Nhiều dự án giảm nghèo cho người dân các huyện miền núi như hỗ trợ cây trồng, con vật nuôi đã đem lại hiệu quả, song thực tiễn cũng đặt ra muốn giảm nghèo bền vững, Nhà nước cần triển khai các chính sách đồng bộ và hướng đến giải pháp lâu dài.
Khai thác kinh tế bản địa
Các chính sách, chương trình giảm nghèo triển khai ở miền núi thời gian qua, gần như tập trung vào khâu cung cấp phương tiện, công cụ sản xuất cho người nghèo. Tại xã vùng cao Trà Nam (Nam Trà My), đầu tháng 9, Ban Quản lý dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên đã trao hàng chục con dê cho 10 hộ nghèo của xã, qua đó cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nuôi dê sinh sản cho người nuôi. Với lợi thế đất đồi núi, nương rẫy rộng lớn, đồng bào nơi đây có thể phát triển mạnh mô hình nuôi dê theo hướng thâm canh. Cán bộ dự án địa phương cho biết, nếu nuôi đúng kỹ thuật, con dê hoàn toàn sinh lợi trong vài năm đến. Qua công cụ hỗ trợ này, bà con dần thay đổi phương pháp làm ăn. Với phương châm hỗ trợ là một chuyện, thoát nghèo là chuyện khác, nên cán bộ thường xuyên đến cơ sở kiểm tra, giám sát từng mô hình. Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên thực hiện tại 5 xã của huyện Nam Trà My gồm Trà Mai, Trà Vân, Trà Vinh, Trà Don, Trà Nam trong vòng 4 năm 2015 - 2019. Trong 4 hợp phần phát triển thì Nhà nước cũng chỉ hỗ trợ phát triển sinh kế bền vững chỉ gần 2 tỷ đồng, còn lại hơn 12 tỷ đồng chủ yếu đầu tư kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực và truyền thông cơ sở...
Cây chuối mốc được xem như cây giảm nghèo bền vững ở một số huyện miền núi. Ảnh: T.N |
Một trong những mô hình giảm nghèo ổn định ở Nam Trà My là phát triển cây chuối mốc bản địa. Không hỗ trợ nhiều về tiền của, những năm trước đây, địa phương vận động, tuyên truyền đồng bào Ca Dong, Xê Đăng mạnh dạn phát triển loại cây này. Nhiều lớp tập huấn và chuyển giao kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất triển khai ngay tại cơ sở. Cán bộ đã đến từng nóc, thôn “cầm tay chỉ việc”. Những đồi rừng bỏ hoang một thời giờ đã phủ kín bởi vườn chuối xanh um. Từ chỉ có vài chục hộ, đến nay có ít nhất 1.700 hộ trên địa bàn trồng chuối với diện tích hơn 150ha. Cây chuối là cây trồng “lấy ngắn nuôi dài” hiệu quả do thu hoạch được nhiều vụ trong năm, lại trồng xen canh. Ngành nông nghiệp địa phương khẳng định, điểm sáng là trên rất nhiều đất nương rẫy năng suất thấp, đồng bào đã chuyển hẳn sang trồng cây chuối mốc. Hộ ông Đinh Bá Phú (xã Trà Cang, Nam Trà My) trồng gần 1.500 cây chuối trên 1ha. Qua một năm, ông Phú thu về ít nhất 30 triệu đồng, nhiều năm gia đình có kinh tế ổn định. Theo UBND huyện Nam Trà My, trên lĩnh vực trồng trọt, tiếp tục ưu tiên nhân rộng mô hình trồng cây chuối mốc, kết hợp bảo tồn các loại cây bản địa khác như quế, sâm Ngọc Linh…
Điều chỉnh chính sách
Với nguồn lực giới hạn, Nhà nước không thể nào “bao cấp” mãi cho người nghèo. Thực tế, thời gian qua, các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Tây Giang rất linh hoạt trong hỗ trợ người nghèo. Ví như khảo sát, căn cứ vào nhu cầu cụ thể của từng người, từng hộ nghèo mà có phương án thoát nghèo phù hợp. Tuy nhiên, từ việc huy động các nguồn đóng góp khác nhau, các địa phương chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu hộ nghèo thoát nghèo.
“Cần cấp thiết bổ sung cơ chế, chính sách giảm nghèo theo hướng tập trung chính sách, nguồn lực, đặc biệt sẽ tiến tới giảm dần chính sách “cho không”, tăng dần chính sách hỗ trợ có điều kiện...”. (Ông Nguyễn Đức, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh) |
Theo phân tích của nhiều huyện miền núi, công tác giảm nghèo thời gian qua gặp phải trở ngại, hiệu quả chưa cao do cơ chế, chính sách có sự chồng chéo, không “gặp nhau” giữa nguồn lực và tổ chức thực hiện. Chẳng hạn, các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Chương trình 135 và Nghị quyết 30a, Nghị quyết 80 về định hướng giảm nghèo bền vững chưa tạo sự liên kết giảm nghèo. Giữa các chính sách này có sự chồng chéo về đối tượng thụ hưởng, nội dung hỗ trợ và thời gian hỗ trợ, trong đó có nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp, cho không. Điều này dẫn đến tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước của đồng bào. Nói đúng hơn, chính sách chỉ cho người nghèo “xâu cá” chứ không cho “cần câu”.
Ông Nguyễn Đức, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh (nguyên Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh) từng đề xuất, hệ thống chính sách giảm nghèo phải khẩn trương rà soát nhằm loại bỏ chính sách trùng lặp, chồng chéo và kịp thời bổ sung, sửa đổi các chính sách không còn phù hợp với địa phương. Trong đó, cấp thiết bổ sung cơ chế, chính sách giảm nghèo theo hướng tập trung chính sách, nguồn lực, đặc biệt sẽ tiến tới giảm dần chính sách “cho không”, tăng dần chính sách hỗ trợ có điều kiện. Điều quan trọng cần giúp cho người dân cách thức thoát nghèo thông qua các hoạt động đào tạo nghề, cho vay vốn sản xuất kinh doanh, tạo ra vùng sinh kế bản địa bền vững...
Giảm nghèo ổn định qua chính sách bảo vệ rừng Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 75/2015/NĐ-CP về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020. Cụ thể, về hỗ trợ khoán bảo vệ rừng, người nhận khoán được hỗ trợ 400 nghìn đồng/ha/năm. Hạn mức diện tích rừng nhận khoán tối đa là 30ha/hộ. Đối với hỗ trợ bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung, mức hỗ trợ bảo vệ rừng là 400 nghìn đồng/ha/năm; hỗ trợ trồng rừng bổ sung, mức hỗ trợ theo thiết kế - dự toán, tối đa không quá 1,6 triệu đồng/ha/năm trong 3 năm đầu và 600 nghìn đồng/ha/năm cho 3 năm tiếp theo. Chủ tịch UBND tỉnh quyết định mức hỗ trợ cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Về hỗ trợ trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ, mức hỗ trợ 5 - 10 triệu đồng/ha/năm để mua cây giống, phân bón và chi phí một phần nhân công bằng tiền đối với trồng cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ tùy theo chu kỳ kinh doanh của loài cây trồng theo thiết kế - dự toán. Các hộ tham gia trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng phòng hộ được trợ cấp 15 kg gạo/nhân khẩu/tháng hoặc bằng tiền tương ứng tại thời điểm trợ cấp trong thời gian chưa tự túc được lương thực, tối đa không quá 7 năm… |
TRẦN NGUYỄN