Sau khi phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại TP.Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đã có văn bản khẩn yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát dịch bệnh...
Bộ Y tế nhận định từ tháng 5.2022 đến nay, dịch bệnh đậu mùa khỉ đã gia tăng liên tục cả về số ca mắc và số quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận ca bệnh. Cho đến ngày 23.7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố dịch bệnh này là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế.
Để chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh, kiểm soát dịch kịp thời không để bùng phát và dịch chồng dịch, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố tăng cường công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ và các hướng dẫn của Bộ Y tế.
Theo đó, cần tổ chức giám sát và phòng chống bệnh đậu mùa khỉ cũng như tổ chức chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người; phòng ngừa lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ trong cơ sở khám chữa bệnh.
Các địa phương sẵn sàng công tác phòng chống dịch bằng cách đẩy mạnh việc thực hiện nghiêm giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu và ở các cơ sở khám chữa bệnh.
Ngoài ra, thực hiện giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời. Đảm bảo việc thu dung, phân luồng, điều trị người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh và phòng chống lây nhiễm tại các cơ sở xét nghiệm, y tế. Sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí.
Tại Quảng Nam, ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, hiện các đơn vị, địa phương đang đặt chế độ cảnh giác cao nhất với bệnh đậu mùa khỉ để kịp thời có phản ứng, phương án xử lý phù hợp diễn biến dịch bệnh theo các tình huống đặt ra.
Sở này đã yêu các cơ sở y tế khẩn trương rà soát, chủ động đề xuất tham mưu, đảm bảo sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm hóa chất, nhân lực, kinh phí để đáp ứng các tình huống của dịch bệnh đã xảy ra.
Đảm bảo tốt công tác thu dung, điều trị, phân luồng người bệnh tại cơ sở điều trị cũng như công tác phòng chống lây nhiễm tại cơ sở xét nghiệm và y tế. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam tăng cường giám sát đậu mùa khỉ tại cửa khẩu, tại cơ sở khám chữa bệnh và cộng đồng.
Đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm từ loài khỉ và ca đầu tiên được phát hiện vào cuối thập niên 1950. Trường hợp mắc đậu mùa khỉ ở người đầu tiên là một bệnh nhi ở Congo năm 1970. Đậu mùa khỉ gây ra các triệu chứng bệnh như đậu mùa, nhưng tỷ lệ tử vong thấp hơn.
Triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ và thủy đậu đều giống nhau, với các biểu hiện sốt, đau cơ, đau đầu, có sang thương ở da, niêm mạc (ban đầu xuất hiện hồng ban, sau đó đến sẩn, bóng nước và cuối cùng là đóng mày khô).
Điểm khác biệt giữa bệnh đậu mùa khỉ và thủy đậu là vị trí bóng nước, hạch, vết sẹo. Với bệnh đậu mùa khỉ thì bóng nước từ mặt rồi lan ra cơ thể, hạch sưng to, vết sẹo sâu; còn thủy đậu thì bóng nước từ thân lan ra, ít khi có hạch sưng to, vết sẹo nông.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để hạn chế khả năng lây nhiễm, tất cả trường hợp tiếp xúc gần cần phải điều tra để kịp thời phát hiện bệnh và điều trị. Bên cạnh đó, cần tránh nhầm lẫn đậu mùa khỉ với các bệnh khác, không phải tất cả trường hợp nổi hạch, sốt, phát ban… đều là bệnh đậu mùa khỉ. Vì vậy, khi có các dấu hiệu trên, người bệnh nên sớm tới các cơ sở y tế để thăm khám.