Giám sát, quản lý đầu tư chuyên nghiệp, tại sao không?

TÙY PHONG 23/03/2016 09:42

Cuộc giám sát của HĐND tỉnh tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Quảng Nam đã cho thấy một con số khả quan, được xem là chỉ dấu của một cơ quan quản lý đầu tư chuyên nghiệp và trách nhiệm. Chỉ trong vòng 4 năm hoạt động, thông qua giám sát, quản lý chi phí trong đầu tư xây dựng do ban này thực hiện đã tiết kiệm chi phí cho nhà nước hơn 79 tỷ đồng. Theo HĐND tỉnh, đây là sự “khác biệt” bởi nhiều cuộc giám sát tại các ban quản lý đầu tư khác tại Quảng Nam không cho thấy bất kỳ khoản tiết kiệm nào cho ngân sách.

Thực tế, đầu tư xây dựng tại Quảng Nam hay các địa phương khác đều vượt dự toán hay điều chỉnh tăng, suất đầu tư so với thực tế đầu tư. Khá nhiều dự án chậm tiến độ. Nhiều dự án đội vốn. Lý do chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư… không phải do khó giải phóng mặt bằng mà chính là do thiếu kinh nghiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Có thể hiểu việc các chủ đầu tư không có đủ trình độ chuyên môn và kinh nghiệm liên quan đến dự án của mình là điều rất bình thường. Chính vì thế mà chủ đầu tư mới phải thuê tư vấn, là những người am hiểu trong lĩnh vực đó, để trợ giúp cho mình. Tuy nhiên, tại sao các đơn vị tư vấn lại đưa những hạng mục không cần thiết, những thiết kế không phù hợp vào dự án để làm tăng chi phí đầu tư? Có phải do trình độ chuyên môn của tư vấn kém? Vì sao có các dự án còn nhiều khiếm khuyết như thế lại lọt qua hết các cơ quan thẩm định để cuối cùng được chủ đầu tư ký phê duyệt và cho triển khai? Có phải những chuyên gia làm việc ở các cơ quan này không đủ trình độ chuyên môn để thẩm định?... Vì thế không thể không lo ngại, nhất là các cơ quan thẩm định không đủ chuyên môn và kinh nghiệm, nhưng vẫn đặt bút ký vào các biên bản thẩm định để “bật đèn xanh” cho dự án được thông qua. Nếu không có những ban quản lý đầu tư chuyên nghiệp, có đủ trình độ thì có thể tiết kiệm cho ngân sách được không?

Chỉ với một ban quản lý mới giám sát vài chục dự án đã tiết kiệm 79 tỷ đồng thì nếu nghiêm túc rà soát, giám sát với hàng ngàn dự án đang và sẽ triển khai ở Quảng Nam, con số tiết kiệm được chắc chắn sẽ là không nhỏ, đủ khả năng để đầu tư thêm những công trình khác. Vì thế, không ai nghi ngờ gì việc trao quyền giám sát đầu tư công cho các cơ quan dân cử. Tuy nhiên, để các đại biểu cơ quan này có thể làm nhiệm vụ giám sát một cách không hình thức, mang tính chuyên nghiệp hơn, họ cần có chuyên gia giúp việc. Theo các nhà hoạch định chính sách, muốn hoạt động giám sát hiệu quả thì cần ít nhất hai yếu tố. Đó là tính độc lập và sự chuyên nghiệp. Ngoài ra, dù nói “nhân dân giám sát” nhưng lại chưa tạo một cơ chế thích hợp để người dân có thể thực hiện quyền này. Có thể thiết lập những kênh chính thức để các đại biểu dân cử tiếp nhận thông tin từ người dân, được quyền tổ chức những phiên điều trần công khai để mọi người dân có thể tham gia và chất vấn chủ đầu tư...

Tóm lại, nếu không thay đổi, thì cho dù 100% dự án được giám sát theo cơ chế, cách thức như hiện nay mà thiếu độc lập và trình độ quản lý chuyên nghiệp thì tất cả cũng chỉ mang tính hình thức, sẽ chẳng mang lại hiệu quả. Kết quả là ngân sách nhà nước không thể tiết kiệm được đồng vốn nào mà nguy cơ công trình đội vốn ngày sẽ càng gia tăng.

TÙY PHONG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giám sát, quản lý đầu tư chuyên nghiệp, tại sao không?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO