Đề án Phát triển sản xuất nông, lâm sản góp phần giảm nghèo khu vực miền núi giai đoạn 2014-2016 và định hướng đến năm 2020 vừa được UBND tỉnh phê duyệt đã tạo tiền đề cho người dân nơi đây tiếp cận với những mô hình và tư duy mới.
Người dân ở Trà Linh (Nam Trà My) trồng sâm Ngọc Linh. Ảnh: B.H |
Di thực cây dược liệu quý
Người dân miền núi lâu nay chưa phát huy thế mạnh kinh tế bản địa, nhiều khu vực vẫn còn nghèo khó, nền kinh tế chậm phát triển. Thống kê mới nhất từ 6 huyện vùng cao Tây Giang, Nam Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Bắc Trà My và Đông Giang cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo bình quân năm 2012 theo chuẩn mới gần 49%. Sống phụ thuộc hoàn toàn vào canh tác nông, lâm nghiệp mà bình quân mỗi hộ chỉ có 1.400 - 1.700m2 đất sản xuất. Mấy năm nay, ở vùng đất Trà Linh (Nam Trà My) đã xuất hiện những triệu phú sâm Ngọc Linh, nhưng vì trồng phân tán trong rừng, đã gây nhiều khó khăn trong việc hình thành vùng dược liệu tập trung. Hiện chưa có thống kê nào về lượng cây trồng tự phát trong dân. Theo quy hoạch, vùng sâm Ngọc Linh sẽ có 45ha phục vụ cho Công ty Dược – vật tư y tế Quảng Nam, song đến nay mới triển khai trồng 10ha. Chính quyền huyện Nam Trà My đang xây dựng đề án Bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh, giai đoạn 2012-2015 sẽ trồng 1 triệu cây, đến năm 2020 phát triển lên 2 triệu cây trồng trong nhân dân. Sau thời gian nghiên cứu, ngành chức năng khuyến khích hoàn toàn có thể di thực loại cây này sang hai xã Ch’ Ơm (Tây Giang) và xã Phước Lộc (Phước Sơn).
Trong khi đó, cây ba kích ở huyện Tây Giang có thể nhân rộng ra các địa phương khác có cùng đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu tương tự. Chính quyền huyện Tây Giang cho biết, ngoài cây ba kích, địa phương còn đưa vào trồng thử nghiệm các cây dược liệu khác như thảo quả, táo mèo có nguồn gốc từ các tỉnh miền núi phía Bắc. Thảo quả bắt đầu trồng vào tháng 2.2012 với khoảng gần 30 nghìn cây trên diện tích 10ha tại 2 xã A Xan và Ch’ Ơm. Hiện cây đang sinh trưởng rất tốt. Ở Đông Giang, các mô hình trồng rẫy lúa – cây keo, trồng mây dưới tán rừng, trồng tre lấy măng… bước đầu giúp cho người dân giảm nghèo. Chủ tịch UBND huyện Đông Giang – ông Đỗ Tài khẳng định, nhiều chương trình, chính sách giảm nghèo dành cho miền núi giúp người dân mạnh dạn phát triển kinh tế bản địa. Tuy nhiên, hiệu quả phát triển sản xuất lâm nghiệp chưa cao, do vậy sắp tới địa phương sẽ đầu tư mạnh hơn các mô hình cây trồng kinh tế dưới tán rừng, chuyển giao và ứng dụng mạnh tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất. Được biết, năm 2013, UBND tỉnh sẽ ban hành cơ chế hỗ trợ, phát triển các cây dược liệu như ba kích, đẳng sâm, sâm Ngọc Linh.
Hình thành vùng sản xuất lớn
Giai đoạn 2006-2012, khu vực miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh nhận được nhiều chương trình, chính sách của Trung ương như Chương trình 135 giai đoạn 2, Chương trình 134, Nghị quyết 30a, Chương trình giảm nghèo, Quyết định 33-2007/QĐ-TTg, Quyết định 102/2009/QĐ-TTg… Thời gian qua, việc phát triển mạnh cây cao su đã tác động 2 chiều đến người dân miền núi. Mặt phải là đồng bào được giải quyết công ăn việc làm tại chỗ, dự báo khi cao su tiểu điền đến thời kỳ thu hoạch, người dân sẽ có đời sống ổn định; nhưng mặt trái để lại cũng không hề nhỏ như hệ lụy phá rừng, mất đất sản xuất... Đề án Phát triển sản xuất nông, lâm sản góp phần giảm nghèo khu vực miền núi giai đoạn 2014-2016 và định hướng đến năm 2020, xác định cây cao su là một trong những cây trồng mũi nhọn. Các địa phương cần khẩn trương quy hoạch, không để tình trạng người dân tự phát lấn chiếm đất rừng trồng cao su. Kế hoạch đến năm 2016, diện tích phủ xanh cao su là 22.034ha (tăng 12.000ha cao su so với năm 2012). Sau khi rà soát, điều chỉnh 3 loại rừng, sẽ mở rộng vùng trồng cao su mới tại huyện Phú Ninh 1.000ha, Tiên Phước 2.000ha, Nam Trà My 2.000ha, Thăng Bình 2.400ha, Phước Sơn 2.900ha và Nông Sơn 300ha. Đề án cũng đặt ra yêu cầu chính quyền cần sớm liên kết với doanh nghiệp tổ chức sản xuất và tiêu thụ mủ cao su cho người dân trồng cao su tiểu điền…
Theo Sở NN&PTNT, việc kết hợp các mô hình nông – lâm, phát triển ưu thế các loại cây dược liệu, cây bản địa là cách tối ưu để giảm nghèo bền vững, Do đó, cần tạo môi trường thuận lợi để các thành phần kinh tế đầu tư vào các dự án lâm nghiệp tại khu vực miền núi. Chú ý phát triển vùng nguyên liệu (mây, tre, nứa, đót (…) phục vụ cho phát triển ngành nghề nông thôn. Hiện nay, các dự án tài trợ trồng rừng đã hình thành được vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn. Các Chương trình 661, các dự án KFW6, WB3, JBIC đã triển khai trồng ở 9 huyện miền núi đến nay là 20.578ha rừng phòng hộ và sản xuất. Trong khi đó, chỉ có 6.424 hộ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với gần 13,5 nghìn héc ta. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang cho biết, các địa phương miền núi có thế mạnh về các cây trồng bản địa đem lại kinh tế cao, song do quy mô trồng nhỏ lẻ, phân tán rải rác nên hạn chế trong tiêu thụ thị trường. Do vậy, tỉnh sẽ giúp cho các địa phương về cơ chế, chính sách, hỗ trợ về kỹ thuật, nhân rộng các mô hình; đòi hỏi phải quy hoạch vùng cây trồng bài bản; nghiên cứu, khảo sát thận trọng để vừa thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững vừa đảm bảo đa dạng hệ sinh thái rừng miền núi.
BÍCH HẠNH