Những năm gần đây, việc đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) dần trở nên quen thuộc với nhiều lao động ở các huyện miền núi của tỉnh. Dần quen với tác phong làm việc công nghiệp, tính kỷ luật cao của các thị trường, hiểu biết rõ về pháp luật tại các nước đã giúp người lao động đáp ứng tốt hơn công việc tại các doanh nghiệp và giúp họ có nguồn thu nhập ổn định. Nhiều lao động và gia đình có người đi XKLĐ nhờ vào nguồn thu nhập ổn định đã từng bước vươn lên thoát nghèo.
Thoát nghèo nhờ đi XKLĐ
Trước đây, gia đình ông Bling Tăng, thôn Pơrning, xã Lăng (Tây Giang) thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Tuy nhiên, hiện nay hộ ông Bling Tăng đã thoát khỏi hộ nghèo, kinh tế ổn định, trong nhà đã mua sắm nhiều vật dụng đắt tiền. Ông Bling Tăng cho biết, kinh tế gia đình khấm khá nhờ nguồn thu nhập của con trai mình là Bling Nhương đang lao động tại Malaysia gửi về. Sau khi hoàn thành 3 năm hợp đồng tại Malaysia, anh Bling Nhương tiếp tục được doanh nghiệp nước sở tại hợp đồng thêm 2 năm lao động với mức thu nhập khá ổn định. Ông Bling Tăng cho biết thêm, con ông đi XKLĐ tại Malaysia đến tháng 8.2016 hết hợp đồng, thu nhập rất ổn định. “Từ trước đến giờ con tôi gửi về hơn 200 triệu đồng. Gia đình tôi đầu tư trồng 3ha cao su, mua bò, mua máy cắt cỏ để sản xuất, nhờ đó kinh tế đã ổn định. Tôi cũng đã gửi 130 triệu đồng trong ngân hàng làm vốn để sau này con tôi về lập nghiệp” - ông Bling Tăng vui mừng chia sẻ.
Đại diện của Công ty Shoruber Malaysia trực tiếp tuyển lao động tại huyện Tây Giang. Ảnh: TRẦN ĐỨC |
Cũng từ nguồn vốn tích lũy được sau thời gian đi XKLĐ tại Hàn Quốc, vợ chồng anh Arâl Nhước và chị Arâng Thị A Lá ở xã A Nông (Tây Giang) đang tính toán đầu tư trang trại nuôi heo. Anh Nhước cho hay, trong 3 năm lao động tại Hàn Quốc, mức thu nhập anh nhận được khá cao từ một doanh nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp, khi đã thành thạo công việc họ trả công gần 40 triệu đồng/tháng. Anh Arâl Nhước chia sẻ, lúc đầu qua bên đó bản thân làm việc còn nhiều bỡ ngỡ, lúng túng vì không quen tác phong làm việc của họ, nhưng dần dần cố gắng thì cũng đáp ứng được yêu cầu. “Nhờ cố gắng, chăm chỉ học hỏi, thu nhập của tôi cũng dần tăng lên hàng tháng theo chất lượng công việc” - anh Nhước nói. Hiện nay, vợ chồng anh Nhước đang chờ địa phương xem xét đồng ý để có thể đầu tư xây dựng trang trại heo, vì mô hình kinh tế này phải đáp ứng được điều kiện vệ sinh môi trường và phải xa khu dân cư. “Đây cũng là ấp ủ nhiều năm của tôi khi quyết định đi XKLĐ” - anh Nhước nói.
Hướng vào chất lượng nguồn lao động
Từ năm 2009 đến nay, các huyện Phước Sơn, Tây Giang có gần 250 lao động tham gia XKLĐ theo Quyết định số 71 của Chính phủ. Tham gia chương trình này, các đối tượng thuộc diện nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được hỗ trợ toàn bộ kinh phí về đào tạo nghề, thủ tục làm visa, chi phí khám sức khỏe và vay vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội. Thời gian đầu triển khai, chương trình này gặp nhiều khó khăn, nhưng đến nay việc chú trọng đến chất lượng nguồn nhân lực đã giúp cho công tác XKLĐ đạt kết quả. Ông Hồ Minh Long - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tây Giang cho biết, những năm trở lại đây, thông qua Sở LĐ-TB&XH tỉnh, địa phương tổ chức các đợt sơ tuyển lao động đi xuất khẩu ngay tại địa phương với sự có mặt trực tiếp của các nhà tuyển dụng nhân sự. Ông Long khẳng định, việc người lao động gặp trực tiếp đại diện của doanh nghiệp sẽ giúp họ tự đánh giá năng lực và nhu cầu của nhau, qua đó chất lượng lao động sẽ được nâng lên, hạn chế được tình trạng người lao động vi phạm hợp đồng sau khi đã ký và đi làm việc tại các nước. Ông Hồ Minh Long cũng cho biết, mới đây địa phương phối hợp với một doanh nghiệp chuyên về tuyển dụng lao động ngoài nước tổ chức tuyển dụng 38 lao động của 2 huyện Phước Sơn và Tây Giang đi làm việc tại Malaysia. Đặc biệt, trong đó có đại diện của doanh nghiệp có nhu cầu là Công ty Shoruber Malaysia - chuyên sản xuất găng tay công nghiệp trực tiếp tuyển dụng thay vì gặp các công ty môi giới XKLĐ như trước đây.
Một vấn đề cũng góp phần nâng cao hiệu quả của công tác XKLĐ hiện nay đó là việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng chi tiêu, tái đầu tư nguồn vốn hợp lý sau khi đi xuất khẩu về nước. Ông Nguyễn Bá Hiển - Phó Chủ tịch UBND xã Lăng, huyện Tây Giang cho biết, có không ít lao động của địa phương sau khi có nguồn vốn lớn từ XKLĐ đã rơi vào tình trạng trắng tay sau mấy năm về nước. Có số tiền lớn trong tay họ chi tiêu hoang phí, không quan tâm đến việc đầu tư làm ăn nên không mấy chốc lại rơi vào cảnh hộ nghèo, không có việc làm ổn định. Ông Hiển chia sẻ: “Địa phương thường cử cán bộ theo dõi, động viên, hướng dẫn những hộ có người đi lao động ở nước ngoài về việc cần sử dụng đồng tiền hợp lý nên đã hạn chế được tình trạng “trắng tay” sau khi đi XKLĐ về nước”.
TRẦN ĐỨC