Giai đoạn 2010 - 2013, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Phước Sơn giảm bình quân 5%/năm, đạt chỉ tiêu kế hoạch. Tuy nhiên, công cuộc giảm nghèo ở Phước Sơn đang đối diện với nhiều thử thách, càng về sau càng khó.
Nỗ lực giảm nghèo
Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo ở Phước Sơn chiếm 68,46%, đến năm 2013 giảm còn 53,72%. Trong thời gian này, huyện Phước Sơn đã được Trung ương, tỉnh đầu tư nhiều nguồn lực nhằm đẩy mạnh việc thoát nghèo.
Huyện nghèo Phước Sơn bây giờ so với trước thời điểm năm 2010 đã thay đổi nhiều về diện mạo, cơ sở hạ tầng, đời sống nhân dân. Nhiều chính sách, chương trình giảm nghèo chung đã đến được với nhân dân. Toàn huyện có hơn 61 nghìn lượt hộ nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế, có 862 hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà 167; hơn 10 nghìn lượt hộ nghèo được hỗ trợ hơn 3,3 tỷ đồng tiền điện, hỗ trợ trực tiếp hơn 5,3 tỷ đồng; hơn 23 nghìn lượt trẻ em, học sinh - sinh viên nghèo được miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập. Bên cạnh đó, Chương trình 134 kéo dài đầu tư 4,75 tỷ đồng để xây mới và nâng cấp 8 công trình nước sinh hoạt, Chương trình 135 đầu tư 9 công trình giao thông nông thôn, trường học, kênh mương... Các chính sách này đã góp phần làm thay đổi diện mạo chung của Phước Sơn.
Qua khảo sát của Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh, phần lớn người nghèo là dân tộc thiểu số ở Phước Sơn chưa muốn thoát nghèo. Ảnh: D.L |
Với sự trợ sức của Nhà nước, một bộ phận người dân đã biết cách làm ăn, vươn lên thoát nghèo bằng những mô hình sản xuất hiệu quả. Như hộ ông Nguyễn Văn Dũng (thôn 4, xã Phước Đức), từ một hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá của địa phương. Ban đầu, ông Dũng bỏ vốn mua 5 con heo thịt về nuôi. Thấy đàn heo phát triển tốt, ông mạnh dạn vay vốn, mua thêm 12 con, trong đó có 2 heo nái. Đàn heo ngày một phát triển, cho thu nhập ổn định. Nhờ đó ông thoát nghèo, có điều kiện nuôi 2 con học đại học. Tuy nhiên, ông Dũng cũng chia sẻ thực tế rằng: “Ở miền núi, tạo nên mô hình phát triển kinh tế chỉ chủ yếu là người Kinh đi kinh tế mới di cư lên mới biết cách làm ăn để thoát nghèo. Còn đồng bào dân tộc thiểu số bản địa, kinh nghiệm làm ăn không có, trong khi đó vẫn còn tư tưởng muốn được nghèo để hưởng chính sách”.
Những mô hình phát triển chăn nuôi như hộ ông Nguyễn Văn Dũng (thôn 4, Phước Đức) còn khá hiếm trên địa bàn Phước Sơn. |
Ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, Phước Sơn được hưởng chính sách giảm nghèo đặc thù theo Nghị quyết 30a kể từ năm 2009. Nguồn lực từ Nghị quyết 30a đầu tư cho Phước Sơn hơn 183 tỷ đồng, thực hiện nhiều chương trình gồm giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng; quy hoạch phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp; khai hoang, phục hóa đất sản xuất; hỗ trợ giống cây trồng, con vật nuôi... Những chính sách này đã đến được với nhân dân, giúp nhân dân có điều kiện sản xuất, có việc làm, tăng thu nhập, thoát nghèo.
Càng về sau càng khó
Hiện nay, trừ thị trấn Khâm Đức có tỷ lệ hộ nghèo 21,85%, hầu hết các xã của huyện Phước Sơn có tỷ lệ hộ nghèo hơn 50% và có đến 93,55% số hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhân dân Phước Sơn chủ yếu sống bằng nghề nông - lâm nghiệp, sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, năng suất thấp, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Về nguyên nhân nghèo, ông Nguyễn Văn Thanh nói: “Đối với Phước Sơn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 70% dân số toàn huyện, không có kinh nghiệm làm ăn, còn tâm lý ỷ lại vào Nhà nước, chây lười lao động. Mặt khác, người dân thiếu đất sản xuất, thiếu vốn làm ăn, không có phương tiện sản xuất. Còn một bộ phận không thể thoát nghèo được là nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, ốm đau, bệnh tật. Bên cạnh đó, nguồn lực còn hạn chế, điều kiện tự nhiên cũng như kinh tế - xã hội còn khó khăn nên tỷ lệ hộ nghèo của Phước Sơn chưa thể giảm nhanh, và giảm không bền vững, nguy cơ tái nghèo cao”.
Thực tế ở một số xã, nhiều người dân là đồng bào dân tộc thiểu số đều không muốn thoát nghèo. Ông Hồ Văn Ngát (ở thôn 3, xã Phước Đức) nói: “Nghèo thì được hưởng nhiều thứ, hết nghèo hết được hưởng, thì ai chẳng muốn nghèo. Nói thiệt, tôi không muốn thoát nghèo, mà có muốn cũng không thoát được. Tôi với vợ đã hơn 60 tuổi, con cái 4 người, mấy đứa lớn không có việc làm, đứa nhỏ đi học. Nghèo mới được cấp thẻ bảo hiểm y tế để chữa bệnh, không thì tiền đâu đi khám bệnh”. Ngay cả chính quyền xã Phước Đức cũng không muốn đăng ký thoát nghèo, bởi lẽ người dân không muốn thoát nghèo thì chính quyền xã không dám làm việc mà người dân không làm được.
Ông Phạm Thế Quyền - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết: “Đối với công cuộc giảm nghèo, Phước Sơn đặt quyết tâm cao, giảm bình quân mỗi năm hơn 5% tỷ lệ hộ nghèo và đã đạt. Nhưng công cuộc giảm nghèo càng về sau càng khó, bởi nhóm hộ nghèo càng về sau càng yếu thế, khó có điều kiện để thoát nghèo. Con em Phước Sơn có việc làm chủ yếu nhờ làm việc cho Công ty Vàng Phước Sơn; ở đó có 900 lao động thì con em Phước Sơn chiếm hơn 70%. Có nhiều hộ dân có con em đi làm ở đó, có nguồn thu nhập nên thoát nghèo được. Nhưng hiện nay công ty này gặp khó khăn, công nhân mất việc làm, nguồn thu nhập chính mất theo và họ lại tái nghèo”. Đối với nguồn lực đầu tư giảm nghèo, ông Quyền cho biết thêm, Đề án 30a của huyện Phước Sơn được phê duyệt nguồn vốn giai đoạn 2009 - 2020 hơn 3.200 tỷ đồng, nhưng đến nay chỉ mới phân bổ khoảng 10% so với đề án được duyệt, như thế thì việc đầu tư thoát nghèo theo tiến độ của đề án rất khó thực hiện.
DIỄM LỆ