Giám sát quản lý, sử dụng đất tại Điện Bàn: Nhiều khoảng trống trong quản lý quy hoạch

HỮU PHÚC 03/05/2018 09:41

Tại buổi làm việc với lãnh đạo thị xã Điện Bàn xoay quanh việc thực hiện quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với một số dự án quy mô lớn, Đoàn giám sát HĐND tỉnh đánh giá khối lượng các dự án thực hiện khá lớn nhưng còn nhiều bất cập trong lập và thực hiện đúng kế hoạch sử dụng đất hàng năm theo quy hoạch.

Một dự án cải tạo đồng ruộng tại xã Điện Thắng Nam (Điện Bàn).
Một dự án cải tạo đồng ruộng tại xã Điện Thắng Nam (Điện Bàn).

Năm 2015, Điện Bàn lên thị xã nên quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch vùng, lãnh thổ làm căn cứ để có kế hoạch sử dụng đất hàng năm cần điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện là căn cứ pháp lý để địa phương triển khai giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất. Theo đánh giá của địa phương, chỉ tiêu phân bổ kế hoạch sử dụng đất (KHSDĐ) sẽ khắc phục được tình trạng thu hồi đất tùy tiện, gây bức xúc cho người dân, dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện kéo dài. Tuy vậy, thực tế nhiều dự án triển khai trên địa bàn chậm chạp, có nhiều sai phạm nhưng chính quyền các cấp buông lỏng quản lý đất đai và không cương quyết thu hồi đất.

Không trùng khớp số liệu

Ông Lê Văn Cảm - Trưởng phòng TN&MT thị xã Điện Bàn nêu khó khăn trong thời điểm trình thủ tục hồ sơ để cơ quan chức năng thẩm định. Theo ông Cảm, những công trình, dự án thu hồi đất theo Luật Đất đai năm 2013 phải được ghi vốn thực hiện trong năm kế hoạch đối với các dự án sử dụng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Thực tế thì kỳ họp HĐND cấp tỉnh, huyện cuối năm mới phân bổ vốn đầu tư cho các công trình, dự án năm sau. Tuy nhiên, Nghị định 43 năm 2014 quy định, quý 3 hàng năm, UBND cấp huyện gửi hồ sơ kế hoạch sử dụng đất hàng năm của năm sau đến Sở TN&MT để tổ chức thẩm định. Như vậy, các công trình, dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước đưa vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện không thể đáp ứng quy định này.

Theo báo cáo của Phòng TN&MT thị xã Điện Bàn, trong số 2.245ha đất được giao quản lý, đến nay Đô thị mới Điện Nam Điện Ngọc có 1.123ha đất triển khai thực hiện các dự án. Hiện có 22 dự án đã cơ bản hoàn thành, 22 dự án đang triển khai xây dựng, 2 dự án đầu tư theo hình thức BT, các dự án còn lại đang hoàn thiện thủ tục đầu tư. Tổng số hộ được bố trí tái định cư là 6.000 hộ.

Trong khi đó, theo ông Phạm Bê - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai (Sở TN&MT) khẳng định, kỳ quy hoạch sử dụng đất là 10 năm, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh 2011 - 2020 đã được Chính phủ phê duyệt. Trong đó, theo định kỳ 5 năm có điều chỉnh, tỉnh cũng trình Chính phủ nhưng chưa phê duyệt. Riêng điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, trong đó có thị xã Điện Bàn, thì sở căn cứ theo quy định, cuối năm 2015 có văn bản hướng dẫn cho các địa phương triển khai lập quy hoạch sử dụng đất 2016 - 2020. Địa phương trình danh mục thu hồi đất cho ngành quá chậm trễ nên gây khó khăn cho khâu thẩm định. Theo ông Bê, nguyên tắc chung là KHSDĐ phải phù hợp với quy hoạch. Nhưng có chuyện trước đây quy hoạch chỉ làm “cho vui”, nhà đầu tư chỉ đâu địa phương làm đó. KHSDĐ không thông qua HĐND mà chỉ có quy hoạch đất mới thông qua HĐND cấp huyện phê duyệt. Kế hoạch là cụ thể hóa từng năm quy hoạch. Trước ý kiến của lãnh đạo Phòng TN&MT thị xã Điện Bàn cho rằng Đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc không đưa vào KHSDĐ hàng năm, ông Bê cho rằng địa phương nói là không đúng. Nguyên nhân là trước đây Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc phối hợp không tốt với chính quyền thị xã Điện Bàn nên những danh mục nằm trong đơn vị này không nằm trong quy hoạch. “Từ năm 2015, khi phát hiện, ngành đã yêu cầu Đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc phối hợp chặt với địa phương quản lý đất đai theo lãnh thổ. Hiện nay, diện tích đất lúa 36ha bỏ hoang nằm trong dự án nạo vét sông Cổ Cò không đưa vào chỉ tiêu phân bổ chuyển mục đích giai đoạn 2011 - 2020” - ông Bê nói.

Trước đây, do cơ chế UBND thị xã Điện Bàn không quản lý hạ tầng, quản lý đất đai tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc do đơn vị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập. Nhưng từ năm 2017, đơn vị này bàn giao hiện trạng về cho UBND thị xã Điện Bàn quản lý. Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, báo cáo của địa phương và Sở Xây dựng không trùng khớp nhau về số liệu. Theo đề cương của Đoàn giám sát HĐND tỉnh yêu cầu, thì UBND thị xã thể hiện báo cáo chứ không phải Phòng TN&MT. “Trong khi văn bản gửi địa phương khá lâu, yêu cầu báo cáo bám theo đề cương, thì lại không đáp ứng yêu cầu, làm một nẻo. Địa phương không cập nhật được thông tin bằng con số cụ thể về quản lý, sử dụng đất của nhà đầu tư; chẳng biết đơn vị nào làm sai, triển khai chậm, vướng mắc ra làm sao. Cùng một dự án nhưng chính quyền và ngành chức năng đánh giá khác nhau” - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoàng Minh nói.

Quản lý nghiêm đất lúa

Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn Phan Minh Dũng cho rằng, trong quá trình phát triển đô thị, kinh tế - xã hội, nếu không sử dụng đất lúa, địa phương rất khó thực hiện được dự án. Quy hoạch có nhiều thay đổi, gây lúng túng cho địa phương trong quản lý. Các dự án ven biển tồn tại vướng mắc lâu năm, gây khó quản lý hiện trạng. Khâu giải phóng mặt bằng lại gặp khó khăn do vận dụng giá đất theo khung quy định và giá đất thị trường. Thực tế đất tái định cư của một số dự án chỉ nằm… trên giấy. Giao đất cho nhà đầu tư thì vị trí đẹp họ lấy hết, khi đối thoại dân không đồng tình.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh yêu cầu thị xã Điện Bàn quản lý nghiêm diện tích đất lúa dọc quốc lộ, tỉnh lộ. TRONG ẢNH: Cánh đồng lúa tại xã Điện Thọ (thị xã Điện Bàn).
Đoàn giám sát HĐND tỉnh yêu cầu thị xã Điện Bàn quản lý nghiêm diện tích đất lúa dọc quốc lộ, tỉnh lộ. TRONG ẢNH: Cánh đồng lúa tại xã Điện Thọ (thị xã Điện Bàn).

Theo quyết định phê duyệt của tỉnh, chỉ tiêu phân bổ đất lúa giai đoạn 2011 - 2020 của địa phương là hơn 122ha, nhưng UBND thị xã Điện Bàn đề xuất HĐND tỉnh, UBND tỉnh xem xét bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất lúa trong danh mục thu hồi đất, chuyển mục đích đất lúa. Danh mục dự án nạo vét sông Cổ Cò thu hồi diện tích đất lúa khá lớn với 36ha nên địa phương kiến nghị không cộng vào diện tích ghi trong chỉ tiêu phân bổ chuyển mục đích giai đoạn trên. Tại Điện Bàn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nằm ở 3 khu vực gồm Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc; khu vực đô thị dọc trục quốc lộ (gồm Điện Phương, Điện Minh, Điện An, Vĩnh Điện, Điện Thắng Trung, Điện Thắng Nam, Điện Thắng Bắc) và khu vực các xã xây dựng nông thôn mới. Phòng TN&MT thị xã Điện Bàn nhìn nhận, việc xác định nhu cầu sử dụng đất cho các ngành, lĩnh vực trong năm kế hoạch còn nhiều vướng mắc. Bất cập ở chỗ các dự án ven biển khó quản lý hiện trạng, giải phóng mặt bằng chậm do chênh lệch khá lớn giữa giá đất quy định của Nhà nước với giá đất thị trường. Thêm vào đó là các dự án thiếu quỹ đất xây dựng các khu tái định cư.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng - Trưởng đoàn giám sát HĐND tỉnh cho rằng, thị xã Điện Bàn cần rà soát, đánh giá toàn diện các dự án quy mô lớn, việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất phải tuân thủ quy hoạch mà cấp trên phê duyệt, các dự án phục vụ phát triển đô thị, kết cấu hạ tầng đã khớp nối, liên kết vùng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Thực tế phát triển đô thị nhanh gây áp lực cho công tác tái định cư, trong khi chính quyền chưa dự báo nhu cầu đất ở, nhà ở cũng như tăng dân số cơ học. Vì vậy, địa phương cần rà soát danh mục sử dụng đất lúa, tuyệt đối không sử dụng đất lúa dọc theo quốc lộ, tỉnh lộ.

HỮU PHÚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giám sát quản lý, sử dụng đất tại Điện Bàn: Nhiều khoảng trống trong quản lý quy hoạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO