Bằng nhiều giải pháp tích cực từ các chương trình, chính sách, công tác giảm nghèo tại TP.Tam Kỳ đã góp phần tạo sinh kế cho nhiều hộ thoát nghèo bền vững.
Đồng hành với người nghèo
Năm 2013, chị Lương Thị Lan, một trong những hộ nghèo nhất của thôn Quý Ngọc (xã Tam Phú) khi chồng ra đi đột ngột vì tai nạn điện giật, bỏ lại 4 đứa con và mẹ già, chị thì đau ốm liên miên. Trước hoàn cảnh đó, địa phương hỗ trợ 1 con bò giống 6 triệu đồng và trao 25 triệu đồng để chị sửa sang lại ngôi nhà. Từ sự hỗ trợ đó, chị Lan chịu khó thức khuya dậy sớm, vừa chăn nuôi bò vừa xin làm tạp vụ trong trường học và cải tạo vườn tạp để kiếm thêm thu nhập.
Cuối năm 2017, khi 2 người con lớn tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định, chị tự nguyện đăng ký thoát nghèo và vươn lên ổn định cuộc sống. Chị Lương Thị Lan tâm sự: “Mấy năm trước con cái tôi còn học hành nên khó khăn nghèo khổ, khi các con ra trường, tôi đăng ký thoát nghèo. Để thoát nghèo, mình phải cố gắng phấn đấu, việc chi mình làm được thì dù khó khăn mấy cũng cố gắng làm, không được bỏ dở giữa chừng”.
Tương tự là câu chuyện vượt khó của vợ chồng anh Võ Hoàng Hải (ở khối phố Đông An, phường Hòa Thuận). Năm 2017, vợ anh Hải bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não, liệt nửa người. Tài sản đáng kể nhất của gia đình là căn nhà dựng tạm trên đất của người bà con. Không cam chịu phận nghèo, anh Hải sắp xếp thời gian chăm sóc vợ con và tranh thủ làm thêm nghề sửa xe máy để trang trải chi phí thuốc men, sinh hoạt.
Nhờ sự động viên, giúp đỡ của địa phương, bà con cộng thêm nghề sửa xe máy, anh Hải có thêm nguồn thu nhập để lo cho gia đình. Cuối năm 2018, vợ anh bắt đầu hồi phục và được nhận vào làm công nhân may ở Khu công nghiệp Thuận Yên, anh chị đăng ký thoát nghèo để nhường chế độ ưu đãi cho hộ khó khăn hơn mình. “Khi mình nghèo, cũng có phần hổ thẹn, vì không thể trông chờ mãi vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nên mình quyết tâm thoát nghèo bền vững” - anh Hải chia sẻ.
Thoát nghèo bền vững
So với năm 2017, năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo của TP.Tam Kỳ đã giảm từ 1,21% xuống còn 0,98%, giảm 64 hộ nghèo, trong đó có 28 hộ thoát nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 1,78% xuống còn 1,28%, giảm 168 hộ cận nghèo, trong đó có 100 hộ thoát cận nghèo bền vững. Để đạt được kết quả trên, Tam Kỳ đã tích cực triển khai hiệu quả các chính sách giảm nghèo bền vững.
Trong đó nổi bật là thực hiện xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 45 hộ nghèo, hộ cận nghèo với kinh phí hỗ trợ hơn 3,2 tỷ đồng từ nguồn Quỹ “Ngày vì người nghèo”; cho 121 học sinh, sinh viên khó khăn vay với số tiền 3,9 tỷ đồng; cấp phát 2.114 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo với số tiền hơn 1,58 tỷ đồng. Ngoài ra, hộ nghèo, cận nghèo còn được vay vốn ưu đãi để chăn nuôi, sản xuất, hỗ trợ miễn giảm học phí học sinh nghèo, cận nghèo, nhận đỡ đầu người già neo đơn, không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi… trị giá hàng tỷ đồng.
Năm 2019, Tam Kỳ hướng đến mục tiêu giảm 40 hộ nghèo (từ 306 hộ còn 266 hộ, tương ứng 0,84%); giảm 62 hộ cận nghèo (từ 398 hộ, còn 336 hộ, tương ứng 1,06%). Không còn hộ nghèo thuộc nhóm chính sách tác động được để giảm nghèo. Hạn chế số hộ tái nghèo.
Ông Nguyễn Ba - Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP.Tam Kỳ cho biết: “Để tác động hiệu quả đến hộ nghèo, chúng tôi chú trọng phân tích các yếu tố, nguyên nhân gây nghèo đối với từng trường hợp cụ thể, từ đó có các giải pháp hỗ trợ thiết thực, bền vững. Đơn cử là hỗ trợ sinh kế cho các hộ gia đình thuộc diện có thể tác động giảm nghèo, đồng thời quan tâm đời sống của các gia đình khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội không thể tác động giảm nghèo, để không ai bị bỏ lại phía sau. Qua phân tích những trường hợp thoát nghèo bền vững cho thấy, nỗ lực vươn lên của người nghèo đóng vai trò quyết định trong lộ trình giảm nghèo”.