Giảm nghèo cho miền núi: Cần giải pháp đồng bộ

ĐĂNG NGUYÊN - PHƯƠNG GIANG 17/11/2016 08:21

(QNO) - Ngoài biến thách thức thành cơ hội để phát triển, các địa phương miền núi cần phải tiếp tục nỗ lực giảm nghèo bền vững bằng chính tiềm năng và lợi thế vốn có, hạn chế thấp nhất tâm lý trông chờ, ỷ lại vào chính sách ưu tiên của Nhà nước.

Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng miền núi tạo động lực phát triển kinh tế xã hội. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng miền núi tạo động lực phát triển kinh tế xã hội. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Nhiều thách thức

Trong một cuộc họp bàn về giảm nghèo ở miền núi mới đây, nhiều ý kiến cho rằng lâu nay mặc dù luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư, hỗ trợ phát triển cho miền núi, nhưng so với thực tế vẫn còn chưa đủ lực để các địa phương vực dậy giảm nghèo bền vững. Nhiều chương trình, dự án dù được triển khai lồng ghép song trên thực tế lại không đem hiệu quả cao như mong muốn, gây tốn kém nhiều ngân sách. Vì thế, xây dựng cơ chế đồng bộ, mang tính đột phá trong việc đầu tư cho miền núi được xem là một trong những lời giải hữu hiệu về “bài toán” giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) hiện nay.

Theo bà Lê Thị Thủy - Trưởng ban Dân tộc tỉnh, so với nhiều năm trước miền núi bây giờ đã phát triển hơn rất nhiều, giao thông đi lại được thuận tiện, cơ sở hạ tầng dần được đầu tư đồng bộ. Tuy vậy, so với mặt bằng chung của tỉnh, nhiều địa phương miền núi có tỷ lệ hộ nằm trong diện đói nghèo vẫn còn khá cao, nhất là các hộ đồng bào DTTS thuộc các huyện… chuẩn nghèo. “Trong khi đó, tình trạng một bộ phận không nhỏ người dân ở các bản làng có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào các dự án, chương trình, chính sách ưu tiên của Nhà nước cho vùng DTTS vẫn chưa thể xóa bỏ triệt để; thêm vào đó là ý thức tự thân vươn lên của đồng bào chưa cao; điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn,… đang trở thành rào cản trong phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi” - bà Thủy nêu thực trạng ở miền núi hiện nay.

Là một trong những địa phương “nghèo nhất nước”, khởi điểm của Nam Trà My được đánh giá khá thấp so với nhiều địa phương miền núi khác. Hơn 115 khu tái định cư cần được đầu tư trong nay mai cho thấy nhu cầu bức thiết về ổn định đời sống của người dân địa phương còn rất lớn. Mục tiêu là vậy, nhưng để triển khai xây dựng mặt bằng dân cư tại Nam Trà My trở nên khó khăn, cả về nguồn vốn lẫn kế hoạch triển khai. Rất nhiều ý kiến băn khoăn, với địa thế hiểm trở của Nam Trà My sẽ rất khó để áp dụng mô hình bố trí, sắp xếp dân cư tập trung như thành công của Tây Giang. Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Nguyễn Thế Phước từng chia sẻ rằng, hệ lụy do người dân địa phương lười lao động, không chịu làm ăn để phát triển kinh tế đã dẫn đến tình trạng đói nghèo thường xuyên. Ông Phước nêu dẫn chứng, ở nhiều nóc hàng ngày chỉ người già và phụ nữ làm công việc gia đình, còn thanh niên ngồi không, thậm chí chỉ bầu bạn với rượu chè. Chính quan niệm lạc hậu “làm bữa nào ăn bữa đó” của không ít người dân vùng cao đã dẫn đến sự thiếu động cơ để phát triển, cũng như chưa có mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.

Thách thức của miền núi cũng được xem là trở lực lớn khiến kinh tế - xã hội của các địa phương chưa thể vực dậy. Vì thế, tập trung tìm cách đánh thức tiềm năng, đón đầu lợi thế và tạo liên kết làm động lực vùng, cũng như biến thách thức trở thành cơ hội phát triển cho miền núi,… là những mục tiêu đang được các ngành, các địa phương hướng đến.

Tạo sinh kế cho người dân miền núi, chiến lược “hóa giải” thách thức đặc trưng của vùng. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Tạo sinh kế cho người dân miền núi, chiến lược “hóa giải” thách thức đặc trưng của vùng. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Cần chiến lược đầu tư

Nghị quyết 05-NQ/TU của Tỉnh ủy ban hành ngày 17.8.2016 về phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với định hướng thực hiện một số dự án lớn tại vùng tây Quảng Nam giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 được kỳ vọng sẽ là chiến lược phù hợp để miền núi phát triển thành động lực kinh tế vùng. Theo đó, ngoài những chương trình, dự án mang tính đột phá, cần tạo thêm động lực thúc đẩy trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và tập trung huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững.

Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế và ngân sách HĐND tỉnh (nguyên Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh) cho rằng, xen giữa các tiềm năng và lợi thế đặc trưng của vùng, miền núi có những thách thức cần được “hóa giải” tạo nên cơ hội phát triển. “Liều thuốc” cho vấn đề trên, theo ông Đức ngoài tiếp tục nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách mới, chính sách đặc thù vùng miền núi; cần có sự liên kết giữa các địa phương, các vùng.

Trong đó, tập trung lồng ghép, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn để thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội miền núi, nhất là chú trọng tăng nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, hình thành các tổ hợp tác, mô hình liên kết tại vùng trồng cây dược liệu và đẩy mạnh hơn nữa cơ chế ưu đãi để thu hút tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư về nông nghiệp, nông thôn miền núi. “Chính sách đầu tư cho miền núi trong những năm qua khá lớn, nhưng hiệu quả lại chưa đạt được như mục tiêu đề ra. Do vậy, cần thêm nhiều cơ chế chiến lược trong đầu tư để tạo sự bứt phá, đưa miền núi phát triển toàn diện theo tinh thần các nghị quyết đã đề ra” - ông Đức nói.

Tập trung phát triển dược liệu dưới tán rừng - mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cho miền núi. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Tập trung phát triển dược liệu dưới tán rừng - mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cho miền núi. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Theo Nghị quyết 05-NQ/TU, giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025, đồng loạt các dự án lớn của tỉnh sẽ được thực hiện tại miền núi, chủ yếu tập trung thực hiện các nhóm dự án sắp xếp, bố trí dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới; nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, khai thác sản phẩm dưới tán rừng và phát triển du lịch cộng đồng trên nền tảng khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử, sinh thái, các sản phẩm làng nghề, ngành nghề nông thôn và các sản phẩm đặc trưng về nông, lâm nghiệp miền núi. Mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi giảm còn 7% theo nghị quyết.

Để đạt được mục tiêu trên, đòi hỏi hàng năm tỷ lệ hộ nghèo ở miền núi phải giảm xuống 7%/năm theo chuẩn mới. Đồng hành với các nhóm dự án lớn theo Nghị quyết 05-NQ/TU, còn là hàng loạt các chương trình, dự án khác đã, đang và sẽ tiếp tục được triển khai theo Nghị quyết 55/2012/QN-HĐND tỉnh về chương trình tổng thể phát triển kinh tế xã hội miền núi giai đoạn 2013 - 2016 và định hướng đến năm 2020. Chủ trương về chính sách đầu tư đã có, cơ chế hỗ trợ đã được hoạch định và ban hành, nhưng việc triển khai có hiệu quả hay không còn phải đợi từ các chiến lược đầu tư của các ngành, các địa phương để miền núi xóa dần “tàn tích chuẩn nghèo”.

ĐĂNG NGUYÊN - PHƯƠNG GIANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giảm nghèo cho miền núi: Cần giải pháp đồng bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO