Thời gian qua, nhờ triển khai đồng bộ các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ, công tác giảm tỷ lệ hộ nghèo ở miền núi trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan, tuy nhiên vẫn còn nhiều mặt tồn tại… Đây là một trong những nội dung quan trọng sẽ được tiếp tục thảo luận tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 22 (khóa XX) khai mạc vào sáng mai 3.7.
Chung tay vào cuộc
Theo ông Huỳnh Tấn Triều – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, thời gian qua, công tác giảm nghèo được các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể nhân dân và toàn xã hội quan tâm, tham gia vào cuộc, góp phần thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững. Nhờ đó, mục tiêu giảm nghèo toàn tỉnh đạt trên 3%, vượt so với Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra. Tình hình đời sống của người dân nói chung, của người nghèo, cận nghèo đã được cải thiện rõ rệt, nhất là về y tế, giáo dục và nhà ở. Nhiều công trình cơ sở hạ tầng tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn đặc biệt khó khăn đã được đầu tư xây dựng theo tiêu chí nông thôn mới, tập trung vào các công trình thiết yếu như giao thông, trường học, trạm y tế và công trình thủy lợi đã tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông, phát triển sản xuất, giảm dần khoảng cách giữa đồng bằng và miền núi. Năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo của 6 huyện nghèo giảm còn 49,9%, bình quân mỗi năm giảm 4,91%. Trong đó 3 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a có tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 53,7% năm 2014, dự kiến giảm còn 48% năm 2015, bình quân giảm 5,4%/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết 30a. Tỷ lệ hộ nghèo các xã thuộc chương trình 135 giảm bình quân 6,55% đạt và vượt so với mục tiêu của Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19.5.2011 của Chính phủ.
Tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân là giải pháp giúp miền núi giảm nghèo bền vững. Ảnh: H.G |
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Tấn Triều, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo của tỉnh trong thời gian qua cũng còn những mặt hạn chế, tồn tại. Đó là tỷ lệ hộ nghèo tuy giảm nhanh nhưng vẫn còn cao hơn so với bình quân của cả nước. Các huyện nghèo, miền núi tỷ lệ hộ nghèo tuy giảm nhiều nhưng số lượng hộ nghèo không nhiều; kết quả giảm nghèo chưa bền vững. Việc có quá nhiều chính sách hỗ trợ, nhất là đối với miền núi, dân tộc thiểu số, hộ nghèo, xã và huyện nghèo, từ đó làm mất đi động lực phát triển, tạo nên tâm lý trông chờ, ỷ lại, không muốn thoát nghèo trong một bộ phận hộ nghèo, kể cả địa phương nghèo. Ngoài ra, việc hỗ trợ đối tượng nghèo còn mang tính bình quân, việc bố trí nguồn lực chưa hợp lý, lồng ghép hoạt động giữa các chương trình, dự án giảm nghèo còn hạn chế, hiệu quả chưa cao...
Thay đổi tư duy
Theo định hướng mục tiêu giảm nghèo đến năm 2020, toàn tỉnh tiếp tục duy trì mức giảm hộ nghèo bình quân mỗi năm từ 2 đến 2,5%. Trong đó khu vực đồng bằng giảm từ 1,5 đến 2%/năm; khu vực miền núi giảm từ 4 đến 5%; tỷ lệ huyện nghèo, xã nghèo giảm ít nhất 6%/năm. |
Tư tưởng trông chờ ỷ lại của bộ phận hộ nghèo là một trong những tồn tại, hạn chế đáng ngại nhất đối với công tác giảm nghèo bền vững của tỉnh trong thời gian đến, đặc biệt là ở khu vực miền núi. Đề cập về thực trạng giảm nghèo hiện nay, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Kim Hùng cho rằng đồng bào dân tộc thiểu số không có khái niệm nghèo, tính cộng đồng cao, ai cũng như nhau nên tư tưởng phấn đấu vươn lên trong cuộc sống bị hạn chế. Có chuyện một người đàn ông lên rừng bứt đót về bán. Đót đang rộ mùa nhưng ông ta chỉ bứt đủ số đót bán lấy 10 nghìn đồng để về mua rượu, không bứt nhiều hơn để có thêm thu nhập. Kể chuyện để thấy, nếu không thay đổi được những nếp tư duy như vậy thì công tác giảm nghèo bền vững đối với miền núi sẽ còn rất gian nan.
Rà soát, tìm số hộ nghèo thực chất để có giải pháp hỗ trợ Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, công tác giảm nghèo bền vững, nhất là đối với khu vực miền núi được xác định là nhiệm vụ đột phá của tỉnh trong những năm đến. Vì vậy, cần tuyên truyền thay đổi nhận thức, loại bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại; cùng với đó việc rà soát, tìm ra số hộ nghèo thực chất để có giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn phát triển sản xuất tiến tới xây dựng các đề án về hỗ trợ phát triển sản xuất đối với miền núi là hết sức quan trọng. Tại kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh (khóa VIII) sắp tới, UBND tỉnh sẽ trình đề án quy định về thủ tục và mức giá cho thuê môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh. Đây được xem là một trong những giải pháp góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững ở khu vực miền núi của tỉnh. |
Thời gian qua, miền núi được đầu tư kết cấu hạ tầng với nguồn lực rất lớn, chất lượng cuộc sống người dân được nâng lên, các giá trị văn hóa truyền thống của miền núi được gìn giữ. Nhưng thu nhập của người dân miền núi không cao. Vì vậy, vấn đề đặt ra là làm sao để nâng cao thu nhập của người dân miền núi. “Nhằm thực hiện tốt công tác giảm nghèo của tỉnh theo như định hướng đến năm 2020, với quyết tâm giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống thấp hơn so với bình quân của cả nước thì trước hết phải thay đổi cho được tư tưởng trông chờ ỷ lại. Cách tuyên truyền, vận động lâu nay đã không đạt hiệu quả, vậy nên phải có những cách thức tuyên truyền mới, tích cực nhằm giúp hộ nghèo miền núi có ý chí vươn lên thoát nghèo và làm giàu” - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Kim Hùng nói.
Cùng với nỗ lực thay đổi nhận thức của hộ nghèo miền núi, thì việc tập trung ưu tiên thúc đẩy sản xuất cho khu vực miền núi cần được quan tâm với những giải pháp căn cơ. Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, việc thay đổi nhận thức giúp người dân miền núi hiểu để thoát nghèo là tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập chứ không thể trông chờ vào các chính sách hỗ trợ. Theo đó, thời gian đến, tỉnh cần xây dựng và nhân rộng các mô hình làm ăn hiệu quả bằng các chương trình phát triển sản xuất. Chính sách phát triển kinh tế miền núi cần tập trung cho sản xuất, trong đó thể hiện rõ các giải pháp, nguồn lực ưu tiên cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp của khu vực miền núi.
HÀN GIANG