Giảm nhẹ rủi ro thiên tai

TRẦN HỮU 22/04/2015 11:29

Nhiều doanh nghiệp, địa phương vừa đeo đuổi mục tiêu phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường bằng cách lồng ghép các chương trình, đầu tư hạ tầng, thiết bị công nghệ hiện đại để giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Sóng biển phá vỡ hệ thống kè mềm bằng bao tải đất ở Cửa Đại.Ảnh: TRẦN HỮU
Sóng biển phá vỡ hệ thống kè mềm bằng bao tải đất ở Cửa Đại.Ảnh: TRẦN HỮU

Hành động ứng phó

Theo kịch bản biến đổi khí hậu của tỉnh, đến năm 2020 phía hạ du sông Thu Bồn sẽ thường xuyên bị ngập lụt, trong đó TP.Hội An là địa phương bị ngập úng nặng nhất do hiện tượng nước biển dâng cao. Toàn thành phố sẽ có 17,5km2 bị ngập nước (tương đương 27,6% tổng diện tích bị ngập), 30% dân số TP.Hội An bị ảnh hưởng đến đời sống sản xuất, sinh hoạt do mất đất sản xuất, hư hỏng nhà ở. Các chuyên gia của tổ chức phi chính phủ SEEDS Asia – Nhật Bản cho rằng, Nhật Bản cũng thường xuyên bị đe dọa bởi thiên tai, sóng thần và nước biển dâng. Các khu resort, khách sạn cao tầng ven biển bao giờ cũng được trang bị kỹ năng, kiến thức giảm nhẹ rủi ro thiên tai, kết hợp với phát triển du lịch, sinh thái. Người dân bản địa và người lao động làm việc vùng ven biển được phổ biến kỹ năng cơ bản tránh thiệt hại bão lụt, kỹ năng và phương án sơ tán dân.

Theo PGS-TS. Trần Thanh Tùng (Khoa Kỹ thuật biển, Trường Đại học Thủy lợi), ngoài tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về khả năng thích ứng, còn phải nhanh chóng trồng rừng ngập mặn ven sông, ven biển. Về tình trạng xâm thực bãi biển Cửa Đại, TP.Hội An phải xúc tiến các giải pháp đầu tư công trình kiên cố kết hợp với nuôi bãi để giảm năng lượng sóng, giảm lượng bùn cát thất thoát, tái tạo nhanh bãi biển. Nuôi bãi dưới hình thức chuyển cát nhân tạo qua cửa và hệ thống bẫy bùn cát để hạn chế hiện tượng dịch chuyển, xói lở bờ biển hạ lưu, bồi lấp các bãi biển. Tại Việt Nam, nuôi bãi, san lấp, cải tạo bãi tắm phục vụ du lịch mới triển khai tại bãi biển Nha Trang, Mũi Né (Phan Thiết).

Tại vùng ven biển Cửa Đại (Hội An), nơi có một số hạng mục công trình khách sạn như Victoria, Golden Sand, khách sạn Sun Rise, khu du lịch Đồng Dương… đã bị sóng biển phá hỏng. Chính quyền và các doanh nghiệp đang nỗ lực xây dựng hệ thống các kè phá sóng xa bờ và kè chắn bồi tích tại gần mũi Cửa Đại. Ở nam Cửa Đại tính toán nghiên cứu xây dựng hệ thống kè bảo vệ dưới dạng tường đứng, hoặc đầu tư hệ thống kè phá sóng xa bờ nằm song song với bờ nam sông. Theo ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, thời gian qua, hơn 100 doanh nghiệp trên địa bàn đi khảo sát thực địa và tập huấn “Lồng ghép giảm nhẹ rủi ro thiên tai và phát triển du lịch sinh thái Hội An” đã tích lũy nhiều kinh nghiệm, đồng thời có phương án xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để thích ứng với biến đổi khí hậu cho đơn vị mình và cộng đồng dân cư.

Báo lũ bằng công nghệ M2M

Từ tháng 3.2014 - 4.2015, Tập đoàn Viễn thông công nghệ thông tin Nhật Bản và Đại học Waseda (Nhật Bản) đã phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông, UBND tỉnh lắp đặt sáu bộ cảm biến, đường truyền, server… nhằm thu thập thông tin giám sát mực nước và tốc độ nước để cảnh báo lũ cho người dân tại khu vực huyện Nam Trà My. Toàn bộ thiết bị đều sử dụng công nghệ M2M (máy truyền thông về máy) và điện toán đám mây. Theo các chuyên gia Nhật Bản, khi dự án đưa vào sử dụng, với những thiết bị cảm ứng đã được lắp đặt tại những điểm xung yếu sẽ truyền về trung tâm xử lý những thông số về lũ. Từ đó, tại trung tâm xử lý sẽ tổng hợp và đưa ra quyết định phù hợp với từng mức nước nhất định. Ví dụ, nếu có mưa lớn nhưng chưa đến mức lũ thì trung tâm sẽ nhắn vào hộp thư điện tử của cán bộ có chức trách trong việc phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của địa phương. Nếu trường hợp, nguy cơ có lũ xảy ra thì trung tâm sẽ nhắn tin vào máy điện thoại của những người có nhiệm vụ phụ trách phòng chống thiên tai để có hướng xử lý kịp thời. Trong tình huống lũ xuất hiện, trung tâm sẽ truyền chỉ thị đến những bộ phận cảnh báo được gắn ở những điểm xung yếu để hệ thống này phát tín hiệu bằng âm thanh và ánh sáng cảnh báo cho người dân không được đi qua khi vực này hoặc có phương án sơ tán kịp thời.

Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh cho biết, công nghệ M2M rất hiện đại, có khả năng phát hiện sớm sự thay đổi mực nước các dòng sông, suối ở thượng nguồn, từ đó phát hiện sớm các nguy cơ lũ quét và thông báo đến người dân để hạn chế thấp nhất rủi ro do thiên tai gây ra. Từ áp dụng thành công ở Nam Trà My, có thể nhân rộng ra nhiều địa phương miền núi khác trong tỉnh. Cuối tháng 12.2014, một tổ chức phi chính phủ khác – Save Children International cũng hỗ trợ cho các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Nông Sơn, Quế Sơn và TP.Hội An đưa thông tin cảnh báo sớm về nguy cơ thiên tai nói chung và về lũ trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn nói riêng tới cộng đồng thông qua hệ thống tin nhắn (SMS) và các phương tiện thông tin liên lạc tại địa phương như bộ đàm, đài truyền thông, kẻng, trống…

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giảm nhẹ rủi ro thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO