Giảm nghèo ở Thăng Bình

THÀNH CHÂU- TẤN MẪN 20/11/2015 10:01

Năm 2000, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Thăng Bình gần 30%. Sau 15 năm thực hiện cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 8%.

Vài năm trước, gia đình chị Phan Thị Sau nằm trong nhóm những hộ nghèo nhất của thôn Thanh Ly 1, xã Bình Nguyên. Chồng lâm bệnh mất sớm, một mình chị vất vả bươn chải kiếm sống để nuôi hai con nhỏ ăn học. Khi hai con chị chuẩn bị bước vào đại học, gánh nặng lại nhiều thêm. Năm 2013, sau khi được Ủy ban MTTQ Việt Nam  huyện và xã Bình Nguyên hỗ trợ 1 con bò cái sinh sản, chị tích cực chăm sóc và đến nay đã sinh thêm 1 con bò con. Từ đôi bàn tay trắng, nhờ chính sức lao động của mình, kinh tế gia đình chị từng bước ổn định. Cuối năm 2014, chị đã tự nguyện đăng ký thoát nghèo bền vững. “Tôi làm đủ nghề hết, lúc thì đi hái lá xoa xoa để bán, lúc thì buôn ve chai, thời gian rảnh thì tham gia cùng với chị em trong tổ đi thu gom rác thải, rồi cộng tác viên dinh dưỡng… cũng có thêm thu nhập”- chị Sau nói.

Trong 15 năm qua, huyện Thăng Bình đã vận động được gần 147 tỷ đồng. Ảnh: T.C
Trong 15 năm qua, huyện Thăng Bình đã vận động được gần 147 tỷ đồng. Ảnh: T.C

Gia đình của anh Phan Thanh Hà ở tổ 18, thôn Phước Cẩm, trước đây cũng nằm trong diện hộ nghèo của xã Bình Tú. Thế nhưng vài năm trở lại đây, với bản tính cần cù, chịu thương chịu khó, kinh tế của gia đình anh đã ngày càng đi vào ổn định với gia sản là hơn 1 mẫu lúa, 3 con heo nái và 4 con heo chuồng. Thấu hiểu được nỗi vất vả của người nghèo, nên khi đã có của ăn của để, công việc đầu tiên mà anh nghĩ đến, đó là làm thế nào để giúp cho bà con địa phương mình tự vươn lên thoát nghèo một cách bền vững. Nghĩ là làm, anh cùng với Ban cán sự của tổ tích cực tham gia tuyên truyền, vận động, phổ biến, và đặc biệt là giải thích cặn kẽ những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân trong tổ. “Thông qua các buổi nói chuyện với bà con, mình mới biết nguyên nhân vì đâu mà họ nghèo để tìm hướng giúp đỡ. Khi đã xác định được con đường làm ăn của mình, thì bà con rất phấn khởi, mọi hoạt động, phong trào gì họ đều tham gia nhiệt tình” - anh Hà nói. Toàn tổ 18, thôn Phước Cẩm có 132 hộ với hơn 30ha diện tích đất sản xuất. Gần 10 năm trước, tổ 18 luôn là địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của xã Bình Tú. Thế nhưng trong năm 2015 này, số hộ nghèo chỉ còn 4/132 hộ, đặc biệt là đã có 2 hộ tự nguyện đăng ký thoát nghèo bền vững, 90% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

Nếu như những cá nhân làm từ thiện là vì cảm thông với người nghèo, vì muốn mang lại những điều tốt đẹp cho người xung quanh, thì đối với doanh nghiệp, việc tham gia các hoạt động thiện nguyện, chính là một cách thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Bằng chứng là ngày càng nhiều doanh nghiệp tích cực tham gia các chương trình chăm lo cho người nghèo, trao học bổng cho học sinh nghèo. Những nghĩa cử cao đẹp ấy đã góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. Xí nghiệp sản xuất gạch tuynen Bình Nguyên là ví dụ. Được thành lập từ năm 2004 trên nền diện tích 1,5ha, xí nghiệp hiện có 100 công nhân làm việc với mức thu nhập ổn định hàng tháng cho mỗi công nhân từ 3 triệu đồng trở lên, tất cả đều được xí nghiệp đóng bảo hiểm lao động, bảo hiểm y tế. Điều đáng quý ở doanh nghiệp này, mặc dù là một doanh nghiệp nhỏ, thường xuyên chịu sự tác động của nền kinh tế thị trường, nhưng đơn vị vẫn luôn đi đầu hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào nhân đạo một cách tích cực. Tính từ năm 2010 đến nay, doanh nghiệp đã đóng góp gần 400 triệu đồng cho nguồn Quỹ vì người nghèo các cấp. “Trước hết là mình chia sẻ bớt gánh nặng cho hộ nghèo, giúp họ có điều kiện vươn lên ổn định cuộc sống, thứ hai nữa là giúp cho các em học sinh nghèo được tiếp tục đến trường, chứ vì không có tiền mà các em phải nghỉ học giữa chừng thì thật xót xa” - ông Trần Ngọc Trà, Giám đốc Xí nghiệp sản xuất gạch tuynen Bình Nguyên nói.

Chính sự chung tay, góp sức ấy, thời gian qua, nguồn Quỹ vì người nghèo của huyện Thăng Bình đã tăng lên. Cùng với đó, là hàng nghìn ngôi nhà đại đoàn kết, hàng trăm con bò giống sinh sản cùng nhiều phương tiện sinh kế cho người nghèo đã được Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên và các địa phương hỗ trợ xây dựng nên. Ông Võ Huấn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thăng Bình cho biết: “Trong thời gian qua, toàn huyện đã vận động gần 147 tỷ đồng, số tiền trên được dùng để sửa chữa hơn 3.000 ngôi nhà đại đoàn kết, trợ cấp khó khăn cho hàng ngàn hộ dân, trao tặng 184 ngư lưới cụ cho ngư dân, hỗ trợ bò giống sinh sản cho hộ nghèo và trao học bổng cho học sinh hiếu học trên địa bàn, đây thực sự là những việc làm cụ thể, gần gũi với cuộc sống của đại đa số người nghèo, giúp họ có thêm động lực để vươn lên, ổn định cuộc sống”.

THÀNH CHÂU- TẤN MẪN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giảm nghèo ở Thăng Bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO