Hàng trăm dự án xây dựng cơ bản ở cơ sở được Ban giám sát đầu tư cộng đồng (GSĐTCĐ) tự nguyện vào cuộc giám sát, từ đó, phát hiện các sai phạm và kiến nghị yêu cầu chủ đầu tư khắc phục, đảm bảo chất lượng công trình, góp phần tạo niềm tin trong nhân dân.
Kinh nghiệm từ Cẩm Kim
Năm 2020, Ban GSĐTCĐ của xã Cẩm Kim (Hội An) xây dựng kế hoạch và thực hiện giám sát 23 công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn xã, với tổng vốn đầu tư hơn chục tỷ đồng.
Qua giám sát, Ban GSĐTCĐ của xã đã phát hiện nhiều sai phạm và đề nghị với Ủy ban MTTQ Việt Nam xã có ý kiến với chủ đầu tư để chấn chỉnh, thi công đúng với thiết kế, đảm bảo chất lượng công trình.
Theo ông Võ Quốc Thế - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Cẩm Kim, có những công trình Ban GSĐTCĐ đề nghị Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã có ý kiến cương quyết với chủ đầu tư, yêu cầu đơn vị thi công tháo dỡ, bóc khối bê tông ở những đoạn đường đã thi công nhưng không đảm bảo chất lượng, như tuyến giao thông nội đồng Tiền hiền, cánh đồng trường học, sửa chữa lại mặt bằng công trình đường từ chợ đến nhà ông Cân…
“Đối với công trình có sai phạm nhưng chủ đầu tư cố tình phớt lờ kiến nghị khắc phục, Ban GSĐTCĐ gửi đề nghị ngành chuyên môn vào cuộc chấn chỉnh, xử lý để công trình xây dựng đạt chất lượng” - ông Thế nói.
Để tăng cường vai trò giám sát của người dân đối với các công trình xây dựng cơ bản ở cơ sở, UBND TP.Hội An có chủ trương tất cả công trình đầu tư ở cộng đồng đều phải được giám sát và khi tất toán phải có chữ ký của Ban GSĐTCĐ. Theo quy định, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Cẩm Kim thành lập Ban GSĐTCĐ theo từng dự án, công trình xây dựng ở từng địa bàn thôn.
Ông Lê Trung Tấn - Trưởng ban GSĐTCĐ của xã Cẩm Kim chia sẻ, sau khi nhận nhiệm vụ, ông phân công cụ thể trách nhiệm cho thành viên của Ban GSĐTCĐ giám sát tất cả công trình xây dựng trên địa bàn xã. Bản thân ông thường xuyên theo dõi tiến độ thi công, thể hiện tốt vai trò giám sát của cộng đồng góp ý việc xây dựng các hạng mục của công trình trên địa bàn xã.
“Nhiều công trình tôi bố trí người của Ban GSĐTCĐ tham gia lao động để kịp thời phát hiện những sai phạm, báo cho trưởng ban lập biên bản giám sát, kiến nghị khắc phục, nhằm đảm bảo chất lượng, phát huy tốt hiệu quả phục vụ dân sinh” - ông Tấn nói.
Góp phần phòng chống tiêu cực
Ban Chỉ đạo đề án 1254 của UBND tỉnh về tăng cường năng lực giám sát của Ban thanh tra nhân dân (TTND) và Ban GSĐTCĐ cho biết, năm 2020, Ban TTND của 241 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 303 cuộc giám sát, kiến nghị xử lý 60 vụ việc.
Trong khi đó, gần 900 Ban GSĐTCCĐ của 241 xã, phường, thị trấn đã triển khai giám sát 898 công trình, dự án, phát hiện sai phạm và kiến nghị 139 vụ việc, thu hồi 22.555m2 đất và 184,6 triệu đồng.
Ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đề án 1254 của UBND tỉnh đánh giá, giai đoạn 2017 - 2021 việc thực hiện đề án 1254 đạt được những kết quả rất tích cực, thiết thực. Hơn 80% số Ban TTND và Ban GSĐTCĐ trên địa bàn tỉnh hoạt động khá và tốt.
Qua đó, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy; vai trò, năng lực giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên cấp xã được nâng lên rõ nét, góp phần quan trọng trong công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí ở địa phương.
Để có được kết quả này, theo ông Hùng, hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Thanh tra tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng giám sát; bổ sung kiến thức pháp luật, hướng dẫn quy trình thực hiện giám sát; tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm giám sát cho các Ban TTND và Ban GSĐTCĐ trên địa bàn tỉnh về giám sát ngân sách Nhà nước; giám sát các dự án đầu tư cấp xã; giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn thành lập các địa chỉ hỗ trợ hoạt động giám sát cộng đồng tại 18 huyện, thị xã, thành phố đã kịp thời hỗ trợ các Ban TTND và Ban GSĐTCĐ giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giám sát.
Định kỳ, tổ chức sơ kết, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân Ban TTND và Ban GSĐTCĐ có thành tích xuất sắc để kịp thời động viên, khích lệ tinh thần, tạo khí thế thi đua tích cực góp phần nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động giám sát của Ban TTND, Ban GSĐTCĐ ở cơ sở.
“Cùng với bố trí kinh phí tiếp tục triển khai đề án, UBND tỉnh cần ban hành chỉ thị tăng cường công tác giám sát của cộng đồng đối với hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh nhằm quy định cụ thể trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu… trong phối hợp với Ban GSĐTCĐ.
Đặc biệt, quy định tất cả công trình, dự án thuộc ngân sách xã đầu tư giao cho Ban GSĐTCĐ thực hiện giám sát và được hưởng chi phí giám sát thi công theo Thông tư số 28/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về quản lý vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách xã, phường, thị trấn đối với những dự án đầu tư nhỏ (dưới 500 triệu đồng), có thiết kế kỹ thuật đơn giản” - ông Hùng kiến nghị.