Từ năm 2019 đến tháng 6/2024, Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Quảng Nam tổ chức 2.451 cuộc giám sát và 1.084 hội nghị phản biện xã hội. Đó là con số rất lớn. Tuy nhiên, để con số không chỉ là hình thức trong các báo cáo hằng năm, thì việc theo đuổi đến cùng kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội vẫn là điều người trong cuộc trăn trở.
Cần cách làm thực chất
Trong 6 cuộc giám sát của Mặt trận tỉnh trong năm 2023, có cuộc giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 01/2020/NQ-HĐND ngày 21/4/2020 của HĐND tỉnh về cơ chế khuyến khích đầu tư, hỗ trợ khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2030. Giám sát cho thấy, sau 3 năm triển khai thực hiện, mặc dù ngân sách nhà nước đã bố trí để thực hiện nhưng chưa giải ngân được.
Mục tiêu của Đề án quản lý chất thải rắn tỉnh Quảng Nam (đề án thực hiện Nghị quyết 01) đặt ra: đến cuối năm 2022, mỗi huyện hình thành mặt bằng sạch ít nhất 1 khu xử lý chất thải rắn tập trung để xử lý chất thải trên địa bàn. Thế nhưng đến thời điểm giám sát chưa thực hiện được.
Trong đó, việc quy hoạch các khu xử lý tại một số địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về xác định vị trí, bảo đảm khoảng cách an toàn và bố trí tái định cư. Công tác xúc tiến, kêu gọi nhà đầu tư theo Nghị quyết 01 chưa đạt kết quả.
Sau kiến nghị của đoàn giám sát, UBND tỉnh đã chỉ đạo khắc phục. Đến tháng 7/2024, có 5/13 địa phương có khu xử lý rác thải được hỗ trợ kinh phí (thị trấn Ái Nghĩa huyện Đại Lộc; xã Tam Xuân 2 huyện Núi Thành; thị trấn Prao huyện Đông Giang; xã Trà Sơn huyện Bắc Trà My và xã Trà Don huyện Nam Trà My).
Việc quy hoạch các khu xử lý rác thải đã được tiếp thu, điều chỉnh theo các kiến nghị của địa phương. Đáng lo ngại nhất là đối với việc hỗ trợ nhà đầu tư xử lý rác thải theo nghị quyết chưa thực hiện được.
Đưa ví dụ này để thấy đối tượng tác động của nghị quyết rất lớn, nhưng dù Mặt trận tỉnh kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến lợi ích thiết thực của người dân và doanh nghiệp, thì cũng không dễ gì thực hiện. Và để chính sách đi vào cuộc sống, hẳn cần nhiều cách làm thực chất hơn.
Khoảng trống hậu kiểm sau giám sát
Ông Phan Khắc Chưỡng - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ - pháp luật của Mặt trận tỉnh Quảng Nam cho rằng, nhiệm kỳ 2019 - 2024, việc tiếp thu, trả lời của chính quyền các cấp liên quan đến các kiến nghị của Mặt trận tỉnh được thực hiện khá tốt.
“Tuy nhiên, để giải quyết rốt ráo kiến nghị sau giám sát cần lắm sự “chuyên nghiệp” từ phía cán bộ mặt trận chuyên trách. Bắt đầu từ việc chọn đối tượng, nội dung giám sát, đến sự “đeo bám” việc trả lời các kiến nghị sau giám sát. Muốn vậy, nội dung kiến nghị phải cụ thể, chi tiết, tránh các cụm từ “tăng cường”, “đẩy mạnh”, “nâng cao”… vốn lặp lại nhiều lần trong các báo cáo, kiến nghị sau giám sát. Cần phải chắt lọc nội dung tiếp thu kiến nghị theo hướng xem xét thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của các cơ quan đến đâu để lãnh đạo Mặt trận kịp thời thông tin, phản ảnh lại với lãnh đạo UBND cùng cấp tại các cuộc họp định kỳ hằng tháng theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019” - ông Chưỡng nói.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, Mặt trận các cấp chủ trì tổ chức 82 cuộc giám sát chuyên đề tại 106 đơn vị. Qua giám sát, phát hiện nhiều hạn chế, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật của chính quyền các cấp, kịp thời ban hành 61 văn bản kiến nghị với HĐND, UBND các cấp và các cơ quan liên quan kiểm tra, xử lý theo quy định.
Tổng số văn bản được các cơ quan chức năng giải quyết, trả lời sau kiến nghị là 55/61. Tuy nhiên, thật khó có câu trả lời cho kết quả trên thực tế sau các văn bản đó.
Bà Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng: “So với các tỉnh trong cụm thi đua khu vực Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung, Quảng Nam là đơn vị dẫn đầu về số lượng các cuộc giám sát của MTTQ các cấp. Công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận tỉnh Quảng Nam được Trung ương đánh giá cao, vì cán bộ tham mưu có thời gian gắn bó với hoạt động mặt trận khá lâu, nhiệt huyết, tận tâm với công việc; chủ động, tích cực lựa chọn đúng, trúng vấn đề nhân dân quan tâm để thực hiện. Tuy nhiên, có những khoảng trống sau kiến nghị, giám sát rất cần Mặt trận tỉnh đeo bám để tham mưu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo quyết liệt hơn nhằm đạt kết quả cao hơn”.
Những điều trăn trở
Nhiều cuộc tọa đàm về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận được tổ chức hằng năm.
Mới đây nhất là tọa đàm do Mặt trận tỉnh đăng cai tại hội nghị cụm thi đua Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung (tổ chức ngày 5/7 tại Hội An).
Chia sẻ kinh nghiệm, là điều cần thiết. Bởi lẽ trả lời cho câu hỏi “Phản biện, giám sát thế nào là hiệu quả?” là chung của hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến địa phương. Trăn trở với chất lượng phản biện, giám sát cũng không riêng gì của Quảng Nam.
Theo ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam, thời gian qua, hoạt động giám sát, phản biện xã hội được tiến hành theo đúng quy trình của Nghị quyết liên tịch số 403 (quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam), phù hợp với khả năng của Mặt trận; đồng thời phát huy vai trò các hội đồng tư vấn, tranh thủ ý kiến những người có uy tín, kinh nghiệm trong công tác giám sát, phản biện xã hội...
“Điều trăn trở trong hoạt động này là trách nhiệm tiếp thu, giải quyết và trả lời kiến nghị của Mặt trận sau giám sát của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Nhất là những kiến nghị liên quan đến vấn đề phức tạp, tồn đọng qua nhiều thời kỳ, thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan. Mặc dù trách nhiệm tiếp thu, giải quyết kiến nghị của Mặt trận được nêu khá rõ tại Quy định số 2107-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tuy nhiên quy định trên cần được thể chế hóa bằng văn bản pháp luật mới bảo đảm tính khả thi cao hơn. Và khi nào việc thực hiện kiến nghị của Mặt trận được bảo đảm, hiệu quả giám sát được nâng cao thì vị trí, vai trò nòng cốt của Mặt trận sẽ được khẳng định và phát huy trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội” - ông Nguyễn Phi Hùng chia sẻ.
Hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội nhiệm kỳ qua là tiền đề, khát vọng tiếp tục đổi mới công tác mặt trận nhiệm kỳ 2024 - 2029. Tư duy và kỹ năng phản biện tốt, lắng nghe một cách chủ động là điều cần thiết.
Với nhiều góc nhìn cho vấn đề được đặt ra để tạo hiệu quả tốt trong giám sát, phản biện nhưng cốt lõi nhất vẫn phải đi từ tâm thế lấy quyền lợi chính đáng của nhân dân. Đó cũng là tâm huyết của người đủ tri thức cho các vấn đề xã hội cần hiện nay.
“Các cấp ủy, tổ chức đảng cần phải tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia giám sát, phản biện xã hội.
Đồng thời cần nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ quyền và trách nhiệm tham gia giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội. Nghiên cứu cơ chế đặt hàng đối với vấn đề phản biện. Quan tâm bố trí nguồn lực phục vụ công tác giám sát, phản biện.
Trong giám sát và phản biện xã hội, Mặt trận các cấp phải chủ động, không chờ đợi đề nghị cấp ủy, chính quyền rồi mới giám sát, phản biện; cần chọn những việc cụ thể, phát sinh bức xúc, kiến nghị trong cử tri, nhân dân; nhất là những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của nhân dân; tăng cường phản biện các chủ trương, chính sách, công trình dự án có ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống người dân.
Đồng thời cần tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hình thức giám sát, phản biện xã hội và biện pháp tổ chức thực hiện; tăng cường tập hợp trí thức, người có chuyên môn, nâng cao chất lượng đội ngũ thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp.
Cùng với đó, thực hiện sơ kết, tổng kết về việc thực hiện giám sát, phản biện xã hội. Thông qua sơ kết, tổng kết để lựa chọn hình thức, phương pháp giám sát, phản biện thích hợp, hiệu quả đối với việc thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng”.