Xác định gốc của cái nghèo chính là thiếu việc làm, không có thu nhập, huyện Nam Trà My đã tích cực đào tạo nghề, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, từ đó thay đổi ý thức vươn lên thoát nghèo hiệu quả.
Tự nguyện đăng ký thoát nghèo
Cuối năm 2018, khi xã Trà Dơn vận động đăng ký thoát nghèo bền vững, vợ chồng ông Nguyễn Văn Thang và bà Trần Thị Quý mạnh dạn điền vào đơn đăng ký theo Nghị quyết số 13 của HĐND tỉnh. Chúng tôi đến nhà ông bà khi ông Thang đang đi làm phụ hồ ở một công trình xây dựng gần đó, ngày công được 250 nghìn đồng. Bà Quý vừa đi hái rau về, đang chuẩn bị cho bữa cơm tối. Vợ chồng bà Quý đã bàn bạc, đăng ký thoát nghèo theo sự vận động của xã vì thấy đủ điều kiện để thoát nghèo. Bà Quý kể: “Tôi đăng ký thoát nghèo vì có đất trồng hơn 3.000 cây keo. Vừa rồi bán keo mua được chiếc xe máy 25 triệu đồng và đã trồng lại keo con. Trên rừng vợ chồng tôi trồng khoảng 3.000 gốc quế, có 60 gốc đã lột vỏ bán được. Khi không đi phát keo, làm rẫy, vợ chồng tôi đi làm thuê. Gần đây, vợ chồng tôi nhận rừng keo để khai thác, làm nhanh thì tiền công cũng cao hơn. Cộng các khoản lại thu nhập gia đình đủ lo cho con cái, thoát nghèo”.
Trước kia, một mình phải nuôi 4 đứa con ăn học, bà Đinh Thị Hồng Trang (thôn 4, xã Trà Mai) cứ quẩn quanh mãi với cái nghèo. Năm 2017, khi đứa con lớn hết học và đi làm, bà Trang cùng với người con trai quyết tâm chăn nuôi, làm rừng . Hai mẹ con bà Trang tập trung chăm sóc rừng quế hơn 3.000 gốc đã lớn, trồng thêm 2.000 gốc quế mới. Rừng keo hơn 3.000 gốc mà bà Trang trồng trước đây cũng đã đến lúc cho thu hoạch. Dưới tán rừng, nhiều loại như rau lủi, ớt, bầu bí, lá trầu, cà, sắn... cho thu nhập hàng ngày. Quế, keo là nguồn thu nhập dài hạn hơn. Cùng với những lứa heo, gà được nuôi trong rừng, bà Trang cùng con cái có thể cải thiện được cuộc sống. Cuối năm 2018, bà Trang đã quyết định đăng ký thoát nghèo bền vững.
Tạo việc làm, tăng thu nhập
Khóa đào tạo nghề mây, tre đan truyền thống lần đầu tiên được dạy cho phụ nữ xã Trà Tập từ tháng 10.2019. Tham gia khóa học nghề này có 16 chị em, phần lớn là phụ nữ thuộc hộ nghèo của xã. Bà Nguyễn Thị Diện - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Trà Tập cho biết: “Huyện mở lớp đào tạo nghề này tại chỗ, ưu tiên chị em thuộc hộ nghèo, nhằm giúp họ có nghề nghiệp để đi làm, tạo nguồn thu nhập ổn định. Trước đây họ sống ở các nóc, giờ về khu tái định cư thôn 1 nên dễ tập trung học nghề hơn. Sở dĩ xã chọn nghề này vì đây là nghề truyền thống, cầm tay chỉ việc dễ hơn, những chị có con nhỏ cũng thu xếp đi học được”. Các chị Hồ Thị Thoa, Nguyễn Thị Nhứt, Nguyễn Thị Liễu khi đi học đều mang theo con nhỏ. Chị Thoa nói: “Học nghề này cũng khó lắm, vì nghề này trước nay chủ yếu đàn ông làm. Chưa kể các công đoạn đan phức tạp đòi hỏi tay nghề cao. Thế nhưng nếu học bài bản có thể tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn từ mây, tre trên rừng để đan sản phẩm thủ công, kiếm thêm thu nhập”.
Với người chưa có gia đình, huyện Nam Trà My ưu tiên vận động họ đi học nghề may để đi làm ở đồng bằng vì cho thu nhập tốt hơn, công việc lại ổn định. Theo Phòng LĐ-TB&XH huyện Nam Trà My, năm 2019 toàn huyện có 460 người đi học nghề sơ cấp, trung cấp ở các trường nghề. Trong đó, có 215 người học nghề may theo Quyết định 3577 đều đã đi làm ở doanh nghiệp, thu nhập ổn định và có thể hỗ trợ gia đình. Ông Võ Như Sơn Trà - Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Nam Trà My cho biết: “Đào tạo nghề, tạo việc làm, tạo sinh kế cho người nghèo trên địa bàn huyện từ các mô hình trồng dược liệu, trồng rừng, chăn nuôi, trồng chuối mốc... đã giúp đối tượng này thoát nghèo hiệu quả. Năm 2019, chỉ tiêu được tỉnh giao cho huyện là 450 hộ thoát nghèo bền vững, đã có 550 hộ đăng ký, huyện thẩm định đủ điều kiện. Từ kết quả rà soát sơ bộ ở các xã báo về đã có 573 hộ đủ điều kiện thoát nghèo bền vững, vượt so với số đăng ký ban đầu. Hiện Phòng LĐ-TB&XH đang thẩm tra lại kết quả sơ bộ mà các xã đã báo lên, hộ nào không đủ điều kiện kiên quyết không cho thoát nghèo”.