Quảng Nam là tỉnh đi đầu trong nghiên cứu ứng dụng công nghệ 4.0 và thiết bị IoT (mạng lưới kết nối thiết bị internet) vào công tác quản lý, giám sát đối tượng liên quan đến dịch Covid-19.
Thời gian qua, một số đối tượng thuộc diện phải cách ly phòng dịch Covid-19 đã tự ý trốn hoặc rời khỏi điểm cách ly, mang lại nhiều mối lo và nguy hiểm cho cộng đồng. Vì vậy, việc nghiên cứu ứng dụng thiết bị giám sát đối tượng liên quan Covid-19 rất cần thiết.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các sở, ban ngành liên quan đã có phiên làm việc trực tuyến trao đổi, đánh giá giải pháp chuyên dụng quản lý, giám sát và truy vết đối tượng Covid-19 bằng công nghệ 4.0 và thiết bị IoT “Covid 19 Track & Trace Solutions”.
Sản phẩm này được thiết kế thành thiết bị đeo tay nhỏ gọn có thể tái sử dụng nhiều lần, chủ động theo dõi đối tượng không cần sự can thiệp của điện thoại thông minh (tài sản của người dùng), được cung cấp bởi Công ty CP Đầu tư Digital KingDom và đại diện tại khu vực miền Trung.
Lãnh đạo UBND tỉnh đã đánh giá cao tính ứng dụng và khả năng giúp cho công tác giám sát, quản lý những đối tượng liên quan dịch Covid-19 trong khu vực cách ly và tự cách ly. Giải pháp sẽ được đánh giá và xem xét để có thể áp dụng trên địa bàn tỉnh.
Nếu được triển khai, Quảng Nam cũng là đơn vị đầu tiên tiếp cận giải pháp giám sát chuyên dụng và tiên tiến này tại Việt Nam và Việt Nam cũng là quốc gia thứ 2 trên thế giới tiếp cận giải pháp “Covid-19 Track & Trace Solutions” sau Singapore.
Việt Nam đang được thế giới đánh giá là có những hoạt động đi đầu, hiệu quả và là bài học điển hình cho các công tác phòng chống dịch Covid-19. Việt Nam đã có nhiều úng dụng công nghệ 4.0 cho việc khai báo thông tin y tế, thông tin dịch bệnh, thông tin địa điểm y tế và khai báo cách ly thông qua việc cài đặt những ứng dụng y tế trên thiết bị điện thoại thông minh của người dùng như ứng dụng: NCOVI, COVID-19, Sức khỏe Việt Nam… đã và đang nhận được sự ủng hộ của người dân và đạt được nhiều kết quả đáng kể.
Việc kết hợp giải pháp IoT chuyên dụng sẽ làm cho công tác giám sát, quản lý và ngăn ngừa sự cố được nâng cao hiệu quả. Đồng thời chủ động ghi nhận, lưu vết dữ liệu giúp ứng phó kịp thời khi có sự cố Covid-19 xảy ra ở diện rộng hơn, giảm thiểu hậu quả sự cố và các tác động đến công tác kiểm tra, quản lý và kiểm soát dịch Covid-19 như hiện nay.