Nhiều địa phương trong tỉnh đã bắt đầu chú ý tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở sông, biển.
Trong đợt vệ sinh môi trường gần đây, không phải ngẫu nhiên mà ngành tài nguyên - môi trường chọn các xã đảo Tân Hiệp (Hội An) hay Tam Hải (Núi Thành) làm nơi phát động phong trào. Các địa phương này gần đây là “điểm nóng” ô nhiễm môi trường biển.
Biển ở xã đảo Tam Hải nằm cuối con sông Trường Giang nên lượng rác thải từ thượng nguồn và đất liền theo dòng nước trôi vào ven bờ. Xã đảo này như bãi hứng rác thải do thói quen vứt rác sinh hoạt bừa bãi và từ hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân. Bức xúc về xử lý rác thải, song dự án xây dựng lò đốt rác dù đã được cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư nhiều năm nay nhưng người dân vẫn không đồng tình ủng hộ. Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải – ông Nguyễn Tấn Hùng cho rằng, việc chọn địa điểm xây dựng lò đốt có khoảng cách xa khu dân cư 500m như quy định của Bộ Y tế rất khó vì địa bàn xã Tam Hải nhỏ, mật độ dân cư lại đông. Để xử lý lượng rác ứ đọng lâu ngày, người dân đành lén lút vứt xuống sông, biển.
Đầu tháng 10 vừa qua, Phòng TN&MT huyện Núi Thành phối hợp với UBND các xã Tam Tiến, Tam Quang, Tam Mỹ Tây tổ chức nhiều lớp tập huấn về phân loại rác thải tại nguồn, giảm thiểu, chống ô nhiễm rác thải nhựa cho lãnh đạo chính quyền xã, cán bộ địa chính. Thông qua các lớp tập huấn đã giúp 343 hội viên phụ nữ tại 3 xã nói trên trang bị kiến thức phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu lượng rác phát sinh tại mỗi gia đình và tác hại về rác thải nhựa. Theo TS.Chu Mạnh Trinh (Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm), nếu ngay từ đầu người dân phân loại rác tại nguồn, biến rác thải dễ phân hủy làm phân, rác khó phân hủy chuyển Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam xử lý, thì không khó để giải quyết bài toán ô nhiễm hiện nay. Việc nói không với túi ny lon, mang giỏ đi chợ để giảm rác thải đã từng thực hiện rất thành công ở một số phường tại TP.Hội An, rất cần được nhân rộng ở nhiều địa phương khác trong tỉnh.
Tương tự, hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh, Phòng TN&MT huyện Đại Lộc vừa phối hợp với Tổ chức quốc tế bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam triển khai nhiều hoạt động, nâng cao nhận thức cộng đồng giảm thiểu rác thải trên sông thông qua cải thiện quản lý rác thải tại nguồn trên địa bàn huyện Đại Lộc. Hầu hết trưởng thôn, hội, đoàn thể, cán bộ môi trường của 18 xã, thị trấn thuộc huyện đều được tiếp cận với các phương pháp, hình thức vận động, kêu gọi cộng đồng thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi ny lon khó phân hủy. Thời gian qua, bên cạnh các giải pháp hạn chế ô nhiễm đồng ruộng từ việc vứt chai, lọ thuốc bảo vệ động vật, huyện Đại Lộc còn phát động phong trào chống rác thải nhựa ở sông, suối...