Tỷ lệ hộ nghèo cao, sản xuất nông nghiệp thiếu ổn định, các mô hình đào tạo nghề, giải quyết việc làm chưa đạt hiệu quả cao... là những vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa IX diễn ra đầu tuần nay.
Thiếu bền vững
Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội miền núi. Gần đây nhất là Nghị quyết số 55/2012/NQ-HĐND ngày 19.9.2012 của HĐND tỉnh về Chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội miền núi tỉnh giai đoạn 2013-2016. Cốt lõi của nghị quyết là tập trung nguồn lực cho khu vực đồng bào dân tộc thiểu số nghèo khó; đào tạo nghề gắn với phát triển kinh tế tại địa phương; thu hút doanh nghiệp đầu tư. Năm 2015, HĐND tỉnh cũng ra nghị quyết (số 179/2015/NQ-HĐND) về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Ngoại trừ các doanh nghiệp, tổ chức thuê môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh (Nam Trà My) thì 2 năm qua số doanh nghiệp lên miền núi đầu tư phát triển sản xuất chỉ đếm trên đầu ngón tay. Giá thuê đất nơi đây đã công khai, nhưng doanh nghiệp không dễ dàng khi tiếp cận trồng sâm Ngọc Linh do sự ràng buộc rườm rà thủ tục về đất đai.
Đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao cần thực tế hơn. Ảnh: TRẦN HỮU |
Nguồn lực đầu tư cho miền núi thông qua Nghị quyết 30a, Chương trình 135, chính sách định canh và định cư theo Quyết định 33 và chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ là khá lớn nhưng chậm phân bổ về địa phương. Cây cao su tiếp tục rớt giá, ảnh hưởng lớn đến việc làm và thu nhập của người dân bản địa. Người trồng cây cao su tiểu điền không còn kiên nhẫn chờ đợi giá mủ phục hồi nên một số vùng người dân chặt phá để trồng thay thế các cây nguyên liệu ngắn ngày hơn.
Trước đây, người dân ở các huyện Bắc Trà My, Hiệp Đức góp đất cho doanh nghiệp trồng cây cao su với tỷ lệ ăn chia theo thỏa thuận giữa các bên, bù lại doanh nghiệp sẽ hợp đồng giao khoán với người có đất để trả chi phí nhân công chăm sóc vườn cao su. Ban đầu người dân thấy rất hài lòng vì được doanh nghiệp giải quyết việc làm thường xuyên. Tuy nhiên, 3 - 4 năm nay, do phía đối tác cắt giảm chi phí chăm sóc cao su nên người dân thất nghiệp. Hết tư liệu sản xuất, thiếu việc làm thường xuyên nên có thời điểm họ đòi doanh nghiệp trả lại đất sản xuất. Các huyện Hiệp Đức, Bắc Trà My kiến nghị, trước đây tỉnh có cơ chế hỗ trợ khuyến khích người dân mở rộng trồng cao su tiểu điền, thì bây giờ cũng nên xem xét cơ chế hỗ trợ để người dân yên tâm, kiên trì giữ lại diện tích đã trồng. Ngành lâm nghiệp đề xuất giải pháp sử dụng đất dưới tán rừng cao su để người dân đảm bảo đời sống khi cao su mất giá. Thế nhưng, việc trồng cây dược liệu dưới tán rừng hiện nay chỉ mới dừng lại ở mô hình thí điểm.
Cần đào tạo nghề thực chất
Theo Ban Dân tộc HĐND tỉnh, nhiều cử tri ở các huyện Phước Sơn, Bắc Trà My phản ảnh tiền chi trả cho giữ rừng theo Nghị quyết 30a và Nghị định 99 của Chính phủ có nơi còn chậm, mức chi trả thấp và chênh lệch giữa các lưu vực, gây sự so bì quyền lợi cho người dân nên kiến nghị phải điều chỉnh nâng mức chi trả cho phù hợp. Bình quân 9 huyện miền núi có tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 41% tổng số hộ sinh sống. Giảm nghèo chưa bền vững; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con vật nuôi và cơ cấu lao động còn hạn chế. Kinh tế miền núi nhìn chung xoay xở chậm, tỷ lệ hộ nghèo cao. |
Hầu như địa phương, ngành, hội, đoàn thể nào của tỉnh cũng có các cơ sở, trung tâm đào tạo nghề cho người lao động. Lực lượng lao động phần lớn tập trung ở ngành may mặc. Ở khu vực miền núi, việc đào tạo nghề cho đối tượng thanh niên, phụ nữ còn lắm chuyện phải bàn. Ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội Nông dân thừa nhận, dù đa dạng các ngành nghề đào tạo cho hội viên nông dân từ ngắn hạn lẫn dài hạn nhưng nguồn lao động vẫn thiếu hụt và chưa đáp ứng được thị trường. Tìm hiểu thực tế còn được biết, trước khi đi xuất khẩu lao động ở thị trường các nước Malaysia, Đài Loan, Nhật... theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, người lao động được các cơ sở tuyển dụng, môi giới đào tạo nghề nhưng đi qua nước bạn làm việc, hầu hết người lao động được đào tạo lại do không đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Ông Võ Văn Ba - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Phước Sơn cho rằng, 3 năm gần đây, thị trường xuất khẩu lao động theo Nghị quyết 30a đều vắng bóng, do nguồn thu nhập thấp, không đủ hấp dẫn với đồng bào. Người lao động địa phương có nhu cầu lao động tại các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan nhưng không đáp ứng về khả năng tài chính, ngành nghề đào tạo phù hợp. Công tác xúc tiến lao động đa dạng nhưng chưa đem lại hiệu quả. Đồng bào thiếu tay nghề, ngoại ngữ yếu.
Góp ý về cơ chế hỗ trợ đào tạo lao động cho các chương trình, dự án trọng điểm và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, tại các phiên thảo luận tổ của Kỳ họp thứ 2, HĐND khóa IX, nhiều ý kiến có chung đề xuất giao cho doanh nghiệp tự đào tạo nghề và Nhà nước chỉ hỗ trợ chi phí. Hoặc, có cơ chế để doanh nghiệp tham gia cùng với cơ sở đào tạo trong việc đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp gắn kết trách nhiệm của 3 bên (người học, cơ sở đào tạo và chủ sử dụng lao động). Một trong những nguyên nhân khiến khâu đào tạo nghề ở miền núi chưa thành công chính là thanh niên “lười” học nghề theo đề án. Vì vậy, theo ông Ba cần nghiên cứu đưa lao động miền núi đi tham quan thực tế tại các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo để họ làm quen với môi trường trước khi quyết định đi học. Trong khi đó, cũng có nhiều ý kiến nên hỗ trợ cho doanh nghiệp ở miền núi nhận con em đồng bào dân tộc thiểu số vào đào tạo thì mới thiết thực hơn. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, làn sóng các doanh nghiệp đầu tư vào vùng kinh tế trọng điểm phía đông nam của tỉnh đã đem đến cơ hội đột phá kinh tế, tạo sức lan tỏa vùng nhưng đồng thời cũng đặt ra sức ép tìm kiếm nguồn nhân lực. Về lâu dài, doanh nghiệp cùng với địa phương phải có giải pháp cụ thể đa dạng hóa các hình thức đào tạo nguồn nhân lực, mới đáp ứng đủ nhu cầu của các dự án trọng điểm đang triển khai.
TRẦN HỮU