Là huyện có tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 48%, mặt bằng dân trí thấp, đường giao thông nhiều nơi chưa thuận lợi, vì thế, công tác giảm nghèo ở Tây Giang đối diện với không ít gian nan, thách thức.
Nhiều khu dân cư Tây Giang được sắp xếp, bố trí tập trung.Ảnh: H.LIÊN |
Tỷ lệ hộ nghèo còn cao
Theo số liệu điều tra năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Tây Giang còn 2.325/4.800 hộ, chiếm tỷ lệ 48,4%, gần nửa tổng số hộ của huyện. ông Hồ Minh Long - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH cho biết, dù đã lồng ghép đồng bộ các chính sách giảm nghèo, chính sách đảm bảo an sinh xã hội từ Chương trình 30a, 135 của Chính phủ, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới..., song nhìn chung, công tác giảm nghèo ở Tây Giang chưa đạt kết quả như mong đợi. Từ năm 2010 đến nay, Tây Giang có khoảng 137 người lao động được hỗ trợ xuất khẩu lao động. Phần lớn đã chấm dứt hợp đồng, còn 40 người đang ở Malaysia, 3 người đang theo học các khóa chuẩn bị xuất khẩu lao động. “Rào cản trong xuất khẩu lao động miền núi là chất lượng nguồn lao động chưa cao, chỉ có thể tìm kiếm cơ hội việc làm ở những thị trường dễ tính, có mức lương thấp” - ông Long nói. Từ năm 2016 đến nay, trong cơ cấu nghề phi nông nghiệp, Tây Giang đào tạo được khoảng 150 lao động, trung bình đào tạo được 50 lao động/năm. Nguồn lao động được đào tạo theo Quyết định 1956 khoảng 700 người, bao gồm ở lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp đến thời điểm này, chưa kể lao động tự do…
Qua 7 năm thực hiện, công tác giảm nghèo (2010 - 2017), tỷ lệ hộ nghèo của xã Dang giảm từ 90% xuống còn 60%, vẫn còn ở mức cao. Ông Nguyễn Thanh Tâm - Chủ tịch UBND xã Dang cho biết, qua rà soát năm 2017, xã Dang có 20 hộ nghèo đã thoát nghèo, 4 hộ cận nghèo thoát nghèo, song 6 hộ trong nhóm này tái nghèo, trong khi đó có 5 hộ nghèo phát sinh mới. Chưa kể, 35 hộ cận nghèo năm 2016 đã rớt xuống tiêu chí hộ nghèo năm 2017. Nguyên nhân khiến tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã còn cao và có tình trạng phát sinh số hộ nghèo mới, theo ông Tâm, là do người dân thiếu đất sản xuất, nhiều thôn không còn diện tích ruộng lúa nước do bị ngập bởi thủy điện A Vương. “Thiếu ruộng, thiếu đất sản xuất, đời sống và thu nhập của nhiều thôn dựa vào nương rẫy, bấp bênh, chưa kể nhiều khu dân cư xây dựng mặt bằng mới đang sắp xếp, bố trí lại dân cư nên câu chuyện giảm nghèo là áp lực, thách thức lớn” - ông Tâm chia sẻ.
Ga Ry là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất Tây Giang, hơn 89% (356 /1.555 hộ dân toàn xã). Bài toán giảm nghèo của Ga Ry vẫn loay hoay bởi tiêu chí thu nhập, hiện chỉ mới đạt 6 - 7 triệu đồng/năm. “Công tác giảm nghèo rất căng thẳng, gần như xã bế tắc trong hướng giúp dân thoát nghèo bền vững. Xã nghèo, lại thuộc vùng biên, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện nhưng nguồn lực đầu tư mỗi năm chỉ 500 - 600 triệu đồng thì lấy gì để thoát nghèo. Dù xã tích cực tuyên truyền, thậm chí cử cán bộ xuống cầm tay chỉ việc nhưng nếu không hỗ trợ thì khó thực hiện được” - ông Ríah Nhoóp - Bí thư Đảng ủy xã Ga Ry nói. Theo ông Ríah Nhoóp, năm 2018, dù số hộ đăng ký thoát nghèo của xã lên tới cả trăm nhưng xã rà soát lại rất kỹ, ai có đủ khả năng thoát nghèo mới cho đăng ký, tránh tình trạng nhận hỗ trợ rồi nghèo vẫn hoàn nghèo. Chủ trương của xã là không chạy theo thành tích, chỉ tiêu mà giảm nghèo phải đi vào thực chất.
Cần đồng bộ giải pháp
Đầu năm 2018, Phòng LĐ-TB&XH huyện Tây Giang đã tham mưu UBND huyện Tây Giang ban hành Kế hoạch mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2018 - 2020, phấn đấu giảm 100 hộ nghèo/năm. Năm 2018, Phòng LĐ-TB&XH huyện đã tổ chức sàn giao dịch việc làm, thu hút hơn 350 thanh niên về tham dự, 105 người đăng ký đi học nghề, đi lao động. Phòng tiếp tục phối hợp tuyên truyền về cơ hội việc làm cho thanh niên, đẩy mạnh chính sách đào tạo nghề tại 10/10 xã. Đồng thời phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện hỗ trợ vay vốn cho học sinh sinh viên, hộ nghèo có việc làm, cho vay xuất khẩu lao động, cho vay theo dự án/mô hình kinh tế theo quỹ quốc gia giải quyết việc làm… Nhiều hợp phần giảm nghèo, hợp phần phát triển sản xuất với nguồn vốn đã giao cho các phòng chức năng và các địa phương. Nhiều địa phương đã xây dựng phương án trình huyện thẩm định nuôi con gì, trồng cây gì, xây dựng mô hình kinh tế giảm nghèo… Tuy nhiên, khó khăn, thách thức trong giảm nghèo không ít, đó là chỉ tiêu giảm nghèo tỉnh giao cho huyện năm nay là 350 hộ, đây là con số quá cao với Tây Giang. Với 10/10 xã đăng ký thoát nghèo với tổng số hộ đăng ký là 212 hộ, nhưng có bao nhiêu hộ thoát được nghèo thì cần phải đánh giá, khảo sát cuối năm.
Ông Arất B’lúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang nhìn nhận, huyện đang trong giai đoạn tập trung xây dựng mặt bằng, bố trí, sắp xếp lại dân cư gắn với phát triển kinh tế, bảo tồn bản sắc văn hóa làng nên đây là giai đoạn xáo trộn, chỉ mới có 85/95 khu dân cư có mặt bằng ổn định, đang tái thiết. Huyện quyết tâm đến năm 2020, 95/95 khu dân cư có mặt bằng để tạo điều kiện cho người dân an cư lạc nghiệp, không còn bị đe dọa bởi rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu, cùng với đó, chất lượng cuộc sống người dân sẽ cải thiện, những cái khác sẽ đi theo. Cũng theo ông Arất B’lúi, công tác giảm nghèo của huyện có sự đồng bộ các giải pháp, đó là hỗ trợ giống cây, con, dụng cụ sản xuất, hỗ trợ các mô hình phát triển sản xuất; hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất, chú trọng giải quyết việc làm gắn với đào tạo nghề… Điều quan trọng là đất sản xuất, mặt bằng tái định cư, nước sinh hoạt, nước tưới phục vụ sản xuất cho người dân phải là yếu tố tiên quyết. Những địa phương có đồng ruộng hơn 2ha sẽ được khai phá, cải tạo, chia lại cho nhân dân sản xuất, những địa phương có địa hình có độ dốc lớn được huyện tập trung đẩy mạnh phát triển cây đặc hữu, phát triển du lịch. “Cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân không còn trông chờ, ỷ lại thì công tác giảm nghèo mới đạt kết quả như mong muốn” - ông Arất B’lúi nói.
HOÀNG LIÊN