Quản lý, tuần hoàn rác thải, nhất là rác thải hữu cơ tưởng khó mà không khó. Chúng tôi ghi nhận chia sẻ của những người luôn trăn trở, mong muốn góp phần tạo nên hệ sinh thái môi trường đô thị Hội An xanh, bền vững hơn.
ÔNG LÊ QUỐC VIỆT - ĐẠI DIỆN HỢP TÁC XÃ DU LỊCH LÀNG CHÀI TÂN THÀNH: SỰ ĐỒNG LÒNG CỦA CÁC CHỦ THỂ LÀ ĐIỀU THEN CHỐT
Hai năm qua là thời điểm vô cùng khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp du lịch và doanh nghiệp du lịch ở khu vực làng chài Tân Thành cũng không ngoại lệ. Chúng tôi rất lo lắng và buộc phải tìm cách xoay xở để cùng nhau vượt qua. Chợ phiên Tân Thành ra đời từ hoàn cảnh này.
Điều rất vui ở làng Tân Thành khi người địa phương, người nơi khác đến, người dân bình thường hay cơ sở kinh doanh đều rất đồng lòng trong mọi hoạt động, nhất là hoạt động quản lý và xử lý rác thải.
Do đó, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cũng như tổ chức Reform Plastic (đơn vị chuyên thu gom, tái chế, sản xuất chất thải rắn thành sản phẩm gia dụng), cơ sở phục hồi tài nguyên được ra đời.
Không chỉ phân loại rác tại nhà, mọi người đều chủ động tham gia chuỗi xử lý để tuần hoàn rác thải. Các chương trình tập huấn tái chế rác thải hữu cơ đã giúp ích rất nhiều cho chúng tôi. Như vỏ trái cây, gần như nhà nào trong khu vực cũng tái chế thành enzim để rửa chén bát, lau nền nhà.
Từng loại rác thải là giấy, nhựa, kim loại và rác thải nguy hại được phân loại rõ ràng tại cơ sở phục hồi tài nguyên. Từng cơ sở sau khi sơ chế sẽ mang đến cơ sở phục hồi tài nguyên, đều đặn Reform Plastic sẽ đến thu gom và mang đi tái chế.
Nhiều sản phẩm trang trí ở chợ phiên Tân Thành đều làm từ đồ tái chế. Khách nước ngoài sinh sống quanh đây, họ ấn tượng và hưởng ứng mạnh mẽ với cơ sở. Sắp tới đây, nhiều vật liệu trang trí các sự kiện du lịch sẽ làm từ đồ tái chế, từ lưới, gỗ, lốp xe cũ… Ở đây chúng tôi muốn nói về tính thiết thực của nó chứ không chỉ đơn thuần là xử lý rác thải.
Chúng tôi mong muốn truyền cảm hứng đến cộng đồng, cơ sở du lịch hành động trước hết vì môi trường sinh thái, sau đó là hướng đến du lịch xanh, du lịch bền vững.
BÀ ALISON - PHỤ TRÁCH CỬA HÀNG REFILLABLES HỘI AN (CỬA HÀNG ĐONG ĐẦY): THÚC ĐẨY VĂN HÓA MUA SẮM CÓ TRÁCH NHIỆM
Với 17 sản phẩm làm đầy ở thời điểm thành lập cách đây 3 năm, bây giờ cửa hàng đã phát triển lên hơn 300 sản phẩm, trong đó gần 200 sản phẩm là sản phẩm làm đầy như dược liệu, thực phẩm… Điều đó có nghĩa là ngày càng nhiều sản phẩm ở cửa hàng đáp ứng nhu cầu thiết yếu của cộng đồng. Nó cũng có nghĩa là cơ hội bán hàng, mua hàng không bao bì lại càng được phát triển nhiều hơn.
Từ lúc hoạt động, đã có gần 20 nghìn lượt làm đầy tại cửa hàng. Tức là nếu không có giải pháp này thì cũng khoảng từng đó bao bì nhựa đã sử dụng. Câu chuyện của “Đong Đầy”, ý tưởng của nó không chỉ đơn thuần là cửa hàng mua bán. Nó còn là một nơi để thể hiện văn hóa mua sắm. Các nhà sản xuất cũng đang tiến dần đến việc tạo ra các bao bì có khả năng tái sử dụng nhiều lần.
Tại Việt Nam, một số nhà cung cấp bao bì quy mô lớn cũng đã tập hợp để tạo ra mạng lưới gọi là “Pro Vietnam” - hiểu nôm na là gia tăng trách nhiệm của nhà sản xuất bởi áp lực của chính quyền, cộng đồng, cơ sở kinh doanh. Cửa hàng Đong Đầy, khuyến khích chúng ta mua sắm bằng vật dụng có sẵn ở mỗi gia đình.
Một điểm giá trị nữa, hầu hết sản phẩm này đều có nguồn gốc hữu cơ, giải pháp này cho phép người tiêu dùng tiếp cận thân thiện với sức khỏe. Ở đây, giá cả rất tốt ngay cả với nhóm đối tượng thu nhập thấp, trung bình và thực ra đây cũng là nhóm đối tượng hướng đến chính của cửa hàng.
Trong ba năm tới, cửa hàng kỳ vọng sẽ lan tỏa mô hình này đến trường học, thậm chí là cơ sở kinh doanh. Một số khách sạn cũng đã thực hiện giải pháp đong đầy, dễ thấy nhất là nước uống và một số thứ khác. Thực ra, đong đầy cho cơ sở kinh doanh khá là khó, bởi vì hàng hóa mua ở siêu thị gần như đã lý tưởng nhất về giá nên ý tưởng này chỉ hướng đến doanh nghiệp muốn đầu tư giảm thải tốt từ đầu.
Trong câu chuyện giảm thiểu rác thải, nhân viên là chủ thể rất quan trọng bởi họ chính là người thực thi. Ở đây muốn mua bao nhiêu thì mua bấy nhiêu. Cửa hàng cũng chuẩn bị chai, lọ làm sạch sẵn để cho khách hàng vô tình ghé qua; còn thông điệp chính vẫn khuyến khích mọi người tự mang dụng cụ đựng đến cửa hàng. Tất cả đều có xuất xứ và khuyến khích nhà cung cấp địa phương.
BÀ VŨ THỊ MỸ HẠNH - ĐIỀU PHỐI VIÊN CHƯƠNG TRÌNH “DOANH NGHIỆP GIẢM RÁC THẢI HƯỚNG TỚI HỘI AN - ĐIỂM ĐẾN XANH”: CẦN CÓ NHIỀU TRẠM DỪNG ĐỂ RÁC TRỞ THÀNH TÀI NGUYÊN
Hiện nay có rất nhiều giải pháp liên quan tái chế rác hữu cơ để xử lý hiệu quả ở quy mô hộ gia đình, cơ sở kinh doanh nhỏ. Theo chuỗi tuần hoàn, mọi người có thể dùng một số nhóm rác ủ phân cho gà ăn. Dùng giun quế và ruồi lính đen để chuyển đổi rác hữu cơ trở thành thức ăn phục vụ cho nông nghiệp hữu cơ giàu đạm - hiểu đơn giản là 2 loài này có khả năng ăn rác.
Chúng ta cũng có thể tạo ra vườn thảo mộc nhỏ bằng cách xử lý rác hữu cơ phát sinh từ chính hộ gia đình và cơ sở kinh doanh. Trong năm 2021, các giải pháp xử lý rác hữu cơ ở mô hình tái chế rác hữu cơ đô thị và cho cơ sở kinh doanh đã giúp xử lý 13 tấn rác thu gom ở chợ Hội An.
Chúng tôi muốn đề cập về sự kết nối ở mô hình này với cơ sở phục hồi tài nguyên ở làng Tân Thành. Đây là các mô hình xử lý rác thải phi tập trung, có nhiều trạm dừng của rác mà ở đó rác không cần đi ra... bãi rác. Nếu từ nguồn, rác thải được phân loại tốt thì đến từng trạm dừng nó sẽ trở thành tài nguyên và tạo ra giá trị. Khi chúng ta tạo được nhiều trạm dừng thì việc quản lý, tuần hoàn rác thải càng hiệu quả.
Có những điều tưởng như nhỏ nhặt nhưng tồn tại qua thời gian dài, ví dụ rác thải từ lá khô ở các khách sạn. Nếu các khách sạn tự xử lý rác hữu cơ tại chỗ sẽ giảm số tiền phải đóng cho xử lý môi trường rất nhiều, như tại La Siesta Hoi An Resort & Spa, mỗi tháng cơ sở này giảm được khoảng 1 triệu đồng chi phí xử lý rác lá cây.
Cách vận hành cơ bản của nhiều cơ sở lưu trú hiện nay là thuê nhân viên cảnh quan, mua phân bón trồng nhiều cây, đến mùa rụng lá phải trả tiền để quét dọn. Sử dụng nguồn lá đó, rác nhà bếp tự sản xuất phân, trồng thảo mộc, rau hữu cơ. Chưa nói là nếu có câu chuyện về tuần hoàn rác thải tốt thì chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra sản phẩm du lịch cho khách.
Mỗi cơ sở, hộ gia đình khi đa dạng hóa vườn thực vật sẽ ẩn chứa nhiều ý nghĩa. Nó góp phần tái lập hệ sinh thái quy mô nhỏ cho khu vực đô thị. Các loại thực vậy này dễ trồng, tồn tại được trong điều kiện khắc nghiệt, không cần dùng quá nhiều nước tưới giúp tiết kiệm tài nguyên, chi phí. Nhiều loại cây còn thu hút côn trùng, do đó một số khách sạn còn sử dụng nó để thu hút côn trùng tạo trải nghiệm cho khách, nhất là khách trẻ em.
Với những loại rác không thể tự tái chế tại chỗ thì sẽ được thu gom về các trạm dừng để xử lý bài bản hơn. Trái cây, rau củ quả nhà bếp, thức ăn thừa đều có công nghệ thân thiện để xử lý được. Tất nhiên, cách tốt nhất vẫn là giảm phát thải rác ngay từ đầu vào. Chính nhờ hệ thống quản lý rác thải phi tập trung, thay đổi đường đi của rác, khi rác sạch thì rác sẽ thành tài nguyên.
Hội An là một trong những đô thị có lợi thế nhất ở nước ta để thực hiện việc quản lý, tuần hoàn rác thải. Lý do các giải pháp xử lý tại chỗ của một số đơn vị ở Hội An thuộc loại tốt nhất nước mà thậm chí một số đô thị lớn cũng không thể có được.