Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Nông Sơn giảm mạnh từ 54,46% (năm 2015) xuống còn 29,59%. Tuy nhiên, có được kết quả này, không phải vì địa phương có sự phát triển vượt bậc về kinh tế, mà là sau khi áp dụng phương thức khảo sát, điều tra hộ nghèo theo cách tiếp cận đa chiều.
Giảm gần 50% số hộ nghèo
Thời gian qua, UBND huyện Nông Sơn đã chú trọng triển khai thực hiện các chương trình giảm nghèo bền vững theo hướng hạn chế việc cho “xâu cá” mà áp dụng trao “cầu câu”. Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả đã được nhân rộng trên địa bàn, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, là một địa phương có xuất phát điểm thấp, quá trình triển khai các chương trình giảm nghèo chưa thật sự hiệu quả, vì vậy đến cuối năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo của huyện Nông Sơn vẫn còn ở mức rất cao: 54,46%.
Nhiều hộ dân tại Nông Sơn được hỗ trợ sinh kế đã tự vươn lên thoát nghèo bền vững.Ảnh: VINH GIANG |
Theo ông Phạm Phú Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương cao có một phần nguyên do là tiêu chí bình xét hộ nghèo trước đây chưa cụ thể, dẫn đến tình trạng tồn tại một nhóm hộ nghèo theo danh sách nhưng trên thực tế lại không... nghèo. Từ khi nhận được quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cập đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch cụ thể về việc rà soát hộ nghèo, cận nghèo hàng năm theo tiêu chuẩn mới của UBND tỉnh, chính quyền huyện Nông Sơn đã tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, nghiêm túc nhằm xác định đúng tỷ lệ hộ nghèo thực chất. Các lớp tập huấn về công tác điều tra rà soát hộ nghèo theo tiêu chí mới được tổ chức kỹ lưỡng cho cán bộ ở từng xã.
Ông Nguyễn Đình Tân - Chủ tịch UBND xã Quế Lộc cho biết, sau khi được tập huấn về công tác rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều, địa phương đã thành lập các tổ điều tra phụ trách ở từng thôn. Theo quy trình, khi điều tra viên hoàn thành việc điều tra, khảo sát và chấm điểm từng hộ thì kết quả này sẽ được niêm yết ở nhà sinh hoạt văn hóa thôn 15 ngày cho nhân dân theo dõi và ghi nhận ý kiến. Dựa trên kết quả niêm yết này, các thôn cũng tổ chức họp những người có uy tín để lấy ý kiến về kết quả bình xét, rồi lập danh sách chính thức báo về cho UBND xã phê duyệt và công bố cho nhân dân được biết. Kết quả điều tra theo chuẩn đa chiều đã đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã Quế Lộc giảm mạnh từ 53,41% năm 2015 xuống còn 22,65% hiện nay. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh sau khi tổ chức điều tra rà soát theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều không chỉ diễn ra ở xã Quế Lộc mà trên toàn huyện Nông Sơn. Điều đó dẫn đến kết quả, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Nông Sơn từ 54,46% năm 2015 giảm xuống còn 29,59% năm 2016 (giảm 24,87%), tương đương với số hộ nghèo trên địa bàn giảm đi gần một nửa.
Tiêu chí chưa sát thực tế
Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoàng Minh, các tiêu chí đánh giá, bình xét hộ nghèo theo chuẩn mới bộc lộ nhiều bất cập. Điều này dẫn đến khoảng cách giữa người dân và cán bộ điều tra hộ nghèo thêm giãn ra. Người dân thì luôn tìm cách đối phó, còn cán bộ thì mất nhiều công sức đi điều tra, phúc tra kết quả. Riêng đối với công tác giảm nghèo, vì chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo nhiều nên tâm lý người dân vẫn còn trông chờ, ỷ lại. Thời gian tới, tỉnh sẽ quyết liệt hơn nữa trong công tác giảm nghèo, bằng những chính sách hỗ trợ trực tiếp giúp người dân phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững. |
Trao đổi về kết quả giảm nghèo của địa phương trong năm 2016, ông Phạm Phú Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho rằng, từ kết quả giảm nghèo của năm qua cho thấy tín hiệu đáng phấn khởi. Bởi kết quả này đã loại bỏ được nhóm hộ nghèo không thực chất vốn tồn tại lâu nay. Tuy nhiên, với bộ tiêu chí mới, việc chấm điểm dựa trên các cơ sở vật chất cơ bản cũng tồn tại nhiều bất cập, dẫn đến tâm lý thắc mắc, so bì của nhiều hộ dân địa phương. “Ví dụ, một hộ có chiếc xe máy cũ, giá trị thấp nhưng điểm số quy đổi cũng bằng với hộ sở hữu chiếc xe máy đắt tiền. Hoặc một hộ có điều kiện kinh tế nhưng không sắm sửa tài sản cơ bản thì điểm số chung vẫn thấp và ngược lại. Chính những điểm này mà trong thời gian qua, tại địa phương xuất hiện luồng dư luận không đúng về quá trình điều tra, rà soát hộ nghèo của các cán bộ làm công tác này, dù chúng tôi đã nhiều lần tuyên truyền, giải thích cho người dân” - ông Thủy nói.
Đơn cử, trường hợp hộ bà Nguyễn Thị Truyền (SN 1987, ở thôn Trung Phước 3, xã Quế Trung) trước đây thuộc hộ nghèo. Chồng bà Truyền làm nghề lái xe đường dài nhưng thời gian qua bị bệnh nên không thể tiếp tục công việc. Cuối năm 2016, bà Truyền vay vốn từ ngân hàng chính sách huyện Nông Sơn 30 triệu đồng, rồi xoay xở thêm 35 triệu đồng để mua chiếc xe tải nhỏ đã qua sử dụng trị giá 65 triệu đồng và vay mượn người quen 17 triệu đồng để tân trang chiếc xe. Như vậy, dù sở hữu chiếc xe tải nhỏ nhưng bà Truyền cũng gánh trên người số nợ hơn 80 triệu đồng.
Theo tiêu chí đánh giá tiếp cận đa chiều, chiếc xe tải được quy đổi ra 50 điểm, cộng dồn các tiêu chí thì hộ bà Truyền được chấm tổng điểm 125. Với số điểm này, bà Truyền bị loại ra khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương. Bởi theo quy định của bộ tiêu chí mới, hộ có từ 120 điểm trở lên không thuộc diện nghèo. Vì vậy, bà Truyền thắc mắc và có đơn gửi lên xã, huyện đề nghị xem xét. Cũng vì có nhiều trường hợp tương tự, nên sau khi danh sách hộ nghèo, cận nghèo được niêm yết công khai, tại các địa phương xuất hiện nhiều tình trạng xin phúc tra lại kết quả. Ông Nguyễn Đình Tân - Chủ tịch UBND xã Quế Lộc nói: “Các trường hợp xin phúc tra chúng tôi đều tiếp nhận và cử điều tra viên đi điều tra, đánh giá lại. Tuy nhiên, kết quả vẫn không thay đổi. Chúng tôi đã phải đến từng hộ giải thích cho người dân hiểu nhằm tránh tâm lý thắc mắc, so bì, bức xúc”.
Theo ông Thủy, tình trạng nhiều hộ dân xin phúc tra lại kết quả rà soát chuẩn nghèo cho thấy sự bất cập trong việc áp dụng bộ tiêu chí điều tra đa chiều. “Nhiều cán bộ, điều tra viên cảm thấy trăn trở với bức xúc của người dân trong thời gian qua. Dù các tiêu chí đánh giá cho thấy có sự bất cập, chưa phản ánh sát thực tế hoàn cảnh các trường hợp được rà soát, đánh giá, nhiều gia cảnh khó khăn thật sự nhưng căn cứ theo bộ tiêu chí mới thì không thể thực hiện “du di” như trước kia. Vừa rồi, chúng tôi đã kiến nghị lên cấp trên về việc cần điều chỉnh bộ tiêu chí rà soát chuẩn nghèo theo cách tiếp cận đa chiều sao cho hợp lý hơn” - ông Thủy nói thêm.
PHAN VINH - HÀN GIANG