điều tra, khảo sát hộ nghèo, bởi rất khó để xác định thu nhập của người dân. Thu nhập chỉ chênh nhau 1.000 đồng là đã ở hộ nghèo hoặc cận nghèo (khu vực nông thôn, thu nhập từ 400 nghìn đồng/người/tháng trở xuống là hộ nghèo, từ 401 nghìn đồng/người/tháng trở lên là hộ cận nghèo; thành thị 500 nghìn đồng/người/tháng là hộ nghèo). Ông Nguyễn Long - Trưởng thôn 2, xã Quế Cường (huyện Quế Sơn) nói: “Trong điều tra, chủ yếu dựa vào mắt thường, rồi hỏi han người dân mà tính thu nhập thì không thể nào chính xác được. Khổ nỗi, thu nhập chỉ chênh nhau 1.000 đồng, biết tính thế nào. Người dân được nghèo thì rất vui vẻ, không được nghèo khó chịu ra mặt”. Tiêu chí bình xét như trên vô hình trung trở thành áp lực đối với cán bộ điều tra, và trong điều tra cũng còn vị nể tình làng nghĩa xóm nên kết quả khảo sát ở nhiều nơi không phản ánh đúng thực trạng nghèo.

Xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) là một trong số ít xã của tỉnh làm được việc phân tích nguyên nhân nghèo trong điều tra hộ nghèo một cách thực chất. Năm 2013, Tam Thăng có 150 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 7,09%. Trong 150 hộ nghèo này, có 78 hộ nghèo do ốm đau nặng, 23 hộ nghèo do già cả neo đơn, còn lại nghèo do thiếu lao động, đông người ăn theo, không có việc làm, thiếu đất sản xuất... Ông Lê Đình Nho - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thăng nói: “Khi chia nghèo theo các nguyên nhân như thế, địa phương sẽ xác định được những phương thức cũng như giải pháp tác động giúp người dân thoát nghèo bền vững, nhất là với các nhóm thiếu việc làm, thiếu đất sản xuất. So với năm 2011 (13,19% số hộ nghèo), năm 2013 số hộ nghèo của Tam Thanh đã giảm, tuy chưa đáng kể nhưng đánh giá đúng thực chất cái nghèo trên địa bàn”.

Tam Thăng chỉ là một điển hình trong chương trình giảm nghèo được TP.Tam Kỳ xây dựng riêng cho mình. Nhờ đánh giá toàn diện, chia nhóm và tác động vào từng nguyên nhân nên Tam Kỳ giảm nghèo khá nhanh, từ 6,33% năm 2011 xuống còn 3,57% năm 2013. Đặc biệt, “cam kết thoát nghèo bền vững” trở thành chỉ tiêu thi đua hằng năm của mỗi xã, phường trên địa bàn thành phố. Cùng với địa phương, sự vào cuộc tích cực của các hội đoàn thể tạo cho người nghèo ý thức vươn lên, tự tin hơn trong hành trình vượt nghèo. Từ hiệu quả thực tế, thời gian qua, Tam Kỳ tiếp tục phát huy mô hình hỗ trợ phương tiện sản xuất trực tiếp cho hộ nghèo; phân công các đơn vị nhận đỡ đầu giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo; đồng thời lồng ghép nhiều chương trình, dự án cùng phục vụ mục tiêu giảm nghèo. Qua khảo sát điều tra, đối với hộ chây lười lao động, Tam Kỳ kiên quyết không đưa vào diện hộ nghèo.

______________________
Bài 2: Chính sách nhiều, hiệu quả thấp

DIỄM LỆ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giảm nghèo bền vững: Cơ hội và thách thức (bài 1)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO